Mới đây, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines ra mắt thêm sàn thương mại điện tử (TMĐT) VNAmazing, dù trước đó không lâu đã có sàn VNAmall.
Nếu như VNAmall là sàn TMĐT cung cấp đa dạng các loại hàng hóa, dịch vụ cả hàng không và phi hàng không như: món ăn nhẹ trên chuyến bay đến quà tặng, vật phẩm đồng thương hiệu... thì VNAmazing là sàn TMĐT chuyên cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến.
Cụ thể là các tour trong, ngoài nước, combo vé máy bay, khách sạn… nhằm mang đến cho hành khách những lựa chọn phong phú với mức giá hấp dẫn, góp phần kích cầu du lịch hậu đại dịch COVID-19.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Tổng giám đốc Vietnam Airlines đã giải thích về sự ra mắt hai sàn TMĐT trên là do sức ép từ xu thế chuyển đổi số của thế giới, nhất là khi dịch COVID-19 đã tác động lên nền kinh tế, cùng với đó là việc tái cơ cấu toàn diện của đơn vị.
Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch hiện nay người tiêu dùng có xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều, việc ra mắt hai sàn TMĐT này được kỳ vọng sẽ giúp hãng hàng không này vượt qua được khó khăn vì đại dịch và nắm bắt cơ hội hậu COVID-19.
Trước đó, sàn TMĐT VNAmall được kỳ vọng sẽ góp phần tăng doanh thu cho cả hai lĩnh vực khách hàng và hàng hóa, khi sàn này khai thác được tối đa nguồn lực, lợi thế sẵn có của hãng, trong bối cảnh hãng không cần đầu tư tài chính lớn.
"Trong tương lai, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục mở rộng các loại mặt hàng và phạm vi hoạt động của hai sàn TMĐT. Mục tiêu không chỉ nhằm đa dạng hóa trải nghiệm của khách hàng, mà còn là kênh bán có sức tiếp cận và kết nối mạnh mẽ hàng hóa, dịch vụ nổi bật của Việt Nam như nông sản thế mạnh của vùng miền hay những tour trải nghiệm cuộc sống địa phương", hãng này chia sẻ.
Theo báo cáo của e-Conomy SEA 2021 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, tổng giá trị hàng hoá TMĐT khu vực Đông Nam Á có tiềm năng đạt 234 tỉ USD vào năm 2025. Trong đó, tính riêng thị trường TMĐT Việt Nam đạt 13 tỉ USD, đứng thứ tư tại Đông Nam Á vào 2021.
Tuy nhiên, trong dự báo của mình, Google, Temasek và Bain & Company cho rằng, chỉ cần bốn năm nữa, tức vào 2025, Việt Nam sẽ giữ ngôi vị "á vương" tại Đông Nam Á, với quy mô thị trường đạt 39 tỉ USD.
Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số và thêm phương thức kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp.