Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 công bố mới đây, công ty chứng khoán SSI bày tỏ quan điểm cẩn trọng về rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng yếu kém và các ngân hàng có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng. Đối với những ngân hàng đã trích lập dự phòng trước và/hoặc trích lập đầy đủ các khoản cho vay tái cơ cấu như Vietcombank, ACB, MBBank, Vietinbank, Techcombank sẽ có triển vọng lạc quan.
Theo Thông tư 16/2021 kể từ ngày 15/1/2022, các ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại các khoản vay có vấn đề/quá hạn. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các công ty trong việc thay thế các khoản nợ xấu bằng trái phiếu mới phát hành. Ngoài ra, việc tái cơ cấu nợ theo Thông tư 14 dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2022, sau đó số liệu nợ xấu thực sự sẽ được hé lộ tại các ngân hàng.
SSI cũng không loại trừ khả năng Thông tư 14 có thể tiếp tục được gia hạn. Đối với các nước trong khu vực, thời hạn tái cơ cấu nợ thường kết thúc vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này vẫn kỳ vọng các ngân hàng mạnh hơn hiện có đủ năng lực để xử lý rủi ro nợ xấu.
Theo SSI, hiện có sự khác biệt rõ rệt về số liệu tài sản có vấn đề giữa các ngân hàng. Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam nghiêm trọng hơn những đợt trước do năng lực tài chính của người vay yếu hơn. Theo NHNN, nợ xấu được công bố, VAMC và các khoản cho vay tái cơ cấu chiếm 7,3% tổng dư nợ vào cuối năm 2021.
Mặt khác trong 2 năm qua, các ngân hàng mạnh đã xây dựng được bộ đệm rủi ro khá tốt. Tại thời điểm Q3/2021, tỷ lệ trích lập dự phòng tại các ngân hàng lớn mà SSI nghiên cứu là 125%, cao hơn gấp đôi so với 13 ngân hàng niêm yết còn lại (62%). Nếu tính đến trái phiếu VAMC, tỷ lệ này có sự phân hóa lớn hơn, là 98% so với 36%.
Cơ cấu vốn đã dần được cải thiện tại các ngân hàng hàng đầu khi hầu hết các nhà băng này đã tuân thủ Basel II, và một số ngân hàng đang theo đuổi Basel III.
SSI cũng lạc quan đánh giá tỷ lệ thu hồi các khoản cho vay tái cơ cấu sẽ đi theo sự phục hồi của nền kinh tế. Theo đó nếu việc mở cửa lại hoàn toàn sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2022 mà không có thêm bất kỳ đợt giãn cách nghiêm ngặt nào, SSI cho rằng sẽ có sự hồi phục hợp lý của các khoản vay tái cơ cấu.
Với các khoản vay ngành bán lẻ được dự đoán sẽ phục hồi tốt trong khi ngành du lịch và hàng không có thể mất nhiều thời gian hơn để trở lại trạng thái thanh toán bình thường.
Đối với tài sản thế chấp, SSI cho rằng rủi ro giảm giá trị chưa cao trong năm 2022. Hiện khoảng 60% tài sản thế chấp tại các ngân hàng là bất động sản. Tuy nhiên, SSI kỳ vọng thị trường nhà ở sẽ vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng trong 2022, giá nhà và đất được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị