Mới đây, trong kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia. Động thái này nhận được nhiều chú ý, đặc biệt trong bối cảnh hiện vẫn chưa có một khung pháp lý rõ ràng cho tiền kỹ thuật số tại Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước sẽ có cơ chế
Anh Lê Văn Đại (quận Hoàng Mai, Hà Nội) - một người có khoảng 2 năm tham gia vào thị trường tiền điện tử nói với PV Lao Động rằng khá bất ngờ trước thông tin sẽ có đồng tiền kỹ thuật số quốc gia. Bởi những người như anh chủ yếu đầu tư vào các đồng tiền điện tử quốc tế như bitcoin, ethereum,... và đây là lần đầu tiên anh nghe về dự định sẽ có một đồng tiền như vậy.
“Đây là thông tin mới với tôi và tôi biết chắc với phần đa dân kiếm tiền online cũng sẽ như vậy. Đầu tư tiền điện tử đang ngày càng phổ biến, tôi được biết có những gia đình có nguồn thu hoàn toàn hiện giờ từ mua đi, bán lại các đồng tiền điện tử quốc tế. Không rõ rằng nếu ra đời tiền kỹ thuật số quốc gia sẽ ra sao, giá trị thế nào và chúng tôi cần làm gì để sở hữu chúng?” - anh Lê Văn Đại chia sẻ.
Cho đến lúc này, diện mạo về đồng tiền kỹ thuật số quốc vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, động thái nghiên cứu về chính sách, cơ chế cho vấn đề này là phù hợp với xu thế chung của thế giới.
TS Trần Hùng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM) - cho biết, vấn đề về tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương phát hành đã được nhiều quốc gia nghiên cứu trong 2-3 năm trở lại đây và sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong thời gian tới. Bởi theo dự báo, tiền kỹ thuật số sẽ lên ngôi khi ứng dụng công nghệ thực tế ảo ngày càng trở nên phổ biến.
"Tôi cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước đặt vấn đề nghiên cứu cơ chế cho tiền kỹ thuật quốc gia là một hướng đi đúng đắn. Chúng ta cần có nghiên cứu để có sự chuẩn bị, đi theo đúng xu thế của thế giới, nhằm có những phản ứng kịp thời. Tuy nhiên, triển khai tiền kỹ thuật số quốc gia vẫn còn những khó khăn như tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt còn thấp và các rào cản về mặt công nghệ, khả năng thích ứng với các bất ổn tài chính khi triển khai,..." - TS Trần Hùng Sơn nói.
Câu chuyện đi trước, không gì rõ hơn là về sự ứng dụng của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số. Đây là đồng tiền được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tập trung nghiên cứu từ năm 2014. Từ khoảng tháng 4.2020, Trung Quốc bắt đầu triển khai thí điểm đồng tiền này. Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tiếp có các chương trình thử nghiệm, tăng cường hơn sự hiện diện của đồng tiền số trong các mặt của đời sống xã hội.
Theo Ngân hàng Nhân dân Trung quốc (PBOC), trong giai đoạn từ ngày 30.6 - 22.10.2021, số lượng giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số tại nước này đã đạt 150 triệu lượt, với tổng giá trị gần 10 tỉ USD. Hoạt động thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số cũng đang trở nên phổ biến tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ.
Cũng vào tháng 4 vừa qua, thông tin từ hãng tin Bloomberg, báo cáo từ Công ty kiểm toán PwC cho biết, hiện có hơn 60 ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang cân nhắc phát hành tiền kỹ thuật số.
Theo báo cáo này, tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành sẽ đóng góp quan trọng vào việc hiện đại hóa hệ thống tiền tệ quốc tế, đồng thời định hình lại cấu trúc thanh toán và tài chính toàn cầu. Những đồng tiền kỹ thuật số này sẽ tạo ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh kỹ thuật số hóa tại các doanh nghiệp và định chế tài chính, trong quá trình tích hợp những đồng tiền kỹ thuật số đó vào hạ tầng thanh toán và tài chính.
Nhiều gian nan được báo trước
Theo ThS Phạm Thị Thái Hà - Khoa Tài chính - Kế toán (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành), từ thực tế tồn tại của một số loại tiền điện tử, kĩ thuật số như Bitcoin cho thấy, sự phát triển của các loại tiền điện tử, kỹ thuật số là xu hướng tất yếu. Dù chấp nhận hay không thì các quốc gia vẫn phải đưa ra các cách thức quản lý nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính, tiền tệ và lợi ích của người dân.
Khuyến nghị một số giải pháp đối với Việt Nam, ThS Phạm Thị Thái Hà cho rằng cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý tiền điện tử, kỹ thuật số tại Việt Nam, tận dụng thế mạnh của công nghệ đằng sau thay vì tập trung nhiều vào việc thắt chặt loại tiền này. Đồng thời, cơ quan chức năng nên có các chính sách nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia tài chính, chuyên gia mã hóa và bảo mật; nâng cao nhận thức của người dân về bản chất của Bitcoin cũng như các loại tiền điện tử khác.
Trong khi đó, PGS-TS Định Trọng Thịnh cũng có nhận định về hình hài đồng tiền kỹ thuật số quốc gia: "Bản chất đây vẫn là một loại đồng tiền của Việt Nam và được phát hành và lưu thông trên không gian số. Nó khác với các đồng tiền ảo đang xuất hiện trên thị trường hiện nay. Giá trị của tiền điện tử này sẽ do Chính phủ điều chỉnh và quyết định chứ không phụ thuộc vào biến động thị trường như các đồng tiền ảo".
Đồng tình với quan điểm trên, theo TS Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo nghiên cứu BIDV, trước mắt, cần chuẩn hóa các khái niệm, định nghĩa về tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tiền điện tử, làm cơ sở để xây dựng, hoàn thiện pháp lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngân hàng Nhà nước cần phát huy vai trò đầu mối thúc đẩy xây dựng các quy định, nội dung đột phá đối với các công nghệ hiện đại ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, trong đó có công nghệ blockchain.
Đồng thời, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn cấp phép đối với các tổ chức, cá nhân trung gian tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số như quy định phân tách tài sản khách hàng với tài sản của công ty; phải mở tài khoản riêng tại các tổ chức tín dụng; báo cáo các giao dịch đáng ngờ; lưu trữ dữ liệu tại máy chủ trong nước; kiểm toán số dư tiền pháp định và tiền ảo thường xuyên.
Các ý kiến chuyên gia cũng nhìn nhận, khi chúng ta chính thức nghiên cứu và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số quốc gia cần có lộ trình hết sức kỹ lưỡng, thận trọng để có những quyết sách phù hợp. Những rủi ro về bảo mật, nguồn cơn cho hành vi phạm tội và ảnh hưởng của những giao dịch xuyên biên giới sẽ là thách thức mà cơ quan chức năng cần xem xét, thấu tỏ.
Xem thêm: odl.193299-aig-couq-os-tauht-yk-neit-oam-neid/naut-iouc-gnod-oal/nv.gnodoal