Sự kiện Vui xuân Nhâm Dần cùng công nhân thoát nước do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty Thoát nước Hà Nội tổ chức, trao 100 phần quà ý nghĩa cho 100 công nhân có hoàn cảnh khó khăn
Công nhân thoát nước chúng tôi có một lời thỉnh cầu là cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường tốt hơn, không xả rác bừa bãi để chúng tôi bớt phần nhọc nhằn, nguy hiểm.
Chị Mai Thị Hồng (công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội)
Có lẽ ai cũng biết, cũng từng một lần nghe về nỗi cực nhọc của nghề móc cống ngầm, vớt rác trên kênh rạch, sông ngòi để thoát nước, nhưng không phải ai cũng hình dung hết những khó khăn họ nếm trải với nghề làm sạch đẹp TP.
Đến thăm anh Nguyễn Văn Phán (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Sen (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) và anh Vũ Văn Sáng (phường Ô Cầu Dền, quận Hài Bà Trưng), chúng tôi càng thấu cảm hơn những vất vả cùng nghị lực phi thường của những con người thiện lương bao năm âm thầm làm đẹp cho đời.
Hạnh phúc to trong căn phòng trọ nhỏ
Căn phòng chỉ hơn chục mét vuông ở vùng ngoại ô Hà Nội của chị Nguyễn Thị Sen quá chật chội với ba mẹ con. Ngồi bên hai con trên chiếc giường gấp mới mua, chị Sen bình thản kể chuyện đời gian nan của mình. Nhìn vào hai thiên thần nhỏ và nụ cười rạng rỡ của chị Sen, ai có thể ngờ ba mẹ con đã đi qua bao nhiêu cơ cực.
Là trẻ mồ côi, chị Sen kết hôn khá muộn, những tưởng người chồng sẽ là tổ ấm, là sự bù đắp, ai ngờ hạnh phúc mong manh. Khi con út của chị mới 4 tuổi, chị buộc lòng phải trốn chạy tới Ngôi nhà bình yên của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam để tìm kiếm sự che chở. Khó khăn lắm chị mới hoàn tất được thủ tục ly hôn, không nhà không cửa, không tiền bạc, nhưng người phụ nữ can trường ấy đã đấu tranh để được nuôi dưỡng cả hai con để con được nuôi dạy tốt.
Dù đã ly hôn, khi chồng cũ của chị qua đời cách đây vài tháng, chị vẫn cùng các con chu toàn với cha của con mình. Chị bảo chị nhận bao nhiêu ân tình của người dưng, thì chị cũng sống đủ đầy tình nghĩa như vậy với đời.
Các nhà tài trợ nhận thư cảm ơn và hoa từ ban tổ chức
"Bệnh tôi không lo chi, chỉ thương con"
Giữa con phố Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai) đang đổi thay từng ngày trong hành trình làng lên phố, ngôi nhà "cổ" của vợ chồng anh Nguyễn Văn Phán và chị Vũ Thị Sinh (đều là công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội) lạc lõng đến tội nghiệp. Căn nhà mái ngói điển hình ở nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ cách đây cả nửa thế kỷ của bố mẹ anh Phán được "cắt" đôi cho hai anh em anh Phán. Gọi là nhà nhưng chỉ là một căn phòng nhỏ kê đủ bàn thờ tổ tiên, một bàn tiếp khách đơn sơ với một chiếc giường. Hai con của anh chị học hành, sinh hoạt trong căn buồng tạm của "nhà ngang".
Gia tài 28 năm làm công nhân nạo vét cống ngầm vô cùng vất vả và độc hại của anh Phán và chị Sinh chỉ có vậy. Lương công nhân của hai vợ chồng chỉ đủ nuôi hai con ăn học chứ chẳng thể cất nổi căn nhà. Những tưởng cuộc sống cứ bình lặng như thế trôi đi nhưng rồi tai họa liên tiếp đổ ập xuống căn nhà nhỏ. Năm 2009, lần lượt cả hai vợ chồng nhận tin dữ khi cả hai cùng mắc ung thư tuyến giáp, lên bàn mổ cách nhau 2 tháng, giữa cảnh nhà khốn khó.
Tai họa tưởng đã quá sức chịu đựng, thì hơn tháng sau ca mổ của anh Phán, con gái lớn của anh chị mới đang tuổi niên thiếu lại được chẩn đoán mắc suy tuyến thượng thận. Ngày nhận thêm tin dữ về con, chị Sinh thấy "trời sập" trước mắt mình. "Ông trời" đã bắt cả hai vợ chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo, vẫn gắng gượng lo cho các con. Nhưng con chị còn trẻ quá mà mắc bệnh trọng, lòng cha mẹ thắt đau.
