Người dân đến bến xe Miền Đông, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) gửi hàng về quê - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ở lại thành phố ăn Tết đã trở nên phổ biến hơn trước. Đa số người đưa ra quyết định ở lại là vì chi phí đi lại đắt đỏ so với số tiền tích lũy trong năm.
Ở lại vì bình an của người thân
Nhiều gia đình trẻ xa quê chọn ở lại vì muốn dành khoản tiền vé máy bay, vé tàu xe để gửi về cho ông bà sắm sửa. Rồi cảnh đông đúc, chen lấn xảy ra ở khắp nơi trên chuyến về nhà cũng là chuyện rất đáng ngại. Để ăn được một bữa cơm sum vầy cuối năm cùng cha mẹ giờ phải đắn đo quá nhiều thứ.
Còn nhớ năm ngoái, khi dịch bùng phát ở Việt Nam, làn sóng về quê dịp Tết không đông như mọi năm. Đó là cái Tết đầu tiên của hàng triệu triệu người ở lại phố phường vì sự an toàn của cả gia đình.
Tết Nhâm Dần này, đại đa số người dân trên cả nước đã được tiêm chủng. Xa nhà lâu quá, muốn về âu cũng dễ hiểu, khi nhiều người đã nén nhớ thương quá lâu. Tuy vậy, những nhớ thương đi cùng lo lắng nguy cơ mang mầm bệnh về cho cha mẹ. Virus đâu phân biệt ai, cẩn trọng mấy cũng có sơ sót.
Trước những gì đã và đang xảy ra, sự an toàn và sức khỏe cho người thân đang được đặt lên vị trí ưu tiên. Người người đều đã có điện thoại thông minh hoặc máy tính, con cháu và ông bà xa cách về địa lý nhưng vẫn được thấy mặt nhau, nghe giọng nói của nhau, được thăm hỏi, được chăm sóc nhau mỗi ngày.
Bạn thân của tôi, anh chàng nghệ sĩ múa mười lăm năm ở châu Âu, luôn săn cho bằng được vé về Hà Nội để được đón năm mới với bố mẹ, nay anh quyết định ở lại TP.HCM thêm một cái Tết nữa. Cũng như năm trước, đại gia đình chọn cách đón xuân hai đầu cầu Nam - Bắc, chỉ mong tất cả bình an, khỏe mạnh, lúc nào về nhà với gia đình ngày ấy cũng là ngày vui.
Rồi đêm giao thừa không đủ mặt mọi thành viên. Không hẳn vì chúng ta mong ngóng thời khắc sum vầy ấy, nhưng đại dịch nhắc mọi người về sự hiện diện của người thân, không chỉ là có mặt cạnh bên. Và sẽ cùng trân quý bất cứ khi nào được nhìn thấy nhau, được quan tâm nhau.
Hành trang về quê mùa dịch
Tuần tới, tôi sẽ bay chuyến bay sớm về Hội An sau 8 tháng rời nhà. Tôi đã hỏi thăm các yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh tại địa phương dành cho người dân trở về từ thành phố lớn, đã nắm rõ các điều kiện về cách ly tại nhà, quy cách xét nghiệm, thậm chí tôi đã chuẩn bị sẵn giấy xác nhận "vùng xanh" ở phường nơi mình từng cư trú, để công tác khai báo y tế trở nên dễ dàng và nhanh chóng.
Tôi cũng kiểm tra app khai báo y tế, xác nhận với hãng hàng không về quy định xét nghiệm trước chuyến bay đã được gỡ bỏ và chuẩn bị cho mình hành lý gọn gàng nhất nhằm di chuyển nhanh, tránh va quệt.
Gia đình tôi cũng thu xếp lại không gian sống nhằm tạo điều kiện cho tôi sẵn sàng cách ly 7 ngày. Được biết, trung tâm y tế dự phòng sẽ đến kiểm tra điều kiện nhà ở trước khi chấp nhận để người dân được tự cách ly.
Những trường hợp không đáp ứng đủ sự tách biệt nhằm hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh hay chưa tiêm chủng đủ hai mũi có thể sẽ cách ly tập trung. Thiết nghĩ, cách làm này là lựa chọn tốt nhất cho cả hai phía, bởi muốn sống chung với dịch thì người dân phải có ý thức kỷ luật, chấp hành nghiêm ngặt các quy định về an toàn phòng ngừa dịch tễ. Không thể chủ quan vì đã tiêm đủ liều, 5K vẫn được xem là phương thức phòng ngừa hữu hiệu nhất.
Sắm Tết tối giản
Khách chọn mua hàng Tết tại siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Đó là sự lựa chọn của gia đình tôi và hầu hết mọi người xung quanh. Như mọi năm, tầm này vợ chồng tôi đã bắt đầu sắm quà biếu Tết, kiểu gì cũng dành ra một khoản mua mấy thứ để biếu họ hàng đôi bên, quà thăm người lớn tuổi, các mối quan hệ công việc.
Năm nay, ngay cả chuyện quần áo mới cho con cũng chưa kịp đi mua. Điện thoại reo, bên kia giọng một cô gái mời mua rượu vang ngoại nhập, tôi từ chối rồi nghĩ tầm này có mấy ai mua rượu ngoại? Rồi nghĩ lại hiểu rằng chính những người bán những sản phẩm này có thể cũng ít đơn hàng hơn trước thực tế "sale sập sàn" nhưng bao người vẫn chưa sắm Tết.
