Nhân viên y tế làm việc tại khoa cấp cứu Bệnh viện hồi sức COVID TP Thủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN
Để sử dụng hiệu quả vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo sớm bao phủ mũi tiêm bổ sung cho những người đã tiêm vắc xin Vero Cell (Sinopharm), Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hướng dẫn căn cứ vào tính sẵn có của vắc xin COVID-19 tại địa phương, có thể sử dụng vắc xin AstraZeneca, vắc xin Vero Cell (Sinopharm) hoặc vắc xin mRNA như Pfizer, Moderna.
Thông tin về tình hình đi học trở lại của học sinh các khối lớp trên địa bàn TP.HCM, ông Lê Duy Tân - trưởng Phòng giáo dục trung học, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - cho biết tình hình học sinh đến trường trở lại đạt kết quả rất tốt, tỉ lệ học sinh học trực tiếp của các khối lớp đều đã đạt tỉ lệ trên 90%.
Đến nay, tỉ lệ học sinh đến trường ở khối lớp 7 đạt 92,4%; lớp 8 đạt 95,48%; lớp 10 đạt 95,85% và lớp 11 đạt 93,56%.
Riêng quận 4 và huyện Củ Chi đã hoàn tất việc phối hợp với phụ huynh và ngành giáo dục nhận được hơn 90% sự đồng thuận của cha mẹ để học sinh khối 7 đến 12 tại hai địa phương này trở lại trường.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TP.HCM sắp vào đợt cao điểm tiêm vắc xin COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại
Sáng 7-1, Sở Y tế TP.HCM tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến đợt cao điểm công tác tiêm vắc xin COVID-19 mũi bổ sung và nhắc lại.
Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM cũng tổ chức buổi họp giao ban trực tuyến về công tác điều trị người bệnh COVID-19 trong tình hình hiện nay.
Theo dữ liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, đến sáng 8-1 cả nước đã tiêm được gần 159 triệu mũi, trong đó trên 9 triệu mũi 3 (bao gồm cả mũi tiêm nhắc cho người tiêm vắc xin Abdala).
Học sinh khai báo y tế và điền vào phiếu thông tin tiêm chủng tại Cung thể thao Tiên Sơn - Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Dự kiến Quân khu 7 giúp tiếp nhận trạm y tế lưu động tại TP.HCM
Thông tin trên được Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Phạm Đức Hải cho biết trong buổi họp báo chiều 7-1.
TP giao Bộ Tư lệnh TP làm chủ lực, đề xuất Quân khu 7 giúp TP thực hiện tiếp nhận trạm y tế lưu động. Đồng thời, huy động sự hỗ trợ từ các nhà thuốc tư nhân tham gia công tác chăm sóc, điều trị F0.
430 bác sĩ mới tốt nghiệp, trong đó 420 bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và 10 bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y dược sẽ về thực tập tại các trạm y tế phường, xã trong thời gian tới.
Hội Chữ thập đỏ, lực lượng Đông - Tây y, y tế tư nhân, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành… cũng được huy động đồng hành, tham gia vào lực lượng chống dịch của TP.HCM.
Các bệnh nhân F0 đang được xét nghiệm lại tại khu cách ly Bệnh viện dã chiến số 8 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Hà Nội kiểm tra việc mua bán thuốc kháng virus
Trước phản ánh của báo chí về việc mua bán thuốc kháng virus đang sử dụng trong Chương trình điều trị có kiểm soát (Molnupiravir), giá trên trời, Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi các UBND quận huyện, yêu cầu tập trung kiểm tra việc bán thuốc Molnupiravir, Favipiravir tại các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán thuốc chưa có giấy phép lưu hành, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nếu có dấu hiệu hình sự chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định.
Nhiều địa điểm tại Hà Nội bị phong tỏa khi phát hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Tối 7-1, Hà Nội thông báo đánh giá cấp độ dịch. Toàn TP Hà Nội vẫn ở cấp độ 2, có 8 quận, huyện ở cấp độ 3 gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Gia Lâm, Hoàng Mai và Long Biên. Trong 24 giờ qua TP có thêm 2.725 ca COVID-19 mới, trong đó có 655 ca cộng đồng.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 65.356 ca. Tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin COVID-19 trên địa bàn Hà Nội là 98,8% (đã đạt tỉ lệ tối thiểu là 70%); tỉ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều là 96,2% (đạt tỉ lệ tối thiểu là 80%).
- Tối 7-1, Hà Nam công bố thêm 98 ca COVID-19. Lũy kế kể từ ca bệnh chiều 19-9-2021 đến tối 7-1-2022, Hà Nam ghi nhận 3.002 ca. Hà Nam ban hành kế hoạch thực hiện quản lý, chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà trên địa bàn. Hiện tại đã có 3 huyện: Kim Bảng, Lý Nhân, Bình Lục chính thức triển khai điều trị F0 thể nhẹ tại nhà.
- Quảng Bình, từ 6h ngày 6-1-2022 đến 6h ngày 7-1-2022, ghi nhận thêm 35 ca COVID-19, trong đó có 32 ca cộng đồng; trong ngày có 35 ca xuất viện. Tổng số người về từ vùng dịch dương tính là 663 ca. Tổng số ca COVID-19 của tỉnh đến nay là 4.084; số ca điều trị khỏi là 3.575, còn 180 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong; 292 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà.
- Đà Nẵng đang theo dõi, sớm thông báo giải trình tự gene 13 ca COVID-19 nhập cảnh đang điều trị tại Bệnh viện Hòa Vang. Tính từ 13h ngày 6-1 đến 13h ngày 7-1, thành phố ghi nhận 310 ca COVID-19; trong đó, 10 ca cách ly tập trung, 130 ca cách ly tại nhà, 26 ca trong khu phong tỏa, 144 ca cộng đồng. Tính từ ngày 21-12-2021, Đà Nẵng ghi nhận 3.397 ca COVID-19, trong đó có 75 ca ngoại tỉnh.
- Bạc Liêu công bố cấp độ dịch COVID-19, từ 0h ngày 8-1, tỉnh ở cấp độ dịch 2 (vùng vàng). Trước đó, Bạc Liêu ở cấp độ 3 (vùng cam). Tính đến 6h ngày 7-1, tỉnh ghi nhận 31.938 ca COVID-19; đã có 26.582 người khỏi bệnh; 262 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, tỉnh ghi nhận thêm 301 ca COVID-19.
TTO - Các địa phương ghi nhận số ca giảm nhiều nhất so với hôm qua: Tây Ninh (-270), Hải Phòng (-128), Gia Lai (-102). Các địa phương ghi nhận số ca tăng cao nhất so với hôm qua: Hải Dương (+443), Vĩnh Long (+180), Bà Rịa - Vũng Tàu (+111).