Nhận món quà ý nghĩa và đúng lúc từ báo Tuổi Trẻ, chị Sinh nghẹn ngào xúc động. Chị bảo giữa khúc quanh khắc nghiệt của gia đình chị lúc này, những ân tình của mọi người chính là nguồn sức mạnh vô giá nâng đỡ gia đình chị đi qua thử thách.
Gia đình anh Vũ Văn Sáng (ở phường Ô Cầu Dền, quận Hài Bà Trưng) thì may mắn hơn gia đình anh Phán chút đỉnh. Là công nhân thoát nước, vợ bỏ đi khi hai con còn nhỏ, anh Sáng "gà trống nuôi con". Đồng lương ít ỏi khiến người đàn ông vụng về cũng phải học cách khéo léo chi tiêu nuôi các con ăn học giữa trung tâm thủ đô đắt đỏ.
Bao năm qua ba cha con sống trong căn gác cũ nát, chật chội, phía dưới là hộ gia đình người em. Nhưng từ căn gác nghèo ấy, hai con anh vẫn miệt mài học tập nuôi ước mơ vào đại học để có thể báo đền người cha tần tảo, thiện lương đang ngày một già yếu, bệnh tật.
Niềm vui của công nhân tại Công ty Thoát nước Hà Nội khi nhận quà của ban tổ chức chương trình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ngày 8-1, tại Hà Nội, chương trình Vui xuân Nhâm Dần cùng công nhân thoát nước do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty Thoát nước Hà Nội tổ chức, đã trao 100 phần quà ý nghĩa cho 100 công nhân có hoàn cảnh khó khăn, mỗi phần trị giá 2,5 triệu đồng tiền mặt cùng quà tặng.
Sau 3 năm tổ chức thành công chương trình giao lưu, trao tặng học bổng và quà Tết cho con em công nhân môi trường đô thị có hoàn cảnh khó khăn, sự kiện lần thứ 4 này lần đầu tiên đến với các công nhân ở Hà Nội - những người đã lặng lẽ hy sinh, không ngại khó khăn gian khổ để làm sạch đẹp TP.
Năm nay, do tình hình dịch bệnh căng thẳng, báo Tuổi Trẻ không thể tổ chức tiệc chung vui với công nhân như mọi năm, tuy nhiên, sự kiện vẫn đảm bảo giãn cách theo quy định.
Cảm ơn báo Tuổi Trẻ vì không để ai bị lãng quên
Nghe trực tiếp các công nhân nói chuyện tại chương trình cũng như xem các phóng sự chân thật, sống động của báo Tuổi Trẻ về các công nhân thoát nước, ông Amir Ohayon - phó chủ tịch phụ trách kinh doanh Công ty TNHH khu du lịch Vịnh Thiên Đường - thốt lên: "Họ là những công nhân phi thường với công việc bình dị nhưng có ý nghĩa lớn lao. Chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng khi tham gia sự kiện hôm nay...".
Ông Amir Ohayon bày tỏ sự cảm kích khi chương trình Vui xuân Nhâm Dần cùng công nhân thoát nước của báo Tuổi Trẻ đã vươn tới những mảnh đời nghèo khó nhưng có nhiều cống hiến cho xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh nhiều khó khăn chung này. "Các bạn đã thể hiện sự quan tâm sâu rộng tới mọi đối tượng, không để ai bị lãng quên" - ông Amir Ohayon nói.
Hồ Trúc Khanh là một gương mặt đặc biệt trong hàng ghế khách mời tham dự chương trình Vui xuân Nhâm Dần cùng công nhân thoát nước của báo Tuổi Trẻ khi em là gương mặt rất trẻ, mới 17 tuổi.
Từng tham gia nhiều chương trình thiện nguyện trong trường cũng như các dự án cá nhân nhưng ngay khi nghe thông tin về chương trình ý nghĩa của báo Tuổi Trẻ, Trúc Khanh lập tức xin được đóng góp. Bởi bao lần em đã ngẩn ngơ suy tư khi nhìn thấy những cực nhọc của công nhân môi trường trên phố. 50 triệu đồng được cô bé 17 tuổi góp cho chương trình chính là số tiền em tích cóp trong nhiều năm.
Chương trình nhận được sự đồng hành của FPT Shop, Công ty Đại Tân Việt (NewViet Dairy), Công ty TNHH khu du lịch Vịnh Thiên Đường (Alma), chị Hồ Trúc Khanh, Công ty kinh doanh thủy sản Greenfeed Việt Nam, FrieslandCampina Việt Nam.
TTO - ‘Vất vả lắm, độc hại nữa, nhưng nghề chọn người mà. Xã hội phân công mỗi người một việc. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Chúng tôi muốn góp sức mình làm đẹp cho thành phố…’.
Xem thêm: mth.23292148090102202-iot-mah-ion-iougn-ned-iuv-mein-med/nv.ertiout