Một trong những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) là quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người.
Nhiều ý kiến cho rằng cơ chế quản lý này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại rác, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn bởi nếu không thực hiện thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra là làm thế nào thực hiện có hiệu quả khi việc kiểm soát khối lượng và phân loại rác hoàn toàn không dễ thực hiện.
Khó cân, đo rác từng gia đình
Cụ thể, người thu gom rác và người dân cho rằng muốn xác định được khối lượng, thể tích rác để thu phí cần phải cân, đo rác và cần lực lượng kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, những vấn đề này sẽ khó thực hiện khi người gom rác không thể mang theo cân để xác định khối lượng rác và các địa phương cũng không đủ lực lượng để thực hiện kiểm tra, giám sát.
Ở góc độ người thu gom rác, chị Trần Thị Thanh Nga (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết: Việc thu tiền rác theo khối lượng, thể tích là tạo sự công bằng cho người dân. Tuy nhiên, rất khó áp dụng phương pháp cân ở từng hộ gia đình vì mất thời gian, công sức cho cả người dân và người thu gom rác.
Việc thu phí rác thải sẽ dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
“Phương án cân là không thể thực hiện được, người dân sẽ không có thời gian chờ lực lượng thu gom rác đến rồi cân. Chúng tôi thấy chính quyền nên đưa ra cách làm cụ thể để người thu gom rác và cả người dân dễ thực hiện nhưng vẫn đảm bảo tính công bằng là ai xả nhiều thì tính tiền nhiều chứ không cào bằng như hiện nay” - chị Nga chia sẻ.
Chị Phan Thị Thanh Thùy (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: Người nào xả nhiều thì trả tiền nhiều là một quy định hợp lý, công bằng. Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà rất nhiều người dân lo ngại là khi thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn do người thu gom rác rất mất thời gian khi phải vừa gom vừa cân.
“Chúng tôi cho rằng cần có một quy định cụ thể để thực hiện đồng bộ, góp phần đưa luật vào cuộc sống” - chị Thùy nói.
Ngoài ra, nhiều người dân cũng lo ngại việc có thể phát sinh tình trạng nhà này bỏ rác sang nhà kia hoặc xả rác bừa bãi ra công cộng để giảm phí. Cơ quan quản lý cần đặt ra tất cả câu hỏi và những vấn đề phát sinh có thể xảy ra để giải quyết. Đồng thời cần đưa ra một giải pháp hợp lý và đồng bộ, có như thế người dân mới đồng tình thực hiện.
Thu theo trung bình hộ gia đình
Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp (TP.HCM), cũng nhận định: Thu phí rác thải dựa trên khối lượng, thể tích là hoàn toàn hợp lý.
Liên quan đến cách triển khai, ông Khang cho biết theo quan điểm của quận là không thể mang cân đến từng nhà để thực hiện. Do đó, khi xây dựng đơn giá, quận có đơn vị khảo sát, tham mưu, từ đó mới ra giá cho từng hộ gia đình.
Cụ thể, đơn vị tham mưu sẽ tính ra chỉ số bình quân lượng rác xả ra của một hộ gia đình để làm cơ sở xây dựng đơn giá thu gom và vận chuyển rác, sau đó mới thu của người dân.
“Đối với những hộ kinh doanh, công ty, xí nghiệp, đơn vị thu gom phải làm công tác xác định về khối lượng. Ví dụ, đơn vị A trung bình hằng tháng sẽ xả thải khối lượng là bao nhiêu, lực lượng chức năng sẽ ký kết hợp đồng với đơn vị đó để làm cơ sở thu tiền trên đơn giá đã ban hành” - ông Khang nói.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP.HCM, đánh giá: Việc cân, đo lượng rác thải của các hộ gia đình trước mắt sẽ có khó khăn. Tuy nhiên, dần dần khi áp dụng được vấn đề này sẽ mang nhiều lợi ích.
“Theo tôi, một trong những cách để xác định khối lượng rác là tính khối lượng trung bình mỗi hộ gia đình và mỗi khu vực sẽ có cách tính khác nhau” - ông Sơn cho hay.
Ông Sơn dẫn ví dụ: Hộ gia đình ở quận trung tâm có thể tính bình quân mỗi người thải ra là 1,3 kg rác/ngày, nếu hộ gia đình có năm người thì sẽ thải ra 6,5 kg rác/ngày. Trên cơ sở đó, người thu gom sẽ tính được chi phí để thu giá. Đối với những hộ gia đình phân loại rác tốt sẽ giảm đi khối lượng rác thải, từ đó dẫn đến giảm chi phí”...•
Nên thu phí rác thải theo mức sống từng nơi Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, nhận định: Việc thu phí rác cào bằng như hiện nay là dễ thực hiện nhưng không tạo sự công bằng vì có người xả thải nhiều, có người xả thải ít. Việc thu gom rác theo khối lượng là phù hợp nhưng lại khó thực hiện. GS-TS Hải cho biết ở một số nước, mỗi hộ gia đình thường mang rác đến một địa điểm cố định để bỏ, chứ không để trước cửa như chúng ta. Một trong những giải pháp cho chúng ta hiện nay là nên định giá thu gom rác khác nhau ở các địa phương, các khu phố. “Ví dụ, ở TP.HCM và Hà Nội mức giá thu gom sẽ cao hơn những địa phương khác, những khu có mức sống cao hơn thì có mức thu giá rác cao hơn do chúng ta phải trả tiền rác cao hơn cho nơi chứa rác” - GS-TS Lê Thanh Hải chia sẻ. |