“Vừa qua ngành giao thông hoàn thành năm quy hoạch ngành (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển, hàng không), tới đây Bộ GTVT sẽ xây dựng đề án, trong đó đề xuất một số cơ chế để phát triển đột phá cho các lĩnh vực này. Song song đó, chúng tôi sẽ đầu tư nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 và xây dựng một loạt dự án đường bộ cao tốc…”. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin như trên về kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của ngành trong thời gian tới.
Tập trung các dự án mang tính đột phá
. Phóng viên: Thưa ông, ông có thể nói cụ thể hơn các dự án của từng lĩnh vực giao thông dự kiến sẽ triển khai?
+ Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Về lĩnh vực hàng hải, chúng tôi tập trung đầu tư cảng Nam Đồ Sơn (Hải Phòng) thành cảng lớn nhất miền Bắc. Đây là cảng nước sâu, từng quy hoạch cảng quân sự nhưng không xây dựng nên Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Quốc phòng và được ủng hộ hình thành cảng này để phát triển kinh tế.
Hiện Bộ GTVT đang phối hợp với Hải Phòng làm quy hoạch chi tiết. Song song đó, Chính phủ sẽ họp để hoàn thiện các thủ tục, sớm giao các nhà đầu tư lớn xây dựng. Khi dự án hoàn thành cùng với cảng Lạch Huyện, vấn đề xuất nhập khẩu khu vực phía Bắc không còn lo nữa…
Tại khu vực đbscl, chúng tôi đầu tư cảng Trần Đề. Cảng này trước đây không hình thành được cảng nước sâu vì dự tính xây dựng trên sông Tiền, sông Hậu trong khi luồng bị bồi lắng, tàu lớn không vào được. Đợt này Bộ GTVT nghiên cứu các tài liệu của Hà Lan và lên kế hoạch đầu tư cảng ở phía ngoài cửa biển. Theo tính toán, chúng ta làm cầu cảng từ bờ ra ngoài cửa biển khoảng 5-6 km có thể tiếp nhận được tàu 30.000 DWT, tương đương với cảng Cát Lái. Nếu kéo dài cầu cảng ra 10-15 km có thể đón tàu có tải trọng lớn, khoảng 80.000-90.000 DWT.
Còn phía Đông Nam bộ, chúng tôi cố gắng đầu tư cảng Cái Mép Hạ; kết nối giao thông để khai thác cảng Cái Mép - Thị Vải.
Về đường bộ, ngành giao thông phải huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào các dự án vành đai 4 TP Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM, đường cao tốc khu vực Đông Nam bộ…
Về lĩnh vực hàng không, chúng tôi phải cố gắng hoàn thành giai đoạn 1 sân bay Long Thành, phối hợp TP Hà Nội báo cáo Chính phủ nâng cấp sân bay Nội Bài lên 100 triệu hành khách mỗi năm. Song song đó, triển khai xây dựng và nâng cấp các sân bay như Côn Đảo, Quảng Trị, Điện Biên…
Đối với đường sắt, sẽ cải tạo, nâng cấp hệ thống đường sắt hiện hữu; báo cáo Quốc hội cho chủ trương đầu tư xây mới hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…
Bộ GTVT dự kiến sẽ được giao số tiền lên đến 420.000 tỉ đồng để đầu tư nhiều dự án đường bộ cao tốc, cảng biển, hàng không… Trong ảnh: Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: VIẾT LONG
Bộ GTVT được bố trí vốn kỷ lục
. Với nhiều dự án như vậy cần rất nhiều tiền, Bộ GTVT dự kiến nguồn vốn này từ đâu, thưa ông?
+ Các dự án cảng biển tôi đề cập ở trên nguồn vốn chủ yếu dựa vào doanh nghiệp. Bộ GTVT sẽ đề xuất Chính phủ tạo ra các cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào, nhằm tạo sự đột phá.
Giai đoạn trung hạn 2021-2025, Bộ GTVT được phân bổ 304.104 tỉ đồng. Hiện chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để báo cáo Quốc hội dành trên 113.000 tỉ đồng từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội cho ngành giao thông. Nếu Quốc hội chấp thuận, trong nhiệm kỳ này ngành giao thông được bố trí 420.000 tỉ đồng.
Chúng tôi xác định đây là nguồn lực lớn nhưng cũng rất áp lực cho ngành giao thông vì số tiền giải ngân hằng năm trung bình khoảng 80.000 tỉ đồng, gấp đôi năm 2021. Đặc biệt, số tiền từ Chương trình phục hồi kinh tế buộc phải giải ngân trong giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên, Bộ GTVT sẽ đưa ra một số giải pháp. Chẳng hạn, đối với nhà thầu không đảm bảo được tiến độ cam kết, bộ sẽ cảnh cáo, sau đó là cắt hợp đồng, cấm tham gia đấu thầu...
Đối với các ban quản lý dự án, từ giám đốc, phó giám đốc và các phòng có liên quan không hoàn thành nhiệm vụ chịu các hình thức như cách chức, xuống chức, điều chuyển công tác. Việc này vừa qua Bộ GTVT đã làm và tới đây sẽ làm mạnh hơn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp điều chuyển vốn, dự án. Đơn vị nào làm tốt được bổ sung vốn, dự án và ngược lại.
. Với các giải pháp trên, Bộ GTVT có xin cơ chế gì để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án không?
+ Chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ, khi Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết, trong đó đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, có cơ chế chỉ định thầu tư vấn. Qua đó giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư 6-9 tháng để tập trung cho công tác xây lắp.
. Việc chỉ định thầu tư vấn có ảnh hưởng đến chất lượng dự án không, thưa ông?
+ Việc này chúng tôi có bài học từ dự án cải tạo và nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài nên tự tin là không ảnh hưởng gì hết. Chúng ta chỉ định thầu nhưng đưa ra “hàng rào kỹ thuật” đó là hồ sơ yêu cầu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các tư vấn. Tư vấn nào đáp ứng được sẽ đưa vào danh sách để lựa chọn và ngược lại... nên tôi khẳng định chỉ định tư vấn không thua đấu thầu.
Cạnh đó, chúng tôi cũng luôn nhắc nhở anh em từ bài học xương máu của dự án đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là làm việc gì cũng đặt chất lượng lên hàng đầu, không được đốt cháy giai đoạn trong xây dựng. Chẳng hạn thiếu đất đắp nhưng không phải đất nào cũng đắp, mà phải đảm bảo kỹ thuật, quy trình.
Ngoài ra, thời gian qua chúng tôi cũng mời Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước tham gia từ khâu lập dự án, đấu thầu đến triển khai thi công… để tăng cường công tác giám sát.
. Xin cám ơn ông.•
2021 khó khăn nhưng ngành giao thông đã làm tốt Theo ông Thể, năm 2021, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó ngành giao thông khó khăn đặc biệt khi phải vừa đảm bảo hàng hóa được vận chuyển thông suốt giữa dịch, vừa đáp ứng tiến độ các dự án xây dựng… Tuy nhiên, nhờ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, nhìn chung hoạt động vận tải thông suốt. Cũng trong hoàn cảnh khó khăn như thế, Bộ GTVT chỉ đạo các dự án vẫn đảm bảo tiến độ, giải ngân vốn 43.401 tỉ đồng, đạt trên 95% kế hoạch được giao, đây là năm có số tiền phải giải ngân cao nhất từ trước đến nay của ngành giao thông… |