Rafael Badziag, một chuyên gia về tâm lý học, đã phỏng vấn 36 tỷ phú tự thân và đúc kết ra một vài kinh nghiệm. Là một doanh nhân, ông luôn quan tâm đến cách suy nghĩ và hành động của những người giỏi nhất trong giới kinh doanh, đặc biệt là các tỷ phú tự thân. Vì muốn tìm ra cách để tạo ra của cải lên tới hàng tỷ USD trong một vòng đời, ông đã tự mình thực hiện hành trình khám phá bí quyết về hiệu quả kinh doanh phi thường của các tỷ phú, trả lời cho câu hỏi nhân tố nào quyết định sự thành công của họ.
Badziag dành sáu năm của cuộc đời mình để đi khắp thế giới, gặp gỡ và phỏng vấn một số người giàu nhất hành tinh và họ đều là những tỷ phú tự thân. Ông đã phỏng vấn 36 tỷ phú tự thân đến từ các quốc gia, nền văn hóa, tôn giáo, ngành nghề và nhóm tuổi khác nhau và công bố kết quả nghiên cứu của mình trong cuốn sách "Bí mật tỷ đô".
Một trong những quan niệm sai lầm nhưng lại rất phổ biến nhất của công chúng về người giàu là họ trở nên giàu có bằng cách làm cho người khác nghèo đi. Suy nghĩ này là hoàn toàn sai và thậm chí gây bất lợi cho sự tiến bộ của con người. Trong nền kinh tế thực, một người chỉ có thể trở thành tỷ phú nếu có khả năng tạo ra giá trị to lớn cho người khác.
Các tỷ phú tạo ra các tỷ phú
Nếu bạn nghĩ nền kinh tế như một chiếc bánh kích thước không đổi và mọi người phải cạnh tranh để giành được phần lớn hơn, bạn chỉ có thể đứng yên tại chỗ nhìn người khác thăng tiến. Trên thực tế, vận may lớn nhất được tạo ra bằng cách mở rộng chiếc bánh. Bạn chỉ có thể trở nên giàu có bền vững bằng cách tạo ra của cải, chứ không phải lấy đi của cải từ người khác. Trong quá trình nghiên cứu, Badziag tình cờ phát hiện ra tỷ phú không chỉ tạo ra giá trị lớn cho mọi người mà còn biến người khác thành triệu phú, thậm chí là tỷ phú.
Hãy xem N.R. Narayana Murthy, người sáng lập Infosys, một trong những công ty phần mềm lớn nhất thế giới. Infosys được thành lập tại Ấn Độ, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới nhưng lại tạo ra hàng trăm nghìn công việc với mức lương và phúc lợi rất cao cho hơn 220.000 nhân viên - nhiều hơn cả Google, Microsoft và Apple. Nếu tính cả gia đình của những nhân viên này, Infosys cung cấp sinh kế cho hơn 1 triệu người.
Nhưng đây không phải là tất cả. Narayana, giám đốc điều hành lâu năm kiêm chủ tịch của Infosys, người sở hữu danh hiệu Doanh nhân Thế giới năm 2003, không phải là người duy nhất trở thành tỷ phú. Sáu người đồng sáng lập của công ty cũng đã trở thành tỷ phú và ông đã biến hơn 4.000 nhân viên của Infosys thành triệu phú USD.
Trong quá trình tỷ phú tạo ra của cải cho bản thân, họ cũng tạo ra của cải cho người khác. Tỷ phú tạo ra tỷ phú. Nói cách khác, các tỷ phú được sinh ra từ cảm hứng hoặc thậm chí là bắt chước. Naveen Jain đã gia nhập Microsoft từ trước khi công ty giao dịch công khai. Mặc dù là một nhân viên bình thường nhưng ông đã có cơ hội làm việc với Bill Gates và ông rất ấn tượng với nhân cách của Gates. Microsoft đã biến Naveen trở thành triệu phú. Nhưng những gì ông nhận được từ Bill Gates là thậm chí còn lớn hơn.
Jain học được cách nghĩ lớn và chiến đấu cho ước mơ của mình. Ngay sau đó, ông đã tạo ra Infospace, một trong những gã khổng lồ của bong bóng dot com đã đưa ông trở thành tỷ phú. Ngay cả sau khi bong bóng vỡ, Naveen vẫn tiếp tục tạo ra các công ty có tiềm năng hàng tỷ USD: BlueDot, Viome và Moon Express. Với công ty cuối cùng, ông quyết định mạo hiểm khám phá và khai thác vũ trụ. Câu nói yêu thích của ông là "Đừng nói với tôi bầu trời là giới hạn vì tôi sẽ khai thác lên tận Mặt trăng!"
Bill Gates đã trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Ông và những tỷ phú khác như Steve Jobs hay Elon Musk đã truyền cảm hứng cho nhiều doanh nhân đầy tham vọng trên thế giới. Sau đó, họ lại trở thành là những người làm gương, tạo ra những công ty vĩ đại và thậm chí trở thành tỷ phú. Bằng cách đó, các tỷ phú tạo ra các tỷ phú. Nếu bạn đang trong quá trình khởi nghiệp, hãy cân nhắc đến việc học hỏi kinh nghiệm từ những "bậc tiền bối".
Tham khảo Entrepreneur