Điều trị bệnh nhân COVID-19 trong phòng cách ly tại một bệnh viện ở bang Ohio, Mỹ ngày 4-1-2022 - Ảnh: REUTERS
Từ cuối tháng 12, số ca nhập viện vì COVID-19 đã tăng ổn định khi biến thể Omicron nhanh chóng vượt qua Delta để trở thành biến thể thống trị tại Mỹ, dù các chuyên gia nói rằng Omicron dường như gây bệnh nhẹ hơn các biến thể trước đây.
Ngày 6-1, Mỹ ghi nhận thêm 662.000 ca mắc mới trong 24 giờ, mức tăng theo ngày cao thứ tư tại Mỹ, và chỉ 3 ngày sau khi Mỹ ghi nhận kỷ lục hơn 1 triệu ca mắc mới trong một ngày.
Theo thống kê của Reuters, số ca nhập viện vì COVID-19 tại Mỹ đang là 123.000 ca, và dường như sẽ đạt kỷ lục hơn 132.000 ca tính đến cuối ngày 7-1 (giờ Mỹ). Trong khi đó, số ca tử vong vẫn ở mức ổn định là 1.400 ca/ngày, thấp hơn so với đỉnh dịch năm 2021.
Đặc biệt, trong đợt bùng dịch do Omicron hiện nay, nhiều bệnh viện ở Mỹ ghi nhận các ca COVID-19 ngẫu nhiên - tức người bệnh đến khám vì các triệu chứng bệnh khác song lại dương tính với COVID-19.
Tại bang New York, 42% bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 là các ca ngẫu nhiên. Thống đốc Kathy Hochul của bang New York và các quan chức khác bày tỏ lạc quan rằng đợt bùng dịch tồi tệ do biến thể Omicron có thể qua đi trong vài ngày tới.
"Chúng ta cần chờ thêm vài ngày mới có thể nói rằng chúng ta đã qua đỉnh dịch. Tôi nghĩ chúng ta có thể có một tháng 1 khó khăn, song mọi thứ sẽ tốt hơn trong tháng 2", tiến sĩ Mary Bassett, quyền ủy viên y tế của bang New York, nói.
Giới chức y tế Mỹ cảnh báo số ca mắc mới tăng cao do biến thể Omicron đang gây căng thẳng cho các bệnh viện.
Một số bệnh viện đang chật vật trong khâu tiếp nhận bệnh nhân do nhiều nhân viên y tế mắc bệnh hoặc đang phải cách ly. Một số khác đã phải lùi lịch phẫu thuật không khẩn cấp lại do thiếu nhân viên y tế.
Theo báo cáo việc làm hằng tháng công bố ngày 7-1 ở Mỹ, ngành y tế nước này mất khoảng 3.100 lao động.
Trong một diễn biến cùng ngày, bà Michael Min - chuyên gia bệnh truyền nhiễm Mỹ - cho biết xét nghiệm nhanh kháng nguyên đường mũi có thể không phát hiện được biến thể Omicron trong những ngày đầu tiên mắc bệnh.
Do đó, nhiều nhà sản xuất dược phẩm đang yêu cầu Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cho phép người dùng thu thập mẫu xét nghiệm từ cả hầu họng. Tuy nhiên, FDA bày tỏ quan ngại về sự an toàn khi người dùng tự quét dịch hầu họng.
Theo tiến sĩ Mina, mọi người có thể lây Omicron cho người khác khi biến thể xâm nhập vào họng và nước bọt trước khi virus đến mũi của họ. Do đó, quét dịch mũi quá sớm có thể không phát hiện ra việc nhiễm bệnh.
Cùng ngày, tại Anh, theo Reuters, giới chức y tế cho biết liều tăng cường hiện nay (liều thứ ba) vẫn có hiệu quả bảo vệ cao ngừa bệnh nặng do Omicron đối với người cao tuổi, và hiện tại không cần phải tiêm liều thứ tư cho mọi người.
Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh cho biết khoảng 3 tháng sau liều thứ ba, khả năng bảo vệ khỏi nhập viện ở người từ 65 tuổi trở lên vẫn ở mức 90%. Do đó, cơ quan này nói họ quyết định chưa cần phải tiêm liều tăng cường thứ hai (liều thứ tư) vào thời điểm hiện tại.
TTO - Ngày 7-1, tổng số ca COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 300 triệu, trong bối cảnh biến thể Omicron dễ lây lan lập kỷ lục về số ca mắc mới tại hàng chục quốc gia trong tuần qua.
Xem thêm: mth.5574656080102202-gnov-ut-iougn-004-1-yagn-tom-tuv-oac-nav-ym-91-divoc-nahn-hneb/nv.ertiout