Người xưng là "bác sĩ Phượng, làm việc tại khoa kế hoạch hóa Bệnh viện Từ Dũ” tư vấn cho người thăm khám và có nhu cầu phá thai - Video: HƯƠNG THẢO
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, tình trạng các phòng khám, trong đó có phòng khám Trung Quốc, mạo danh bác sĩ các bệnh viện sản phụ khoa lớn để lôi kéo người bệnh đang khá rầm rộ. Nhiều người bệnh đã "sập bẫy", tiền mất tật mang.
"Học sinh, sinh viên được giảm 30% khi phá thai"
Chỉ cần gõ thông tin "khám thai", "điều trị hiếm muộn", "điều trị yếu sinh lý"…, hàng loạt thông tin quảng cáo hiện lên với các cam kết "uy tín, hàng đầu, tốt nhất". Tất cả các quảng cáo này có điểm chung là đều lôi kéo người bệnh đến các phòng khám Trung Quốc.
Hàng loạt thông tin quảng cáo gắn mác "bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ" nhằm lôi kéo người bệnh - Ảnh: THU HIẾN chụp lại
"Mang thai ngoài ý muốn phải làm sao? Chọn phương pháp an toàn, đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, chi phí thấp, về liền trong ngày, hãy liên hệ ngay với chúng tôi…". Đó chỉ là 1 trong hàng trăm quảng cáo dịch vụ phá thai trên các trang mạng xã hội.
Trên một trang Facebook mạo danh bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, một người giới thiệu là "bác sĩ Thanh Nga - chuyên sản phụ khoa của Bệnh viện Từ Dũ”. Người này còn giới thiệu nhiều "đồng nghiệp" như "bác sĩ Phượng", "bác sĩ Yến", "bác sĩ Phụng"..., tất cả “đều đang công tác tại Bệnh viện Từ Dũ” sẽ trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân tại Phòng khám đa khoa Hồng Phong (quận 5).
"Bác sĩ" này mời gọi chúng tôi "phá thai", bởi đang trong mùa dịch COVID-19 sẽ được giảm 30% chi phí. “Mình tiến hành càng sớm càng tốt vì thai trong tử cung một ngày sẽ phát triển bằng 7 ngày ở ngoài lận đó" - vị "bác sĩ" này tư vấn.
Tương tự, trên một trang Facebook khác có tên là "T.S.E." là dòng quảng cáo "tư vấn miễn phí - bác sĩ với 20 năm kinh nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ". Khi chúng tôi liên hệ, một người tự giới thiệu là "bác sĩ Minh", tư vấn nếu thai nhỏ sẽ cho uống thuốc chi phí khoảng vài trăm đến 1 triệu đồng.
“Chi phí đã được Bộ Y tế hỗ trợ một phần, nếu là học sinh, sinh viên sẽ được giảm 30% chi phí" - người này nói.
Phá thai chỉ 10-15 phút
Ngày 7-1, theo lịch hẹn, chị H.P. (24 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đến Phòng khám đa khoa Hồng Phong (quận 5) để được tư vấn "phá thai". Tại phòng khám có 3 người mặc áo blouse trắng trực tiếp tư vấn, không có "bác sĩ Nga" như giới thiệu ban đầu.
Người xưng là "bác sĩ Phượng, làm việc tại khoa kế hoạch hóa Bệnh viện Từ Dũ" tư vấn cho người thăm khám và có nhu cầu phá thai - Ảnh: HƯƠNG THẢO
Chị P. thắc mắc liền được một người giới thiệu là "bác sĩ Phụng" đến từ một bệnh viện phụ sản nói: "Bác sĩ Nga chỉ là trợ lý tư vấn cho bệnh nhân, em tới đây sẽ được các bác sĩ khác trực tiếp thăm khám" - người này giải thích và không quên giới thiệu thêm "bác sĩ Trang" đến từ Bệnh viện Từ Dũ sẽ là người trực tiếp phá thai nếu bệnh nhân đồng ý.
