Ngành xây dựng Việt Nam trong hơn 30 năm qua đã có bước phát triển vượt bậc với nhiều sản phẩm đạt con số tăng trưởng 2.000%. Với tốc độ phát triển thần kỳ này, thị trường trong nước đang dần trở nên chật chội, bão hòa không đủ để các doanh nghiệp phát huy hết khả năng của mình. Đã đến lúc chúng ta phải phát huy năng lực cạnh tranh nhằm đưa ngành xây dựng Việt Nam ra thị trường nước ngoài.
Để có một cái nhìn rộng hơn về những thử thách và cả về nhiệm vụ chiến lược của công nghiệp xây dựng Việt Nam, PV Báo Lao Động có cuộc trao đổi với ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng (SACA), đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình.
Trước hết, ông đánh giá như thế nào về năng lực của ngành xây dựng Việt Nam hiện nay?
- Quãng thời gian từ năm 1995 cho đến năm 2015 là thời gian mà xây dựng trong nước, những công ty xây dựng đặc biệt là tư nhân phát triển một cách nhanh chóng mạnh mẽ. Sau 20 năm, từ một vị trí lạc hậu, công nhân còn mang dép lê, chúng ta có được tốc độ phát triển rất nhanh, tổ chức quản lý thi công, áp dụng những công nghệ kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế với trình độ cao hơn nhiều nước trong khu vực.
Không chỉ trưởng thành nhanh chóng ở mảng dịch vụ xây dựng dưới hình thức tổng thầu, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng cũng có những sản phẩm không thua kém nước ngoài. Ít ai biết năm 1995, sản lượng ximăng của chúng ta chỉ có 5 triệu tấn nhưng đến bây giờ lên 110 triệu tấn, một con số tăng kinh khủng lên 20 lần, tức là 2.000%.
Qua một sản phẩm thôi có thể thấy ngành xây dựng Việt Nam có tốc độ phát triển thần kỳ, cực kỳ nhanh chóng. Chỉ tính đến hết năm 2019, giá trị gia tăng do ngành xây dựng đóng góp vào GDP là hơn 358.000 tỉ đồng. Còn nếu tính trong tổng giá trị công trình mà ngành xây dựng thực hiện, bao gồm cả sản phẩm vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất sẽ lên đến 1,1 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 26% GDP. Tổng sản lượng mà ngành xây dựng mang lại cho nền kinh tế như vậy là một con số không hề nhỏ.
Với tốc độ phát triển này, có thể nói thị trường trong nước đang dần trở nên chật chội, bão hòa. Ông có thể phân tích rõ hơn về nhận định các nhà tổng thầu khi ra nước ngoài sẽ mang lại những giá trị, lợi ích rất lớn cho cả đất nước, cho nền kinh tế?
- Trong xu hướng toàn cầu hoá của nền kinh tế thế giới, chúng ta không thể đứng im nhìn sự vận động của thế giới mà cần quyết tâm đem hết nỗ lực, phát huy năng lực cạnh tranh nhằm đưa ngành xây dựng Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Chúng ta không thể tiếp tục đi bán lẻ những sản phẩm vật liệu xây dựng hay xuất khẩu lao động trong ngành xây dựng, có cái gì bán cái nấy. Đã đến lúc chúng ta phải đưa những sản phẩm hoàn chỉnh, đó là một công trình chứ không phải đưa nguyên vật liệu để làm nên công trình đó.
Thị trường xây dựng quốc tế có quy mô rất lớn chiếm 13% tổng sản phẩm của thế giới, lên đến 12.000 tỉ USD. Trong khi giá trị gia tăng của ngành xây dựng trong nước là 358.000 tỉ đồng, tức chỉ là 16 tỉ USD. Chỉ cần lấy được 1% thị thần của ngành xây dựng trên thế giới, chúng ta đã có được 120 tỉ USD, gấp 8 lần giá trị gia tăng của ngành xây dựng hiện nay và gấp đôi tổng giá trị công trình xây dựng mà chúng ta làm ra.
Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể nhắm đến mục tiêu đó và còn nhiều hơn nữa, vì chúng ta đang có năng lực cạnh tranh của cả một chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ trong ngành xây dựng. Chúng ta không chỉ phát triển xây dựng ở mảng xây dựng nhà ở, công trình cao tầng. Năng lực về quản lý tổ chức thi công trong vai trò tổng thầu của các nhà thầu Việt Nam hiện nay đã vượt các doanh nghiệp xây dựng trong khu vực và không thua kém các nhà thầu lừng danh của Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hiện nay, chúng ta đã áp dụng nhiều công cụ, phương tiện quản lý dự án rất hiện đại như tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, trên 30% công trình là áp dụng mô hình thông tin xây dựng BIM triệt để, trong khi cách đây 3 năm khi tôi qua thăm trung tâm R&D của Hyundai, họ áp dụng được nhiều cũng chỉ có 5% thôi, vì chi phí kỹ sư, thiết kế của họ quá đắt.
