Không thể giải quyết được khâu xuất khẩu, để tình trạng hàng hóa nông sản ùn ứ kéo dài tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương đề nghị thu mua, chế biến, đẩy mạnh bán lẻ để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà vườn tiêu thụ thanh long.
Trong khi tình trạng ùn ứ nông sản vẫn chưa thể giải tỏa dứt điểm tại khu vực biên giới phía Bắc, thị trường trong nước không phát triển được, tạm thời chưa thể giải bài toán đầu ra cho nông sản, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), UBND các tỉnh vùng trồng thanh long đề nghị phối hợp, đẩy mạnh tiêu thụ thanh long trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ NNPTNT chủ trì, phối họp với UBND các tỉnh vùng trồng và sản xuất nông, thủy sản rà soát, thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý chặt chẽ để đảm bảo quy trình sản xuất an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 từ khâu trồng, thu mua, bao gói, phân loại tới khâu vận chuyển để xuất khẩu.
Hướng dẫn UBND các tỉnh rà soát tình hình sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng trái cây để có định hướng điều tiết sản lượng thu hoạch trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, tiêu thụ qua biên giới có thể còn gặp khó khăn.
Chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến rau quả tăng cường thu mua lượng thanh long tươi hiện đang tồn đọng tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang,... để chế biến thành sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Công Thương, hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường triển khai các hoạt động kết nối cung câu, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ trong nước đôi với quả thanh long nói riêng và các mặt hàng trái cây khác đang vào vụ thu hoạch nói chung.
Đối với UBND dân các tỉnh vùng trồng, đẩy mạnh thông tin tới các thương nhân, doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn về việc phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long; đề nghị các thương nhân, doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng lên biên giới để tránh phát sinh thêm thiệt hại.
Hướng dẫn các nhà vườn, hợp tác xã và doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất và điều tiết tiến độ thu hoạch phù hợp cho tới khi hoạt động thông quan tại biên giới trở lại bình thường.
Chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan xây dựng phương án tiêu thụ đối với sản lượng thanh long trên địa bàn tỉnh; tăng cường kết nối cung cầu, vận động hệ thống phân phối, tập đoàn bán lẻ, siêu thị đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ thanh long trong chuỗi cung ứng; chú trọng giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Phối hợp với Bộ NNPTNT triển khai hướng dẫn các nhà vườn, thương lái, doanh nghiệp thực hiện quy trình đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động sản xuất, đóng gói và vận chuyển nông sản.
Chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp có kho lạnh trên địa bàn cho thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu gửi tạm trữ thanh long chờ tiêu thụ; có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp để tăng thu mua thanh long cho nhà vườn.
Được biết, hiện nay Trung Quốc đã dừng nhập khẩu thanh long, trong khi từ nay đến hết tháng 3.2022 có khoảng trên 300 nghìn tấn thanh long cần tiêu thụ.