Trang tin Axios ngày 7-1 cho biết lính dù Nga đã được triển khai tới lãnh thổ nước láng giềng Kazakhstan, bên cạnh một số lực lượng quân sự khác của Nga, để hỗ trợ an ninh trong khuôn khổ phản ứng chung của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Nga cho biết đang theo dõi chặt tình hình Kazakhstan và kêu gọi các bên kiềm chế trong bối cảnh quốc gia Trung Á này xảy ra biểu tình bạo động chưa từng thấy và vượt tầm kiểm soát.
Binh sĩ Nga lên máy bay di chuyển đến Kazakhstan ngày 6-1. Ảnh: AFP
An ninh Nga gắn chặt với Kazakhstan
Câu hỏi đặt ra là tại sao Nga đặc biệt quan tâm tới vấn đề chính trị nội bộ của Kazakhstan. Theo đài RT, lời giải đáp nằm ở đường biên giới giữa Nga và Kazakhstan dài gần 7.000 km. Đây là biên giới trên bộ liên tục dài nhất thế giới và là nhân tố quan trọng trong chiến lược an ninh của Nga. Do đó, sự ổn định chính trị ở Kazakhstan vô cùng quan trọng với Nga. Nếu Kazakhstan bất ổn, Nga có thể đối mặt với đủ loại đe dọa từ phía nam do biên giới hai nước không chỉ rộng mà còn cắt qua nhiều vùng dân cư thưa thớt và rất khó kiểm soát.
Một nhân tố quan trọng khác là TP Baikonur của Kazakhstan. Nga thuê một khu vực ở TP này để đặt sân bay vũ trụ nổi tiếng Baikonur. Một cơ sở không gian khác của Nga là Vostochny cũng được xây dựng gần đây và được sử dụng để thực hiện các sứ mệnh không người lái. Cho đến khi sẵn sàng thay thế Baikonur, Nga sẽ cần cả Baikonur và sự ổn định chính trị ở Kazakhstan nói chung để quá trình phát triển các công nghệ không gian và các đợt phóng tàu, tên lửa diễn ra suôn sẻ.
Sary Shagan, một khu vực thử nghiệm quan trọng đối với an ninh Nga, cũng nằm trong lãnh thổ Kazakhstan. Đây là địa điểm đầu tiên và duy nhất ở khu vực Âu - Á thử nghiệm các hệ thống chống tên lửa đạn đạo (ABM). Sau khi Liên Xô sụp đổ, một số cơ sở tại Sary Shagan đã được Nga thuê, còn những cơ sở khác được chuyển giao cho Trung tâm Truyền thông và Vô tuyến điện tử Quốc gia Kazakhstan. Việc được tiếp tục sử dụng và vận hành địa điểm thử nghiệm này đóng một vai trò quan trọng trong năng lực phòng thủ của Nga.
Ngoài ra, ở Kazakhstan cũng có cộng đồng 3,5 triệu người Nga sinh sống - chiếm 18,4% tổng dân số nước này. An toàn của cộng đồng người Nga ở Kazakhstan không nằm ngoài mối quan tâm của Moscow.
Đài CGTN ngày 7-1 dẫn thông báo của chính quyền Kazakhstan cho biết các lực lượng an ninh nước này phối hợp với lực lượng CSTO kiểm soát được tình hình ở phần lớn các khu vực nổ ra bạo động. Thông báo khẳng định các hoạt động chống khủng bố sẽ tiếp tục cho đến khi các phần tử quá khích bị loại bỏ hoàn toàn. |
Nga không thể mặc Kazakhstan cho phương Tây lôi kéo
Trong bài viết trên tờ The Moscow Times, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow (Nga) Dmitry Trenin nhận định ban đầu Moscow dường như không muốn can thiệp vào tình hình Kazakhstan bởi hy vọng nước này có thể tự giải quyết chuyện nội bộ. Tuy nhiên, mọi chuyện diễn tiến xấu hơn họ tưởng.
Nhiệm vụ của lực lượng Nga ban đầu khi được tung vào Kazakhstan không bao gồm việc tiến hành các chiến dịch chống lại phần tử cực đoan và khủng bố, mà chỉ bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng, cùng các cơ quan của chính quyền Kazakhstan. Điều này sẽ giúp giảm tải cho lực lượng an ninh Kazakhstan để họ tập trung đối phó âm mưu khủng bố và đảo chính.