Hẳn nhiên rồi sẽ sắm Tết nhưng sẽ sắm tiết kiệm hơn, chọn những món thiết thực nhất. Bởi vì ai cũng khó khăn hơn, quà Tết quý ở tấm lòng. Những món quà xa xỉ có khi thành lạc điệu giữa không khí đón Tết rất khác lạ năm nay. Vả chăng, hạn chế chuyện lùng sục đi mua hàng biếu Tết, không chạy như con thoi lo biếu quà... cũng là cách phòng dịch tốt hơn. Quà Tết đơn giản thôi, chuyển khoản cho người thân ở quê cũng là cách được nhiều người chọn hoặc mua online và gửi đến nơi nhận quà.
Còn sắm cho nhà mình? Mọi năm chúng tôi vẫn mua các món đặc sản từ miền quê, năm nay cũng giản lược đi.
Giờ vẫn chỉ mỗi việc lo đi làm và lo cho trẻ học và thi. Sau nhiều tháng ở yên trong nhà, nhu cầu mua thực phẩm đã đổi khác: đơn giản hơn, tiết kiệm hơn. Ăn Tết gọn hơn và tiết kiệm hơn. Trên hết, có bình an là có mùa xuân.
MINH ĐỨC
* Chị Châu Thị Khoa Sang - 44 tuổi, quê An Giang - nhân viên tạp vụ:
Tết này tranh thủ làm thêm
Lúc còn dịch thì chỉ mong hết dịch để đi làm. Chừng 3 tháng nay công việc đã đều, ngày nào tôi cũng làm tới 10 - 11 giờ đêm mới về nhưng cũng chưa tích cóp được bao nhiêu. Hai đứa nhỏ vẫn học online, nên Tết này tôi tính tranh thủ đi làm tạp vụ siêu thị thì mới có tiền đưa hai đứa về quê đi học lại bình thường.
Đến giờ cũng chưa tính Tết này sắm sửa gì hay gửi gì về cho cha mẹ dưới quê. Tuy không nói ra nhưng cha mẹ cũng biết mình vất vả vậy nên chắc cũng không nỡ trách giận gì.
Thực lòng thì ai cũng muốn về quê ăn Tết vì cả năm qua không về nhà do dịch giã. Nhưng giờ làm còn hổng đủ ăn nữa, vé xe lo cũng được nhưng về Tết nhiều thứ chi tiêu nên ba mẹ con tôi đành ở lại đây ăn Tết. Hai đứa nhỏ ở quê lên trước dịch rồi kẹt lại đây. Để con nhỏ ăn Tết nhà trọ, xa ông bà cũng thương con lắm, nhưng cũng tính thử cả rồi.
Nói cho ngay, lương tạp vụ chưa tới 5 triệu đồng, trừ tiền bảo hiểm thì còn chừng 4 triệu rưỡi mà tiền trọ, tiền ăn đủ thứ phải lo. Mấy tháng dịch bệnh cũng thiếu tiền người ta vì chỉ ở nhà đâu có đi làm ra tiền. Đồ ăn đồ uống thì tăng giá, thành ra không cách nào xoay xở được. Thôi thì Tết này chỉ gọi điện cho ông bà chúc Tết rồi qua Tết ba mẹ con về nhà chơi với ông bà cũng được.
* Anh Lê Đức Mỹ - 30 tuổi, quê Hà Tĩnh, công nhân tại Khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM):
Qua một mùa dịch càng mong được về quê
Năm nào cũng chỉ chờ có mỗi dịp Tết để về nhà thăm cha mẹ, gặp anh chị trong nhà. Gọi điện về quê nghe nói ở quê đã không còn cách ly người ở "vùng xanh" về nữa thấy nhẹ nhõm hẳn.
TP.HCM đã là "vùng xanh" rồi nên cũng không còn phải lo cách ly gì nữa. Năm nay tuy khó khăn, nhiều tháng nghỉ dịch thất nghiệp không làm ra tiền nhưng tôi lại càng muốn về nhà ăn Tết.
Từ quê vào thành phố ở trọ một mình đi làm, tôi thậm chí còn không may mắc COVID-19 ngay từ đầu dịch. Các triệu chứng của COVID-19 tôi đều trải qua hết, từ ho sốt, đau đầu, đau họng đến khó thở. Lúc đó còn chưa có mũi vắc xin nào, bệnh cũng bị khá nặng mà lại ở một mình nên cũng có phần lo sợ.
Nhiều lúc cũng sợ không được gặp lại người nhà. Nhưng một mình xoay xở tự lo ăn uống rồi đi cách ly, vào bệnh viện điều trị rồi được xuất viện.
Mấy tháng nay công việc ở công ty đã bình thường trở lại, tôi cũng tăng ca liên tục, ngày nào cũng 12 tiếng để có thêm tiền về quê. Chỉ mong Tết đến về quê gặp cha mẹ, anh chị em trong nhà rồi qua Tết quay trở lại TP làm việc tiếp. Nói gì thì nói, công việc ở TP vẫn tốt hơn ở quê, đâu có thể nào bỏ TP được.
VŨ THỦY ghi
TTO - Những ngày qua, việc một số địa phương có thư vận động người dân không nên về quê ăn Tết hay có một số quy định khác về xét nghiệm, cách ly... gây ra nhiều ngại ngần cho người dân chuẩn bị về quê ăn Tết.
Xem thêm: mth.95374939180102202-auq-naux-gnuhn-nah-cahk-yan-tet/nv.ertiout