Đối với Wu Xinyi, việc đi ngủ mỗi đêm đi kèm với những "thủ tục" rất phức tạp: phun sương tinh dầu, thắp nến thơm và chườm nóng mắt. Cô gái 25 tuổi cho biết đó là cách duy nhất để có 1 đêm ngon giấc.
Wu đã 2 lần tham dự kỳ thi tuyển sinh sau đại học của Trung Quốc nhưng đều không đạt được điểm cao. Hiện tại, cô đang cân nhắc việc đi du học hoặc cố gắng thi công chức. Vì tương lai bấp bênh, nên Wu không thể ngủ ngon.
Wu không phải là người duy nhất gặp khó khăn khi nghỉ ngơi vào ban đêm. Theo báo cáo của Hiệp hội nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc, quốc gia này đã trở thành một "quốc gia mất ngủ". Hơn 300 triệu người dân nước này bị rối loạn giấc ngủ.
Vấn đề nghiêm trọng nhất xảy ra đối với Gen Z Trung Quốc, họ mất ngủ vì nhiều lý do khác nhau. Giống Wu, nhiều người không thể ngủ là do căng thẳng. Một số khác là do vấn đề về sinh lý hay ngày càng nhiều người nói rằng họ chỉ đơn giản là thích thức khuya.
Chủ đều này cũng được thảo luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội Trung Quốc. Hashtag "Những đứa trẻ sinh ra trong những năm 90 buồn ngủ" đã nhận được 290 triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận trên Weibo, khi nhiều người trẻ tuổi chia sẻ về nỗi lo mất ngủ của họ.
Thế hệ millenial cũng gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ. Doanh số bán các ứng dụng theo dõi giấc ngủ, siro, gối giúp ngủ ngon, nến thư giãn hay kẹo hỗ trợ giấc ngủ cùng 1 loạt các sản phẩm liên quan đang bùng nổ.
Theo một báo cáo năm 2020 của hãng nghiên cứu thị trường Leadleo, "nền kinh tế giấc ngủ" của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi quy mô từ năm 2015 đến 2020, đạt ước tính 400 tỷ NDT và được dự đoán sẽ vượt mức 1 nghìn tỷ NDT vào năm 2030.
Động lực tăng trưởng mạnh mẽ đến từ những người sinh sau năm 1995, theo báo cáo năm 2020 thị trường sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ do JD.com thực hiện. Mặt nạ che mắt, nút tai và đèn ngủ là những mặt hàng thường xuất hiện trong giỏ hàng của nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi này.
Zhang Xiaotong - sinh viên mới tốt nghiệp, 24 tuổi, đã thử dùng loại sản phẩm để giúp cô đối phó với chứng mất ngủ do căng thẳng. Cô đã thử xịt thuốc ngủ và dùng mặt nạ mắt, nhưng cũng không hiệu quả. Hiện tại, Zhang dùng thuốc melatonin mỗi đêm, có thể sẽ dùng 2 viên nếu có bài kiểm tra vào sáng hôm sau.
Sử dụng thuốc dường như có tác dụng rõ rệt hơn. Zhang cho biết cô thường cảm thấy buồn ngủ sau khi dùng melatonin dù đôi khi thuốc cũng không thể giúp ích nếu quá căng thẳng. Cô nói: "Tôi không biết liệu melatonin có thực sự hiệu quả hay chỉ có thể trấn an tinh thần. Nhưng tôi không quan tâm, miễn là có một giấc ngủ ngon."
Những millenial khác lại tự "ru" ngủ bằng cách nghe ASMR (tạm dịch là "phản ứng cực khoái độc lập"), bao gồm những âm thanh như tiếng thì thầm, tiếng gõ nhẹ lên các bề mặt hay tiếng lật trang sách… Những tác nhân tạo nên hiệu ứng ASMR rất đa dạng và khá quen thuộc trong cuộc sống, từ những vật hữu hình đến vô hình.
Các video ASMR lần đầu tiên xuất hiện trên các nền tảng xã hội của Trung Quốc vào giữa những năm 2010 trước khi phổ biến vào năm 2017. Chen Zitong - được nhiều người coi là nghệ sĩ ASMR đầu tiên của Trung Quốc, miêu tả công việc của mình là "sử dụng âm thanh để giúp mọi người thư thái, dễ đi vào giấc ngủ."
Song, cho đến nay vẫn chưa rõ âm thanh ASMR có thực sự tăng cường chất lượng giấc ngủ hay không. Giới trẻ Trung Quốc vẫn rất ưa chuộng các nội dung ASMR khi nhiều người cho rằng âm thanh này giúp họ tránh căng thẳng, mất ngủ và thậm chí là trầm cảm.
Năm 2018, các nhà quản lý Trung Quốc bắt đầu ban hành các quy tắc nghiêm ngặt với nội dung này, cho rằng 1 số người sáng tạo đang lợi dụng để truyền bá nội dung thô tục hay khiêu dâm. Kể từ đó, nhiều công ty internet Trung Quốc cũng thắt chặt quy định để kiểm soát các nội dung ASMR. Từ khóa ASMR trên 1 số nền tảng đều không có kết quả.
Động thái này đã gây nhiều khó khăn cho các nghệ sĩ như Chen Zitong. Các video phát trực tiếp liên quan đến ASMR tại Trung Quốc đã bị cấm hoàn toàn và một số dạng âm thanh cũng bị chặn.
Chen nói: "Âm thanh nhịp tim nhiều người nghe ưa thích cũng bị cấm, vì chúng tôi phải đặt micro lên ngực để thu âm. Một số người cho rằng đó là nội dung khiêu dâm."
Tuy nhiên, nhiều người cho biết ASMR vẫn chưa hoàn toàn biết mất ở Trung Quốc. Hầu hết các nghệ sĩ chuyển sao tạo video hay podcast để tuân thủ các quy tắc mới. Đối với Chen, ngành sản xuất nội dung ASMR tại Trung Quốc lại có rất nhiều vấn đề, đặc biệt là nhiều người ăn cắp những gì cô sáng tạo.
Xem thêm: nhc.47802546180102202-ugn-tam-med-ueihn-av-ol-ion-gnuhn-mo-eh-eht-couq-gnurt-z-neg/nv.fefac