Cùng ngày, chị P. tiếp tục đến Phòng khám đa khoa Văn Kiệt (quận 5) theo lịch hẹn. Tại đây, một người phụ nữ tự xưng là "bác sĩ Phượng làm việc tại khoa kế hoạch hóa Bệnh viện Từ Dũ”, trực tiếp tư vấn cho chị P., hoàn toàn không có "bác sĩ Minh" như lịch hẹn ban đầu.
"Ngồi trực ở đây đều là các bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ qua hết, chia ra mỗi ngày một người thay phiên nhau tư vấn thăm khám cho bệnh nhân, chứ không ai ngồi cố định" - người này giải thích và hối thúc chị P. đi thực hiện các xét nghiệm.
Theo "bác sĩ" này, do đặt lịch trước nên sẽ được "ưu tiên", chỉ khoảng 20 phút là có kết quả xét nghiệm. "Thời gian đình chỉ thai rất nhanh, có kết quả xét nghiệm là tư vấn ngay. Nếu muốn uống thuốc thì tôi sẽ đánh thuốc về nhà uống, còn muốn đình chỉ điều hòa thai luôn chỉ mất 10-15 phút" - "bác sĩ Phượng" nói.
Giải thích thêm về "tay nghề" của mình, vị "bác sĩ" này nói: "Tại vì tôi là khóa đào tạo sau năm 1980 phá thai bằng hút chân không nhanh lắm, còn đỡ ra máu. Còn các bác trước đó (khóa năm 60-70) chủ yếu sử dụng thủ công bằng tay, không dùng máy hút chân không nên lâu hơn".
Các tin nhắn được các "bác sĩ" nhắn cho bệnh nhân lôi kéo đến phòng khám - Ảnh: THU HIẾN chụp lại
Các phòng khám nêu trên từng được các ngành chức năng gọi là "phòng khám Trung Quốc". Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, sau nhiều lần bị báo chí phản ánh về tình trạng lôi kéo, moi tiền người bệnh, các phòng khám với "nòng cốt" ban đầu là do người Trung Quốc quản lý điều hành phía sau có nhiều thay đổi về phương thức hoạt động.
Từ chỗ bác sĩ người Trung Quốc trực tiếp thăm khám bệnh, đến nay theo ghi nhận tại các phòng khám này đa phần do nhân viên y tế người Việt thăm khám, điều trị. Quản lý các phòng khám này hiện đều do người Việt và họ "trưng dụng" nhiều bác sĩ đứng tên phụ trách chuyên môn. Tuy nhiên thực tế bác sĩ phụ trách chuyên môn đôi khi chỉ là "cây cảnh", ít khi xuất hiện tại phòng khám.
Thực tế có một số bác sĩ từng làm ở các bệnh viện lớn, uy tín đã về "đầu quân" tại các phòng khám này.
Các bệnh viện nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Bệnh viện Từ Dũ cho biết thực trạng mạo danh bệnh viện và các bác sĩ của bệnh viện để lôi kéo bệnh nhân vào khám tại các phòng khám (trong đó có phòng khám Trung Quốc) thời gian qua khá phổ biến. Nhiều bệnh nhân tiền mất, tật mang vì các chiêu thức lôi kéo này.
Bệnh viện khẳng định không có "bác sĩ Phượng" làm việc tại khoa kế hoạch hóa của Bệnh viện Từ Dũ. Khi chúng tôi cung cấp hình ảnh “bác sĩ Phượng”, phía bệnh viện nói đơn vị không có người này.
Trước đó, liên quan đến thai phụ tử vong sau tư vấn của "bác sĩ Hồng, trưởng khoa Bệnh viện Hùng Vương", Bệnh viện Hùng Vương cũng khẳng định bệnh viện không có bác sĩ nào như trên. Ngoài mạo danh bác sĩ còn có hiện tượng mạo danh cả trang web của bệnh viện để lôi kéo người bệnh. Vụ việc này cũng đã được bệnh viện này báo cáo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM.
TTO - Một phụ nữ mang thai 24 tuần tử vong sau khi bị một người giới thiệu là “bác sĩ Hồng, trưởng khoa tại Bệnh viện Hùng Vương” để móc nối, lôi kéo vào điều trị bệnh tại phòng khám tư nhân (còn được gọi là phòng khám Trung Quốc).