Tôi chia sẻ thêm thông tin để biết mình đang ở đâu để có thể tự tin ra thị trường mới, một đại dương mênh mông. Đó là triển vọng rất lớn của ngành xây dựng, tôi nghĩ là các công ty xây dựng cùng với các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, các nhà thiết kế, trang trí nội thất, những nhà thi công, hệ thống MEP, những công ty thiết kế kiến trúc,... cùng liên kết với nhau sẽ tạo nên một công nghiệp xây dựng rất mạnh, có năng lực cạnh tranh cao.
Chúng ta làm ra 1m2 xây dựng nhà ở hiện nay chỉ có khoảng 400USD, trong khi ở những nước phát triển họ phải trả hơn 1.500USD, thậm chí nhiều hơn. Đó là con số thực tế cho thấy năng lực cạnh tranh của chúng ta không chỉ ở giá, mà còn là chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, mức độ hoàn thiện công trình không thua kém.
Bên cạnh đó không chỉ có dân dụng mà xây dựng hạ tầng, công nghiệp cũng có những thế mạnh của nó. Ví dụ như vừa rồi chúng ta thấy Hòa Phát chỉ trong khoảng 18 tháng họ đã xây xong một nhà máy quy mô rất lớn, 5 triệu tấn một năm và đưa vào sản xuất. Vinfast xây dựng 21 tháng cho một dự án sản xuất xe hơi. Đó là những khả năng mà chúng ta phải nhận ra, hay như nhà máy thủy điện Sơn La, chuyên gia nước ngoài tính toán là 4 năm, chúng ta rút còn 2,5 năm thôi, vẫn đảm bảo chất lượng một nhà máy quy mô đến 3.000 MW.
Đó là những thành tích về xây dựng của chúng ta cả hạ tầng lẫn công nghiệp. Có thể nói là rất vượt trội mà chúng ta chưa biết khai thác. Tôi tin rằng thúc đẩy phát triển thị trường này ngành xây dựng sẽ có đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia và xây dựng sẽ sớm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Để hướng tới mục tiêu đưa ngành công nghiệp xây dựng ra nước ngoài, theo ông chúng ta cần có những sự chuẩn bị như thế nào? Đâu là thách thức của ngành trước cơ hội này?
- Chúng ta có một lợi thế nguồn nhân lực chiếm 1/80 dân số thế giới, chúng ta có thể hướng đến mục tiêu chiếm 1/80 sản lượng ngành xây dựng trên thế giới, 1/80 chứ không phải 1%. Mặt khác nếu thế giới có 3.000 kỹ sư, chuyên gia trong ngành xây dựng trên 1 triệu dân, Việt Nam chúng ta hiện có đến 9.000.
Chúng ta có nhiều tiềm năng, nhiều lợi thế, nhưng chúng ta cũng có rất nhiều thử thách mà phải vượt qua mới có thể thực hiện thành công những mục tiêu chiến lược phát triển xây dựng ra nước ngoài được. Trước tiên là các nhà thầu xây dựng Việt Nam chưa có kinh nghiệm chinh chiến ở thị trường quốc tế, nhân lực của chúng ta còn yếu kém về ngoại ngữ. Chúng ta như vịt chưa có xuống nước, không dám nhảy để tập bơi nên rất là sợ.
Bên cạnh đó là năng lực về tài chính của chúng ta cũng rất hạn chế so với những nhà thầu quốc tế khác. Nhà thầu Việt Nam bị chiếm dụng vốn quá nhiều nên dù có một ít tích lũy nhưng cũng chưa ăn thua gì đối với thị trường quốc tế. Chúng ta cũng có một hạn chế về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ năng, tay nghề của thợ. Có thể họ làm tốt nhưng không có chứng nhận, đi ra nước ngoài nếu đòi hỏi chứng chỉ hành nghề là chúng ta không có giải quyết được. Chúng ta cũng chưa có được một sự liên kết giữa các chuỗi giá trị trong ngành xây dựng với nhau, chúng ta còn quá rời rạc, cần phải có một cái sự thay đổi.
Bức tranh ngành xây dựng có tiềm năng rất lớn, các lĩnh vực có liên quan cần tạo nên chuỗi cung ứng dịch vụ tổng thầu, chuỗi giá trị của ngành xây dựng hiện nay là rất mạnh. Nếu chúng ta liên kết được với nhau chắc chắn sẽ phát triển được ra nước ngoài. Các doanh nghiệp hợp tác sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh vô song của ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam nhằm chiếm lĩnh thị trường quốc tế đầy tiềm năng này. Điều quan trọng là chúng ta cần triển khai khẩn trương và quyết liệt để hiện thực hóa mục tiêu này, bởi thập kỷ này là thời cơ vàng của Việt Nam.
Khi các doanh nghiệp sẵn sàng hợp lực cùng nhau chắc chắn ngành công nghiệp Việt Nam sẽ có chỗ đứng trong bản đồ xây dựng thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Xem thêm: odl.043299-el-nab-iougn-al-iam-ihc-eht-gnohk-at-gnuhc/naut-iouc-gnod-oal/nv.gnodoal