Ám ảnh nhất trong nghề: Tử thi lâu năm còn da thịt
Làm nghề bốc mộ là một cái duyên bí ẩn nào đó, nó “chọn” người ta theo một quy luật bí ẩn mà chỉ có người được chọn mới cảm nhận được. Điều chắc chắn là họ phải thực sự yêu nghề thì mới gắn bó được nhiều năm, trở thành người thực hiện một trong những nghi thức quan trọng và thiêng liêng nhất mà người sống dành cho thân nhân đã khuất.
Như chú Tấn, người đàn ông có nửa đời làm nghề bốc cốt, xây mồ mả, xưa là thợ hồ và làm nhà. Mấy lần theo chân ông anh rể đi xây mộ ở nghĩa trang, rồi chú học để làm luôn nghề bốc mộ.
Chú Tấn - người đàn ông hơn nửa đời làm nghề bốc mộ.
Chẳng biết có phải làm nghề lâu không còn cảm xúc sợ hãi nữa hay không, nhưng những câu chuyện mà người ngoài nghe thì sởn da gà, qua lời chú Tấn lại nhẹ bẫng. Vừa dọn nghĩa trang, bắt đám bọ cạp bò lổm ngổm, trốn trong hốc đất hốc đá của mấy ngôi mộ, chú Tấn vừa nhớ lại:
“Xưa hồi làm mộ đầu tiên cũng sợ lắm, vừa động tới nắp hòm là ớn, tôi vội vàng nhảy lên, mà càng nhảy càng tụt xuống, chân run cầm cập. Rồi tới khi bốc cốt, vừa đập cái nắp hòm ra thì thấy ông Quốc (đồng nghiệp cùng nhóm) mặt tái xanh, bỏ đi tắp tự. Tôi lật đật chạy theo, hỏi coi có vụ gì vậy.
Hắn nói, tự dưng thấy người ta (người đã khuất) le cái lưỡi ra, thấy ghê quá ông ơi. Thực ra người ta đâu có le lưỡi gì đâu, mà do cái môi bị sưng đó. Mới có năm mấy, thịt chưa tan hết mà người nhà kêu bốc lên nên vậy.”.
Những chuyện rùng rợn, trong đời làm nghề họ gặp không ít.
Trong đời làm nghề, chú Tấn sợ nhất là những mộ như thế, khi mở ra thấy mặt mũi, da thịt người ta còn y nguyên, rất ớn nhưng cũng phải làm. Mộ lâu năm thì có thể đỡ hơn, xương xẹp lép.
Nếu người nhà muốn bốc lên lấy tro, nhiệm vụ của chú là để toàn bộ thi thể vào quan tài mới, chở đi hỏa táng. Còn lấy xương thì phải vệ sinh sạch sẽ, xếp xương lại vào tiểu sành rồi trao cho người nhà.
Chú Ba Cóc, một người đàn ông làm nghề bốc mộ ở một nghĩa trang khác tại thành phố Hồ Chí Minh cũng kể về ám ảnh tương tự. Chú Ba Cóc nhớ mãi một vụ chú nhận mà người nhà dặn đi dặn lại rằng phong tục nhiều đời của gia đình họ là không hỏa táng. Sau 17 năm, gia đình mới bốc lên để người đã khuất về với khu mộ của gia đình ở Củ Chi.
Chú Ba Cóc vẫn còn nhớ như in những vụ mình làm.
“Người đó năm trong quan tài kính. Lúc mở ra còn nguyên, chưa suy suyển chút nào, hệt như người đang nằm ngủ vậy, ngay cả móng tay cũng còn dính nguyên. Có lẽ do tiêm formol nhiều quá hay sao... Tôi phải dùng miểng chén để cắt vào các khớp rồi mới đặt cô ấy vào quan tài mới được…”.
Người đàn ông này cũng tiết lộ, người lâu năm trong nghề như ông không dùng dao để xử lý công việc mà phải dùng miểng chén kiểu xưa. Vì “bén lắm, cắt cỡ nào cũng không lụt, nhiều khi xài được 2 - 3 vụ. Ra đường vô tình thấy là tôi lượm để dành. Còn dao, dù sắc cỡ nào cũng không cắt nổi, hoặc cắt không sạch, làm như hơi mỡ nó bám vào hay sao ấy…”.
“Ai bốc mộ mà cũng thấy ma, chắc bỏ nghề từ đầu”
Chú Tấn nói, người ta cứ đồn này đồn khác về thế giới người đã khuất, nhưng riêng chú thì chưa gặp chuyện kỳ bí nào bao giờ. Nghề bốc mộ này kén người, mà ai đã làm được là sẽ gắn bó lâu dài.
