Trung tâm phục hồi chức năng vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu sau nhiễm COVID-19 thuộc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) điều trị cho bệnh nhân hậu COVID-19 - Ảnh: XUÂN MAI
Mới đây, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, thành viên nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ người bệnh COVID-19 ở Hà Nội, nhận được thông tin về một ca bệnh nam giới 60 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, có bệnh nền (gout) và chưa tiêm vắc xin. Bệnh nhân đang có chỉ số SpO2 (nồng độ oxy máu) ở mức 97 - 98%, nhưng tối cùng ngày bỗng nhiên SpO2 tụt nhanh và bệnh nhân tử vong sáng ngày hôm sau.
Theo các bác sĩ, có thể đếm nhịp thở của bệnh nhân F0 bằng phương pháp thủ công nếu không có máy SpO2. Thứ nhất là đếm sự di động khi đặt tay lên thành bụng của bệnh nhân. Thứ hai, có thể đặt ngón tay 2 và 3 lên và đếm mạch trong 1 phút. Nếu nhịp thở cao >24 lần/phút, hoặc nếu mạch trên 100 lần/phút là dấu hiệu thiếu oxy.
Tình huống rất nguy hiểm
Theo các bác sĩ, đây là ca bệnh điển hình của triệu chứng "thiếu oxy thầm lặng", một tình huống rất nguy hiểm ở người bệnh COVID-19, số lượng người gặp tình huống này đã gia tăng từ khi chủng Delta xuất hiện. Tình trạng này đặc biệt dễ gặp ở người có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin...
Theo bác sĩ Hoàng, những ngày gần đây mỗi ngày anh nhận đến 100 - 150 cuộc gọi từ người F0 và gia đình, phần lớn họ đều trong tình huống lo lắng, không biết gọi đi đâu, gọi ai khi các "hotline" đều ở trạng thái "cháy máy".
"Chỉ cần trao đổi mỗi người khoảng 2 phút là họ đã có thể yên tâm, vì nhiều người trong số này cũng không có triệu chứng gì đáng kể, cũng có người có triệu chứng như ho, sốt, hoặc ra nhà thuốc mua rất nhiều thuốc về nhưng không biết nên dùng loại gì là tốt nhất...
Có một tỉ lệ nhỏ là người già, người có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin thì họ cho biết SpO2 xuống thấp trong khi xét nghiệm đã âm tính hoặc 2 vạch mờ - tức là còn dương tính nhưng chỉ số virus còn thấp" - bác sĩ Hoàng cho biết.
Những bệnh nhân SpO2 thấp khi xét nghiệm âm tính hoặc 2 vạch mờ chính là trường hợp "thiếu oxy thầm lặng". Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, cùng nhóm bác sĩ Hoàng, cho biết khoảng 30% người nhập viện ở tình trạng "thiếu oxy thầm lặng - happy hypoxia", vẫn cười nói nhưng đột ngột trở nặng.
Theo bác sĩ Tuấn, các báo cáo về ca bệnh happy hypoxia gia tăng khi chủng Delta xuất hiện. Nguyên nhân là do tình trạng "bão cytokine", virus không còn nhưng cytokine vẫn tiến triển, bệnh nhân không khó chịu nữa, không ho, sốt nữa nên có khi chủ quan và tình trạng đột ngột trở nặng.
Nằm sấp khi khó thở
Theo bác sĩ Tuấn, gần 20% bệnh nhân nhập viện cảm thấy không hề khó thở khi biểu hiện CT scan bất thường, cần bổ sung oxy. Tình trạng thiếu oxy thầm lặng gặp ở bệnh nhân COVID-19, xẹp phổi và một số bệnh lý khác.
Khi đo SpO2 tại nhà, bác sĩ khuyến cáo có thể đo cho người bình thường trước khi đo cho người F0 để theo dõi. Bác sĩ khuyến cáo khi khó thở bệnh nhân có thể nằm sấp, giúp phân bổ máu cho những vùng phía sau và điều này quan trọng trong điều trị COVID-19.
Ngoài ra, những vùng phổi phía sau lưng vốn ít được thông khí hơn, khi nằm sấp những vùng phế nang sẽ được phân bổ oxy, giảm tình trạng nơi nhiều oxy mà ít máu đến, nơi ít oxy mà máu lại đến nhiều (cân bằng thông khí - tưới máu). (LAN ANH)
Làm gì nếu "happy hypoxia"?
Theo bác sĩ Hoàng, thường xuyên đo SpO2 là một trong những yêu cầu cần thiết với người F0. Nhiều người mua thuốc, mua nhiều loại, nhưng khi hỏi có thiết bị đo SpO2 không thì lại không có hoặc chưa để ý đến. Các F0 có bệnh nền (tim mạch, gout, tăng huyết áp...), chưa tiêm vắc xin hoặc chưa đủ mũi càng phải chú ý hơn đến tình huống này.
Ngoài ra, cần chú ý đến thời gian ngày thứ 7 - 10 kể từ khi phát hiện bệnh, đây cũng là thời điểm tình trạng happy hypoxia có thể xuất hiện. Nếu SpO2 dưới 95% đã là chỉ dấu nguy hiểm, dưới 90% thì cận kề nguy hiểm. Từ thời điểm này, người bệnh cần được hỗ trợ thở oxy sớm và chuyển nhanh nhất đến cơ sở điều trị.
