Tàu container Hyundai Hope đang bốc dỡ hàng tại Norfolk (Virginia, Mỹ) ngày 1/12/2021 - Ảnh: AP |
Khủng hoảng lao động
Trả lời đài NPR (Mỹ) về cuốn sách mới nhất của mình - Hôm nay đang đến (Arriving Today) - Christopher Mims - cây bút chính luận của Wall Street Journal - đã gọi chuỗi cung ứng toàn cầu với những con tàu container hiện đại là phát minh hiệu quả nhất mà con người từng nghĩ ra để vận chuyển hàng hóa.
“Lấy ví dụ, cá tuyết được đánh bắt ở Scotland, rồi đông lạnh gửi đến Trung Quốc hoặc Đông Nam Á để xẻ thành những miếng phi-lê. Sau đó, sản phẩm này lại được chuyển ngược về Scotland bán cho các bà nội trợ. Đó là một hành trình vạn dặm, thế nhưng chi phí vận chuyển rẻ hơn so với việc trả công cho người giúp việc để làm món cá tuyết cho bữa ăn gia đình”, Mims dẫn chứng.
Theo ông, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đặc biệt khi COVID-19 bùng phát, bởi những đợt tăng giá và thiếu hụt từ ô tô, vật liệu xây dựng, cho đến các sản phẩm thông thường như giấy vệ sinh, pho-mát, kem… Những vấn đề này bắt nguồn từ tình trạng thiếu lao động và nhu cầu tiêu dùng thay đổi, tăng lên trong đại dịch. “Về cơ bản, người Mỹ đã mua sắm trực tuyến rầm rộ ngay khi bắt đầu các biện pháp phong tỏa. Người ta chuyển chi tiêu từ các dịch vụ giao tế, du lịch, ăn uống sang hàng hóa, đã gây nhiễu loạn hoạt động chuỗi cung ứng toàn cầu”, Mims nói.
Vấn đề thứ hai, khủng hoảng lao động đã khiến chuỗi cung ứng gián đoạn. Cho dù mức độ tự động hóa ngày càng cao nhưng nếu không có người điều hành, giám sát tất cả quá trình tự động đó, chúng ta không thể chuyển hàng hóa đủ nhanh, đủ số lượng và giá ổn định.
Mims ví dụ một sản phẩm là pin sạc dự phòng từ một nhà máy Việt Nam được giao đến người dùng ở Connecticut (Mỹ). Hành trình đó đi qua 14.000 dặm, 12 múi giờ và bao gồm một mạng lưới phức tạp bao gồm sà lan, xe container, nhà kho, robot và công nhân. Nhìn vào mạng lưới này, có thể thấy ngay vấn đề nổi bật là thiếu tài xế xe tải đường dài có thể sẵn sàng làm việc. Trong suốt đại dịch, quá nhiều quy định phòng COVID-19 mà người lái xe phải tuân thủ đã khiến họ bỏ việc. Và để vượt đại dương trên những chiếc tàu ngày càng khổng lồ nhằm giảm chi phí, vấn đề thủy thủ đoàn cũng là điều nan giải.
Các vấn đề sẽ khó sớm hồi phục
Đại dịch đã ảnh hưởng đến mọi mắt xích trong chuỗi cung ứng. Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ, chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu những áp lực cao nhất kể từ năm 1997, nhưng đang có dấu hiệu đạt đến đỉnh và “có thể bắt đầu giảm nhẹ trong tương lai”.
Bên cạnh dịch bệnh, thế giới vẫn có đủ loại thảm họa, thiên tai, các vấn đề chính trị khiến nhiều cảng và nhà máy trên toàn cầu phải đóng cửa. “Tất cả các loại thảm họa khác nhau khiến gãy đổ xảy ra ở từng lĩnh vực đơn lẻ nhưng ảnh hưởng toàn bộ chuỗi cung ứng. Chúng ta thức dậy và bất ngờ với giá gỗ cao hoặc không thể mua được xe mới chỉ vì nhà máy đang thiếu một chiếc vi mạch bé xíu. Tôi nghĩ sự ngắt quãng này sẽ kéo dài. Bởi cốt lõi của chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị dịch bệnh và các hệ lụy giáng trúng”, Mims nói.
Trong cuộc họp báo hôm 5/1, John Porcari - đặc phái viên của Nhà Trắng - đã phải trả lời các câu hỏi về tác động của Omicron đối với các cảng, vận chuyển y tế, tình trạng thiếu tài xế xe tải. Theo Porcari, các nhà bán lẻ, cảng và lao động đã cam kết tiến tới một hệ thống chuỗi cung ứng 24/7, giảm 40% tải lượng container ở các cảng lớn bằng cách chuyển chúng sang các cảng nội địa. Hiện bất chấp biến thể Omicron, cảng và chuỗi cung ứng đang hoạt động ở mức kỷ lục.
“Chuỗi cung ứng, với hàng triệu người làm việc trong đó, đang phải đối mặt nhiều thách thức. Chúng ta phải có những thay đổi lớn để xây dựng một chuỗi cung ứng bền bỉ và linh hoạt hơn”, ông Porcari nói.
Nam Anh (theo NPR, WSJ)
Xem thêm: lmth.2274541a-od-yag-uac-naot-gnu-gnuc-iouhc-oas-iv/nv.moc.enilnounuhp.www