Không ăn phí một đời
Trong Thương nhớ mười hai, nhà văn Vũ Bằng kể: "Tục truyền rằng Triệu Đà là người đầu tiên ở nước ta ăn cơm với con cà cuống . Thấy thơm một cách lạ lùng, ông ta gửi dâng vua Hán một mớ và gọi là quế đố nghĩa là con sâu cây quế. Vua Hán nếm thử thì nhận rằng nó giống mùi quế thực, khen ngon và phân phát cho quần thần mỗi người một con. Bất ngờ, trong đám có một ông lắm chuyện lại tâu rằng: "Đó không phải là con sâu sống trong cây quế (quế đố), mà chỉ là một con sâu sống dưới nước" (thủy đố). Vua mới phán rằng: "Thử nãi Đà chi cuống dã" - Đó là lời nói láo của Đà)[2]. Dần dần chữ Đà Cuống đọc chệch ra thành Cà Cuống. Nó còn có một tên nữa là long sắt nghĩa là "rận rồng"".
Ông còn dí dỏm so sánh: "Ở Bắc có một món mà lúc đầu nhiều người cũng không chịu được, cũng như một số người Bắc lúc đầu không chịu được sầu riêng nhưng sau quen giọng rồi thì nghiện như nghiện cần sa vậy: đó là cà cuống".
Món bánh cuốn cà cuống Hà Nội rất được ưa thích. Ảnh: Phan Chí Hiếu
Trong Lưỡng địa thư, nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn từng viết: "Sâu hoa quế (cà cuống) đúng như tên gọi của nó, người ta thấy hương thơm như hoa quế, hoặc vì nó chỉ xuất hiện lúc quế ra hoa".
Một blogger Đài Loan thì viết rằng: "Những món bún chả, bún thang của người miền Bắc [Việt Nam] nếu không có cà cuống thì hương vị giảm đi một nửa...".
Hay những người Hồng Kông, Macao sành ăn thì luôn vấn vương hương thơm của cà cuống nhưng với họ đây thực là món xa hoa bởi giá tinh dầu cà cuống ở Việt Nam lúc nào cũng được rao bán với giá 1 USD/giọt, còn ở Thái Lan thậm chí được dùng trong quốc yến.
Chẳng thế mà, người Trung Quốc thường truyền tai nhau rằng: "Sống trên đời mà không ăn cà cuống thì uổng phí cả đời!".
Sát thủ ruộng lúa
Cà cuống có tên khoa học là Lethocerus indicus, một loại côn trùng thuộc họ chân bơi sống dưới nước, cũng được coi là loài bọ lớn nhất thế giới.
Về ngoại hình, cà cuống giống với loài gián nhưng đầu nhỏ, thân phẳng dẹt, hình bầu dục, màu sắc cơ thể chủ yếu là nâu sẫm hoặc nâu xám, dài trung bình từ 7-8 cm, có hai cặp chi sau và một cặp chi trước. Trong số đó, các chi trước rất khỏe phát triển thành "lưỡi hái" tương tự như chi trước của bọ ngựa.
Cà cuống sống ở nơi ao hồ, ruộng lúa. Ảnh: Getty
Cà cuống có thể sống trên bờ hoặc nơi hồ, ao, đầm hay các ruộng lúa nước. Cà cuống là loài côn trùng ăn thịt, có bản tính hung dữ, chúng thường săn động vật thủy sinh như tôm cá, nòng nọc, ếch nhái v.v....
Trong trường hợp bình thường, chúng sẽ lặng lẽ ẩn nấp trong đám cỏ dưới đáy nước hoặc bên cạnh mặt nước, ngụy trang thành những chiếc lá, nhưng khi con mồi xuất hiện, chúng sẽ ngay lập tức chích những mũi chích khủng khiếp vào con mồi, dịch tiêu hóa của chúng có thể nhanh chóng làm con mồi tê liệt. Vì thế chúng được coi là bạo chúa vùng nước nông hay sát thủ ruộng lúa.
Nhưng điểm mà cà cuống được đánh giá cao chính là hai bọng ở dưới ngực, ngay gần phía lưng. Mỗi bọng dài khoảng 2–3 mm, rộng 2–3 mm, màu trắng, trong chứa một chất thơm, đó là tinh dầu cà cuống. Ở con đực tuyến này phát triển mạnh hơn con cái.
Tinh dầu cà cuống nhẹ hơn nước, cho thoảng ra một mùi đặc biệt gần giống như mùi quế.
Đặc sản đắt tiền
Tại các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan..., cà cuống được coi là mỹ thực nhờ hương vị đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao.
Tại Trung Quốc, từng có thời kỳ, cà cuống bị coi là thiên địch của tôm cá, là “họa hại" cho ngành thủy sản nước này. Do sức tấn công mạnh và khả năng gây chết cá bột của cà cuống rất lớn nên người nuôi trồng thủy sản Trung Quốc lo sợ sự xuất hiện của nó sẽ dẫn đến giảm sản lượng tôm cá. Tuy nhiên, những năm gần đây, cà cuống đã "trở mình" thành công, từ côn trùng thành món khoái khẩu, đặc biệt với người Quảng Đông và Quảng Tây.
Trong số các khách sạn từ trung cấp đến cao cấp ở Trung Quốc, cà cuống được bán theo con, với giá trung bình khoảng 20 NDT/con (tương đương 70.000 VND). Người Trung Quốc ưa món cà cuống luộc hay xào hoặc chiên giòn.
Tại Việt Nam, cà cuống được chế biến thành nhiều món khác nhau như chiên giòn, quay hay ngâm rượu. Đặc biệt, tinh dầu cà cuống được nêm vào vào nước mắm, là gia vị của nhiều món ăn truyền thống như bún chả, bún thang, chả cá, bánh cuốn, nhân bánh chưng và chính nó làm cho các món ăn nói trên có hương vị nổi tiếng của nghệ thuật ẩm thực Hà Nội truyền thống.
Theo Dân trí, nhờ hương vị ngon lạ miệng và có giá trị dinh dưỡng cao nên cà cuống được bán với giá khá đắt đỏ. Ở một số tỉnh, cà cuống có giá 5-6 triệu đồng/kg, mỗi kg khoảng 80-90 con.
Vietnamnet thì cho hay, ngày nay, các gia đình có điều kiện thường săn lùng cà cuống. Giá cà cuống năm nay dao động khoảng 3-4 triệu/kg. Theo anh Nguyễn Đình Long ở Thạch Thất, Hà Nội mức giá bán cà cuống năm nay đã giảm nhiều so với năm ngoái do dịch Covid-19. Những năm trước, mức giá bán lẻ cà cuống không bao giờ giảm xuống dưới 5 triệu đồng/kg và dưới 50.000 đồng/con.
Do giá cà cuống đắt đỏ nên hầu như khách lẻ chỉ mua vài con đến chục con. Riêng nhà giàu, nhà có điều kiện hoặc nhà hàng, quán ăn mới đặt mua 0,5kg đến 1kg.
Tuy nhiên hiện nay, cà cuống tự nhiên rất hiếm, gần như đã hoàn toàn biến mất do nguồn nước ô nhiễm hoặc do ảnh hưởng từ thuốc trừ sâu.
Để phục vụ cho thị trường, nhiều cơ sở đã chăn nuôi thành công cà cuống, mở rộng quy mô bán con giống ra ngoài thị trường. Hiện nay rất nhiều cơ sở cũng như hộ gia đình đã làm giàu nhờ việc nuôi và xuất khẩu cà cuống.
An An
Doanh nghiệp tiếp thị