Tuy nhiên, theo phát ngôn của Thiếu tướng Không quân Kazakhstan Toktar Aubakirov mới đây thì đất nước của ông dường như mong đợi điều gì đó khác từ quân đội Nga. Cụ thể, Kazakhstan muốn trao luôn quyền giải tán các cuộc biểu tình và bạo động bằng vũ lực cho lực lượng Nga và CSTO. Ông Trenin đánh giá điều này sẽ dẫn tới rất nhiều rủi ro.
Về phần Nga, nước này bắt buộc phải giúp đỡ Kazakhstan bởi nếu không, hậu quả của việc để phe thân phương Tây lên nắm quyền sẽ rất thảm khốc. Kịch bản tồi tệ nhất là Kazakhstan lúc đó rút khỏi các tổ chức Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS), Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), CSTO và cắt đứt quan hệ công nghiệp, quan hệ ngoại giao với Nga. Đó là chưa kể cộng đồng người nói tiếng Nga còn có nguy cơ bị quấy rối hoặc bị trục xuất.
Nguy hiểm hơn nữa là hệ thống phòng thủ tên lửa lưỡng dụng của Mỹ có thể xuất hiện ở sườn phía nam của Nga, trên lãnh thổ của Kazakhstan nếu Mỹ và nước này xích lại gần nhau. Từ đó, tên lửa Tomahawk có thể nhắm vào các mục tiêu quân sự quan trọng, cơ sở hạ tầng công nghiệp của Nga. Nga không thể cho phép những diễn biến như vậy xảy ra, dù dưới bất cứ hình thức nào.
Về phần Kazakhstan, nếu trước đây nước này vẫn đang đứng giữa hai lựa chọn: Về phe Nga hay chống lại Nga, thì giờ đây với sự trợ giúp quân sự của Moscow, Kazakhstan dường như sẽ phải nghiêm túc xem xét lại chính sách đối nội và đối ngoại của mình. Họ có thể lựa chọn đóng cửa các tổ chức phi chính phủ của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, trục xuất các phòng thí nghiệm sinh học nước ngoài ra khỏi lãnh thổ và đảm bảo quyền của người thiểu số nói tiếng Nga và vị thế của tiếng Nga tại Kazakhstan.
Nhìn chung, ông Trenin kết luận Kazakhstan sau diễn biến lần này sẽ là một quốc gia thân Nga hơn, với đường hướng phát triển ngoại giao - quân sự phù hợp với tầm nhìn khu vực chiến lược của Nga. Chuyện tương tự cũng từng xảy ra ở Belarus với đợt biểu tình bất ổn hồi tháng 8-2020; Nga lúc đó tỏ ra ủng hộ nhiệt tình chính quyền Belarus trên phương diện ngoại giao và cũng ngỏ ý muốn gửi quân hỗ trợ nhưng sau cùng đã rút lại quyết định. Belarus từ sau sự kiện đó trở nên gần gũi với Nga hơn, với các đợt diễn tập quân sự được tổ chức liên tục và lực lượng an ninh hai bên hợp tác sâu hơn để chống lại ảnh hưởng của phương Tây.•
Mỹ lên tiếng việc Nga đưa quân vào Kazakhstan Ngày 6-1, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ đang theo dõi chặt việc các lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO do Nga dẫn đầu tới Kazakhstan và đặt ra câu hỏi rằng liệu động thái này có hợp pháp hay không, kênh Channel News Asia đưa tin. Washington sẽ theo dõi bất kỳ hành vi vi phạm quyền con người nào và bất kỳ hành động nào có khả năng tạo tiền đề cho việc chiếm giữ các cơ sở nhà nước của Kazakhstan. Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói chuyện với Ngoại trưởng Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi về tình trạng khẩn cấp đang diễn ra ở Kazakhstan. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Blinken nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với thể chế hiến pháp, tự do truyền thông của Kazakhstan và ủng hộ một giải pháp hòa bình, dựa trên pháp luật cho cuộc khủng hoảng. |