Chú Tấn khẳng định, người theo nghề phải thích và có gan lì mới được. Đây cũng không phải nghề “hốt bạc” gì. Chú đã gặp nhiều người làm “thử” với mình, đi theo làm cùng mà vừa bốc cốt vừa bốc vừa uống rượu, cứ mấy phút lại “Tư, cho tao một ly đi Tư”, tới khi bốc xong là họ xỉn không biết trời đất gì. Đó là những người làm đại để kiếm tiền, uống cho thêm can đảm thôi.
Chú Tấn khẳng định người làm nghề của mình phải gan lì và có tâm mới trụ được với nghề.
Chú Tấn hóm hỉnh nói: “Nghề này mà thấy ma thì thấy chắc bỏ chạy hết, không làm nổi luôn.”. Rồi lại nhấn mạnh, quan trọng nhất là sự cung kính, tôn trọng người đã khuất, đúng bổn phận thì không có gì phải sợ.
Chú Quang, anh rể của chú Tấn, hơn 50 năm sống ở nghĩa trang cũng cho rằng, những chuyện tâm linh kỳ bí có thể là do ai đó bịa ra để hù người, chứ gia đình chú, ngay cả mấy đứa cháu ngoại nhỏ xíu, ban đêm vẫn chạy ra nghĩa trang chơi mà không sợ hãi.
Chú Quang và gia đình sống ở ngay nghĩa trang.
Chú Quang nối gót nghề của bố mẹ, chăm nom nghĩa trang, người ta cần bốc mộ thì bốc, xây mộ thì xây, thuê dọn dẹp thì dọn dẹp. Mức thù lao cũng rất rẻ, chỉ khoảng 1,5 triệu/kíp 3 - 5 người, vì vừa làm vừa để tích đức. Nó như một cái nghiệp vận vào người, một trách nhiệm đã nhận lãnh hơn là một nghề để kiếm tiền nuôi thân.
Vậy nhưng, đó là một công việc thực sự vất vả và ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhiều năm tiếp xúc với hơi lạnh của những thi thể, họ vẫn không thể “quen” với xú khí.
Một ca bốc mộ ở Bình Hưng Hòa.
Một người đàn ông 54 tuổi ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa tâm sự.
“Hôm nào bốc mộ mà nắng thì muốn chạy cho lẹ. Xác lâu năm mà còn da thịt, trời ơi còn hôi hơn xác chết trôi. Mùi đó dính vô người, nó ám hoài không ra. Nhiều khi cắt bọc nilong, nước bên trong văng ra mấy tia nhỏ nhỏ thôi là đã ám mùi khắp người.
Lúc làm thủ thuật thì còn khủng khiếp hơn. Mỗi lần về nhà là phải tắm rượu, tắm cồn nhiều ngày mới có thể bớt được, còn hết hẳn thì gần như không”.
Có lẽ vì thế, những người làm nghề bốc mộ thường chọn cuộc sống khép kín, ngại tiếp xúc với người lạ. Còn với người đã khuất, khi đã nhận lời với người nhà, dù tình trạng mộ phần có thế nào, họ cũng phải cố làm cho xong, không bao giờ bỏ giữa chừng.
Nghề của họ rất vất vả, nhiều nguy cơ, nhưng nhiều người vẫn chọn gắn bó cả đời.
Khoảng 7 - 8 năm nay, việc bốc mộ và xây cất giảm, chú Tấn có thêm nghề thứ hai là bán cháo lòng. Mỗi ngày, chú dậy lúc 1h30 sáng, thu xếp nguyên liệu, xay sả, xắt gừng ớt làm gia vị cho khách ăn cháo rồi dọn hàng.
Quán cháo lòng của chú ngay sát vách nghĩa trang Tam Hà, thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh). Ở đó, người sống và người chết ở xen kẽ nhau, người dân vẫn buôn bán, ăn uống bình thường mà không sợ hãi.
Giống như chú Tấn, nhiều người làm nghề bốc mộ không còn "đắt khách" như xưa, do người dân chọn hỏa táng nhiều. Nhưng khi còn làm nghề, họ vẫn dốc lòng dốc sức với từng ca, như thể người nằm dưới mồ là người thân thích vậy.
(Nguồn tham khảo: Nhân Chứng, YTUP-TV886)
https://soha.vn/nguoi-tran-gian-50-nam-lam-nghe-am-phu-va-am-anh-lan-mo-huyet-mo-xu-khi-am-vao-da-20220109225908349.htmTheo Bích Chi
PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC