Với dân số xấp xỉ 1,4 tỷ người, nhu cầu tiêu thụ trái cây của người dân lên đến 48 triệu tấn một năm, Ấn Độ đang là một thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Thị trường tỉ USD chờ khai phá
Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong những năm gần đây rất ấn tượng, ngay cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ vào tháng 4 năm 2020, Ấn Độ vẫn dẫn đầu thế giới khi đạt mức tăng trưởng 8,4%. Nền kinh tế nước này hiện được xếp thứ 6 trên thế giới nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Ấn Độ sẽ sớm vươn lên vị trí thứ 3 vào năm 2030.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, thương mại song phương giữa Việt Nam- Ấn Độ năm 2021 đạt con số 12,08 tỷ USD, tăng 37,68% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào nước này ước đạt 5,715 tỷ USD (tăng 20%) và nhập khẩu 6,369 tỷ USD (tăng 58,6%). Như vậy, thâm hụt thương mại giữa hai nước là 654 triệu USD, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ được thiết lập từ năm 1972, kể từ đó mối quan hệ này luôn được củng cố và thắt chặt trên mọi phương diện. Cho đến nay, mối bang giao này đã được nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Quan hệ thông thương giữa hai nước đã tăng trưởng gấp 2 lần trong thời gian 5 năm trở lại đây, từ 5,1 tỷ USD (2016) lên đến 11,2 tỷ USD trong năm 2021. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đặt kì vọng vượt con số 13 tỷ USD.
Với đặc thù văn hóa tín ngưỡng đa đạo giáo, tỉ lệ người ăn chay ở Ấn Độ rất lớn. Chính vì vậy, trái cây là một phần quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày của người dân tại đây.
Theo thống kê, sản lượng trái cây được người tiêu dùng Ấn Độ tiêu thụ hàng năm đạt khoảng 48 triệu tấn, các loại quả mang vị ngọt được người dân đặc biệt ưa thích như xoài, chuối và cam. Trong khi đó, cán cân xuất nhập khẩu hoa quả của nước này lại đang mất cân đối nghiêm trọng, xuất khẩu hoa quả, hạt tươi của Ấn Độ trong năm tài chính 2020-2021 là 1,350 tỷ USD nhưng nhập khẩu lại gấp 2,3 lần, đạt con số 3,159 tỷ USD.
Sự mất cân đối trong xuất nhập khẩu hoa quả chứng minh, sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Đánh giá của nhiều chuyên gia cho thấy, đây cũng là thị trường khá "dễ tính" khi yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn của hàng hóa không quá cao, đầy tiềm năng xuất khẩu cho một nước có sản lượng trái cây dồi dào và đa dạng như Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao để tiếp cận được thị trường này?
Thúc đẩy xuất khẩu thanh long Việt Nam sang thị trường Ấn Độ
Trao đổi tại Diễn đàn kết nối nông sản 970, Tham tán thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng cho biết, thanh long được người dân Ấn Độ rất yêu thích và coi đây là một loại quả xa xỉ bởi 95% sản lượng thanh long của nước này phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương Ấn Độ, kim ngạch xuất khẩu thanh long Việt Nam vào nước này tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng 5 năm, thị phần xuất khẩu của loại trái cây này cũng liên tục được mở rộng, từ 26,67% năm 2015 lên 52.04% trong năm 2019.
Năm 2019-2020, xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Ấn Độ đạt kim ngạch 9,86 triệu USD với sản lượng 11,758 nghìn tấn, tăng gần 100% so với cùng kỳ năm trước. 7 tháng đầu năm tài chính 2021-2022, kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ với loại quả này của Việt Nam đạt 5,89 triệu USD, tăng 211,31% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Tham tán Thướng, Ấn Độ là một thị trường có sức tiêu thụ nông sản rất lớn, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, để gia nhập vào thị trường này các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đối mặt với một số khó khăn.
“Hiện nay, thanh long cũng đã bắt đầu được gieo trồng tại nhiều bang của Ấn Độ với diện tích từ 3000- 4000ha cho sản lượng hàng năm khoảng 12.000 tấn. Đặc biệt, tháng 6/2021, lần đầu tiên nước này tiến hành xuất khẩu mặt hàng thanh long sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)”, Tham tán thông tin.
Như vậy, thanh long Việt Nam sẽ bước đầu vấp phải sự cạnh tranh của thị trường nội địa, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh thương mại điện tử.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng trong quá trình đàm phán và ký kết hợp đồng xuất khẩu. Thời gian qua đã xuất hiện nhiều vụ tranh chấp thương mại liên quan đến mặt hàng thanh long bởi trong quá trình vận chuyển, sự suy giảm chất lượng của loại trái cây này khá nhanh dẫn đến bất đồng trong kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm giữa hai bên. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ hoạt động theo hình thức thương mại nên khó kiểm soát được chất lượng đầu vào.
“Đối mặt với tình huống trên các doanh nghiệp Việt Nam nên thiện chí, hợp tác và trao đổi mọi vấn đề trên tinh thần cầu thị. Tránh mâu thuẫn, không hợp tác giải quyết vấn đề để giữ thị trường, giữ khách hàng”, Tham tán Thướng đưa ra lời khuyên.
Một vấn đề nữa được Tham tán lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu là về bao bì, nhãn mác sản phẩm. Thời gian qua, xuất hiện tình trạng nông sản Việt Nam nhưng lại được đóng dưới nhãn mác Trung Quốc, trong khi đó, tại Ấn Độ đang có làn sóng tẩy chay sản phẩm Trung Quốc do vấn đề xung đột biên giới giữa hai nước.
"Tình trạng trên sẽ khiến suy giảm lòng tin của người tiêu dùng Ấn Độ vào thanh long Việt Nam”, Tham tán kết luận.