Bà Võ Thị Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Sa Đéc (Đồng Tháp) cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên diện tích trồng hoa sản xuất phục vụ Tết làng hoa Sa Đéc chỉ còn 60 ha, giảm 50% so với năm ngoái. Thay vào đó, các nhà vườn chuyển qua trồng cây đồ lá và cây công trình.
Theo bà Bình, sản lượng hoa sản xuất phục vụ Tết giảm nên các thương lái đã chủ động xuống cọc. Hiện tại 200 hộ trồng hoa đã nhận được đặt cọc từ các thương lái ở TP.HCM, Hà Nội, các tỉnh miền Trung với tỷ lệ 95%. Ngoài ra, các nhà vườn chỉ sản xuất hoa theo đơn hàng nên năm nay lượng hoa đưa hoa đi TP.HCM bán giảm rất nhiều.
Cắt giảm sản lượng hoa sản xuất Tết
Ông Trần Văn Tiếp, Chủ nhiệm Hội quán tôi yêu màu tím (Đồng Tháp), cho biết ngay từ tháng 4 dự đoán tình hình dịch bệnh phức tạp, hội quán đã họp các hội viên và thống nhất cắt giảm sản lượng hoa sản xuất Tết, chuyển sang trồng cây dài hạn.
Vì vậy, Tết năm nay hội quán chỉ sản xuất 100.000 chậu hoa các loại và chỉ bán theo đơn đặt hàng.
Hội quán Tôi yêu màu tím năm nay đẩy mạnh sản xuất cúc hỏa châu, cúc pico...Ảnh: V.TIẾP
Ngoài cúc mâm xôi truyền thống, năm nay hội quán đẩy mạnh sản xuất hoa cúc “mới mà cũ” vì tính độc đáo như cúc hỏa châu có mùi thơm, lâu tàn, trị được muỗi, ruồi. Cúc pha lê kích cỡ bông to, có mùi thơm dầu cúc, thời gian trưng cả tháng….
Theo ông Tiếp, sản lượng hoa sản xuất cho Tết giảm là do trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 người trồng hoa bị thiệt hại lớn nên nản lòng. Đơn cử như gia đình ông phải bỏ hai vườn hoa 4.000 m2 và 6.000 m2, thiệt hại 2 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, do một số giống hoa nhập từ Đà Lạt phải đặt trước ít nhất bốn tháng nhưng người trồng hoa không biết Chỉ thị 16 kéo dài bao lâu nên không dám đặt hàng.
Ông Tiếp cho biết sản lượng hoa sản xuất cho Tết không nhiều nên người trồng “trúng giá”. Cụ thể như hoa cát tường giá tại vườn 40.000 đồng/cây trong khi năm rồi 25.000 đồng/cây, cúc pico năm ngoái 30.000 đồng/chậu năm nay bán 50.000 đồng/chậu.
Cúc pha lê đang được chăm sóc dự kiến 20 tháng chạp hoa sẽ nở. Ảnh: V.TIẾP
"Năm nay nhu cầu người dân chơi hoa tết rất thấp. Thời điểm này hội quán nhận chưa đến năm toa hàng (1 toa bình quân 100-150 triệu đồng) của các bạn hàng ở TP.HCM, Bình Dương, Phan Thiết trong khi cùng kỳ năm trước nhận được cả 100 toa hàng”- ông Tiếp cho biết.
Theo ông Tiếp, do bán theo đơn đặt hàng nên hiện nay những bạn hàng lớn muốn mua cũng khó. Theo đó, dòng hoa phục vụ Tết như cúc mâm xôi, cúc hỏa châu…chuẩn bị giao khoảng 10 ngày nữa là xong. Cúc Tiger, cúc Đài Loan, cúc xơ mít, cát tường… đang được giao tới rằm tháng chạp.
Riêng các loại hoa thân mềm như mồng gà, vạn thọ, sao nhái…hội quán đang chờ chốt số lượng sẽ giao từ 20 đến 25 tết.
Giá hoa dự báo tăng gấp đôi
Ông Đặng Bảo Vinh, Chủ tịch Hội nông dân phường 12 phụ trách làng hoa Thái Phiên (Đà Lạt) cho biết, năm nay sản lượng các loại hoa phục vụ Tết như ly ly 2,4 triệu cành, hoa cúc 4,8 triệu cành giảm khoảng 30% so với năm ngoái.
Theo ông Vinh, sản lượng hoa cúc và ly sản xuất Tết năm nay giảm do hoa ly ly giống chủ yếu nhập từ nước ngoài nhưng ảnh hưởng dịch việc nhập khẩu khó khăn.
Tương tự, đối với hoa cúc sau khi tình hình được kiểm soát nhà sản xuất không kịp gầy giống mới. Chưa kể, hiện nay chi phí đầu tư của người trồng hoa tăng 20% do giống hoa nhập khẩu tăng giá; nhà vườn không đặt hàng trước cũng phải mua với giá cao…
Theo ông Vinh những người chuyên kinh doanh hoa tết thường 18-20 tháng chạp mới đến tại vườn xem hoa nở có đúng dịp Tết không mới bắt đầu đặt hàng. Do đó, thị trường hoa Tết hiện nay vẫn chưa chốt giá được.
“Hiện tại giá hoa ly ly tại vườn từ 90.000-10.000 đồng/5 cành loại ba tai. Tuy nhiên hoa phục vụ Tết người dân sản xuất với chất lượng cao hơn, chúng tôi dự báo giá hoa ly ly sẽ từ 150.000-200.000 đồng/5 cành, một cành/5 bông. Giá hoa cúc là 25.000 đồng/chục dự báo cũng sẽ tăng lên gấp đôi”- ông Vinh nói.