Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%
Trong buổi họp báo về tình hình lao động việc làm quý 4/2021 và năm 2021 do Tổng cục Thống kê tổ chức, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 đạt 50,5 triệu người, giảm 791.600 người so với năm trước. Trong đó số lao động có việc làm là 49 triệu người, giảm 1 triệu người so với năm 2020.
Tổng cục Thống kê nhận định do tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp hơn, trong năm 2021 có hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ.
Xét theo khu vực, số lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người, giảm 254.200 người; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người, giảm 800.800 người; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 14,2 triệu người, tăng 37.300 người so với năm 2020.
Số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động năm 2021 được Tổng cục Thống kê ghi nhận hơn 1,4 triệu người, tăng 370.800 người so với năm trước. Tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,1%, tăng 0,71% so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã đẩy tỉ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Điều này trái với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta những năm qua, Tổng cục Thống kê đánh giá.
Tổng cục Thống kê cho hay dù Chính phủ đã ban hành chính sách chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng chống Covid-19, vừa phục hồi, vừa phát triển kinh tế - xã hội, tính chung cả năm 2021, thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, riêng khu vực thành thị vượt mốc 4%.
Thu nhập bình quân tháng trong năm 2021 giảm 32.000 đồng
Nếu như quý 3/2021 đã chứng kiến mức thu nhập thấp nhất chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây thì sang quý 4/2021 mức thu nhập bình quân của người lao động đã được cải thiện hơn. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý 4/2021 là 5,3 triệu đồng, tăng 139.000 đồng so với quý trước. Tu nhiên nếu so sánh cùng kỳ năm trước thì quý 4/2021 đã giảm 624.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tính cả năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,7 triệu đồng, giảm 32.000 đồng so với năm 2020. Thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị là 7 triệu đồng, cao hơn 1,4 lần mức thu nhập bình quân lao động khu vực nông thôn (5 triệu đồng).
Đặc biệt, thu nhập bình quân tháng của lao động nam trong năm 2021 là 6,6 triệu đồng, cao hơn 1,4 lần của lao động nữ (4,7 triệu đồng). Tình trạng giảm thu nhập của nữ giới do Covid-19 diễn ra nghiêm trọng hơn so với của nam giới, nguy cơ bất bình đẳng giới trong thu nhập bình quân có dấu hiệu gia tăng.
Xét theo ngành kinh tế, so với năm 2020, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 duy trì được mức độ tăng trưởng dương ổn định và là khu vực duy nhất có thu nhập bình quân tăng. Mức thu nhập bình quân tháng năm 2021 của khu vực này là 3,6 triệu đồng, tăng 7,1% (tương ứng tăng 236.000 đồng).
Trong năm 2021, thu nhập bình quân của lao động khu vực công nghiệp và xây dựng năm có mức giảm cao nhất giảm 201.000 đồng (tương ứng giảm 3%), còn 6,4 triệu đồng. Lao động trong khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân cao nhất với 6,8 triệu đồng nhưng cũng giảm 27.000 đồng so với năm 2020, tương ứng giảm 0,4%.
Do ảnh hưởng của Covid-19, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương năm 2021 là 6,6 triệu đồng, giảm 45.000 đồng so với năm 2020. Trong khu vực này, lao động nam có mức thu nhập bình quân cao hơn 1,15 lần mức thu nhập bình quân của lao động nữ (7 triệu đồng so với 6 triệu đồng); lao động khu vực thành thị có thu nhập bình quân cao hơn 1,23 lần lao động khu vực nông thôn (7,3 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng).
2,2 triệu người lao động trở về quê
Thông tin về “làn sóng” lao động trở về quê sau dịch Covid-19, lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho hay, tính đến 15/12/2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu người di cư trở về các tỉnh, thành phố khác nhau do dịch.
Trong số này, có khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ Tp.HCM, và gần 600.000 người từ các tỉnh phía nam, hơn 676.000 người từ các tỉnh thành phố khác về.
“Số người trở về chủ yếu là lao động tự do, lực lượng chịu ảnh hưởng các đợt giãn cách theo Chỉ thị 15, 16. Tuy nhiên, vẫn có 839.000 người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động đang làm việc hoặc thất nghiệp. Điều này dẫn đến một số ngành thâm hụt lao động như dệt may, da giày…”, ông Nam nói.
Để hồi phục lại thị trường lao động sau đại dịch và để giảm tỷ lệ thất nghiệp, Tổng cục Thống kê cho rằng cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ lao động, nhất là lực lượng lao động về quê đang rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm.
“Chính phủ và các địa phương vẫn phải có những chính sách an sinh, bố trí công ăn việc làm và thu hút lại lao động thời gian tới. Quốc hội họp phiên bất thường tung ra nhiều chính sách kích cầu đầu tư, mở rộng sản xuất cũng là giải pháp tốt để tạo công ăn việc làm làm cho người lao động. Bên cạnh đó, chúng ta phải quy hoạch lại các ngành nghề như dệt may, da giày, chuyển từ thành phố lớn về các địa phương để tạo việc làm cho người lao động”, ông Nam khuyến nghị.
Cần nhiều biện pháp vực dậy thị trường lao động trong năm 2022
Theo khuyến cáo của Bộ LĐ-TB-XH, nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn nếu có các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động trong điều kiện trạng thái “bình thường mới”. Cụ thể, cần có các chế độ đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho người lao động yên tâm sản xuất. Đối với lao động ngừng việc do doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất hoặc có người lao động về quê, các doanh nghiệp nên thực hiện các biện pháp nhằm "giữ chân" lao động như chủ động giữ thông tin, liên lạc để sẵn sàng kêu gọi người lao động quay trở lại sản xuất khi tình hình dịch được kiểm soát thông qua các nhóm trên mạng xã hội, internet với người lao động. Doanh nghiệp cũng cần thực hiện các chế độ hỗ trợ, phúc lợi người lao động như trả lương ngừng việc, hỗ trợ bằng tiền đối với một số ngày nhất định khi tạm hoãn, nghỉ việc không lương, áp dụng các biện pháp ngừng việc có trả lương, hoặc tạm hoãn/nghỉ việc không lương thay cho việc chấm dứt hợp đồng lao động để "giữ chân" lao động…
Trao đổi với báo VOV, TS Ngô Quỳnh Anh (ĐH Kinh tế Quốc dân), để phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới, cần có những giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho người lao động và doanh nghiệp. Theo đó, về phía doanh nghiệp cũng cần cải thiện năng lực sẵn sàng trong các tình huống khẩn cấp.
“Tôi cho rằng chúng ta không chỉ dồn hết trách nhiệm cho doanh nghiệp vì một mình họ không đủ năng lực đảm đương việc phục hồi thị trường lao động và sản xuất. Theo tôi, phải có các quỹ hỗ trợ dự phòng để doanh nghiệp hỗ trợ, thu hút lao động hồi hương quay trở lại. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý về lao động trên thị trường lao động để hỗ trợ doanh nghiệp có thông tin về danh tính người lao động trong quá trình tuyển dụng, hỗ trợ trong quá trình quản lý người lao động chứ không để doanh nghiệp tự làm việc này. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay rất cần số hóa thị trường lao động, đây là giải pháp then chốt, cần đẩy nhanh gấp 5-10 lần so với lộ trình đặt ra”, TS Ngô Quỳnh Anh nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, cần tính đến những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp dừng sản xuất, khó khăn trong trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, trong các chính sách hỗ trợ, cần duy trì sự hỗ trợ của cộng đồng, không chỉ từ nguồn lực Nhà nước.
Hương Anh (tổng hợp)