Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin về dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 - Ảnh: Chinhphu.vn
Chiều 10-1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Nhấn mạnh tính cấp thiết triển khai 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, song đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng việc lựa chọn phương án đầu tư công để triển khai dự án là "cực chẳng đã" khi tư nhân không làm thì Nhà nước phải làm.
Theo ông, với một dự án lớn có ý nghĩa về mặt chính trị, kinh tế xã hội, là biểu tượng của "ý Đảng, lòng dân", nhưng lại không thu hút được vốn tư nhân tham gia thì cần phải nhìn nhận lại chính sách.
Đảng đã có chủ trương, Quốc hội đã ban hành Luật đầu tư phương thức đối tác công tư (PPP), nhưng có tới 2 lần Quốc hội phải điều chỉnh các dự án PPP sang phương thức đầu tư công, thì đó là sự không thành công trong chính sách.
"Lỗi không phải do phương thức PPP, mà do cơ chế chính sách thiết kế chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân" - ông Lộc nêu quan điểm.
Vì vậy, đại biểu Lộc đề nghị cần sửa đổi quy định pháp luật chính sách để thu hút đầu tư tư nhân tham gia. Theo đó, Chính phủ nên thành lập quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư tư nhân vay để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thay vì Nhà nước phải đầu tư. Như vậy sẽ chuyển một phần vốn từ đầu tư công sang hỗ trợ đầu tư tư nhân.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng với 12 dự án thành phần triển khai theo phương thức đầu tư công, có 4 dự án vẫn có khả năng đầu tư PPP, song tỉ lệ đầu tư nhà nước có thể ở mức cao lên đến 54-65%.
Theo ông, có thể tách riêng gói giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng giúp cho toàn bộ mức đầu tư sẽ giảm đi. Bởi khi Nhà nước đầu tư mặt bằng, phần đầu tư còn lại sẽ không còn nhiều.
Tuy nhiên, ông Cường băn khoăn về tổng mức đầu tư 146.000 tỉ đồng, tương đương suất đầu tư là 201 tỉ đồng/km bao gồm cả giải phóng mặt bằng. Trong khi đó so sánh với các tuyến cao tốc đã hoàn thành như Vĩnh Hảo - Phan Thiết chỉ 107,5 tỉ đồng/km; tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 122,6 tỉ đồng/km; tuyến Phan Thiết - Dầu Giây là 125,7 tỉ đồng/km.
"Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng dự kiến nếu tính toán lại thì tổng mức đầu tư chỉ 130.000 tỉ đồng. Như vậy, suất đầu tư và tổng mức đầu tư rất cần phải cân nhắc lại" - ông Cường đồng tình với cơ chế chỉ định thầu nhưng cần phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện dự án.
Tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ tính toán kỹ lưỡng, thận trọng về tổng mức đầu tư. Việc triển khai giải phóng mặt bằng sẽ làm một lần, triển khai tái định cư phù hợp thực tiễn, tránh lãng phí làm tăng mức đầu tư.
Để đảm bảo tính công khai minh bạch trong triển khai thực hiện, đặc biệt với cơ chế chỉ định thầu, ông Thể cho biết quá trình triển khai dự án sẽ có sự tham gia của các cơ quan công an, thanh tra, kiểm toán, các tiêu chí sẽ được công khai rộng rãi.
"Chính phủ chỉ đạo dành 3 năm thi công để cuối năm 2025 xong, nghĩa là cuối năm 2022 phải khởi công đồng loạt các gói thầu. Việc phân cấp cho Bộ Giao thông vận tải thẩm định là hết sức cần thiết vì Quốc hội ủng hộ phân cấp này thì sẽ rút ngắn ít nhất từ 1-1,5 tháng" - ông Thể nói.
TTO - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng suất đầu tư đang được tính toán hiện nay với dự án đường cao tốc Bắc - Nam là hơi cao, trong khi Kiểm toán Nhà nước đưa ra con số thấp hơn, nên đề nghị Chính phủ cần tính toán, đánh giá kỹ lưỡng.