Khó thở ở người bệnh hậu COVID-19 chữa ra sao?
Khó thở là triệu chứng rất phổ biến trong giai đoạn hậu COVID-19, dù trước đó bệnh nhân có tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Chính vì sự phổ biến, nhiều người đã chủ quan không điều trị kịp thời dẫn đến mãn tính, kéo dài suốt đời.
BS Nguyễn Thanh Sang - giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu sau nhiễm COVID-19, Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết theo các nghiên cứu, ở giai đoạn hậu COVID-19 người bệnh thường gặp hàng loạt biến chứng như xơ phổi (61%), mệt mỏi (80%), mất ngủ (45%) và triệu chứng khó thở (38%).
"Khi bệnh nhân nhiễm COVID-19 thì thể tích lồng ngực bao giờ cũng bị xẹp lại, khi đến trung tâm để điều trị thường các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân tập các bài tập gắng sức để phục hồi dần", BS Sang chia sẻ.
Theo BS Sang, đa số bệnh nhân khi đo chỉ số SpO2 đều đạt khoảng 99%, nhưng khi tập các bài thở gắng sức, đi bộ 2 - 3 vòng hoặc chạy xe đạp tại chỗ thì bệnh nhân sẽ rất nhanh có biểu hiện khó thở, SpO2 cũng giảm đột ngột. Tuy vậy, bác sĩ Sang cho rằng đây không phải triệu chứng quá nghiêm trọng, chỉ cần tích cực điều trị khoảng 1 tuần sẽ cải thiện hơn 90%.
"Để điều trị khỏi hoàn toàn bất kỳ bệnh lý gì đều cần phải có "4T", bao gồm thực dưỡng, tinh thần, thuốc men và thể thao. Bên cạnh các bài luyện tập thở thì bệnh nhân cần có tinh thần thoải mái và chế độ dinh dưỡng bổ trợ", BS Sang nhận định. (CẨM NƯƠNG)
Cẩn thận ngộ độc oxy khi dùng bình oxy tại nhà
Cần lưu ý tuân thủ các nguyên tắc khi sử dụng bình oxy tại nhà - Ảnh: TỰ TRUNG
Khi gặp các triệu chứng khó thở, bệnh nhân đang mắc COVID-19 và có cả bệnh nhân hậu COVID-19 thường sử dụng bình oxy tại nhà. Các chuyên gia khuyến cáo cần có những nguyên tắc cụ thể tránh gây hậu quả nghiêm trọng.
TS Nguyễn Như Vinh - trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết trước khi quyết định cho bệnh nhân sử dụng bình oxy tại nhà phải dùng máy đo SpO2 để đo chính xác, xem xét biểu hiện của bệnh nhân có phải đang thiếu oxy hay không.
"Khi bệnh nhân có chỉ số SpO2 dưới 93%, cơ liên sườn, cơ ức co rút, môi tím tái... khi đó cần sử dụng bình oxy. Tuy nhiên, cần tuân thủ liều lượng, không tự ý điều chỉnh quá nhiều hoặc quá ít, nên bắt đầu từ bình oxy 1 lít", BS Vinh chia sẻ.
Theo BS Vinh, người bình thường có nồng độ oxy khoảng 98 - 99% nên khi sử dụng bình oxy nhiều bệnh nhân sẽ cố gắng chỉnh liều lượng oxy để đạt chỉ số đó, nhưng quan niệm này là sai.
"Bệnh nhân phải xác định mục tiêu thở oxy để biết đạt chỉ số SpO2 bao nhiêu là vừa. Đối với người bình thường, có thể đạt tới chỉ số SpO2 từ 94 - 95% là được, còn bệnh nhân có vấn đề về hô hấp trước đó như phổi tắc nghẽn mãn tính... có thể đạt 92% là ổn, nếu sử dụng nhiều sẽ dẫn đến ngộ độc oxy", BS Vinh khuyến cáo.
Bên cạnh đó, có những trường hợp bệnh nhân vẫn thấy khó thở và nhu cầu sử dụng oxy cao hơn, BS Vinh cho rằng cần liên hệ ngay với nhân viên y tế để cho bệnh nhân nhập viện. Bởi thực chất việc sử dụng bình oxy chỉ là một phương pháp hỗ trợ triệu chứng tạm thời.
Đặc biệt, BS Nguyễn Như Vinh lưu ý khi sử dụng oxy tại nhà cần đảm bảo nguyên tắc phòng chống cháy nổ, đặt bình ít nhất 2 - 5m xa chỗ cắm điện, bếp gas, những chỗ dễ bắt lửa. Phải biết cách mở và khóa bình sau khi sử dụng, giữ bình ở vị trí bằng phẳng tránh rơi đổ. Nên liên hệ báo cho cán bộ y tế phường khi bắt đầu sử dụng oxy tại nhà để được theo dõi tình trạng và hỗ trợ kịp thời trong các tình huống nguy cấp.
TTO - Bộ Giao thông vận tải đề nghị tạo thuận lợi vận chuyển oxy cho các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ để điều trị người bị nhiễm COVID-19.
Xem thêm: mth.40701241201102202-gnat-aig-gnad-gnal-maht-yxo-ueiht-ib-91-divoc-nahn-hneb/nv.ertiout