Nhân viên y tế làm việc tại Trung tâm hồi sức COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 14 (Q.Tân Phú) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo đó, sở giao Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn thực hiện các thủ tục giải thể Bệnh viện điều trị COVID-19 Hóc Môn, lưu trữ hồ sơ, sổ sách, chứng từ thanh quyết toán theo quy định.
Đồng thời, ban hành quyết định thành lập khoa COVID-19 với quy mô 150 giường, trong đó có 20 giường hồi sức tích cực. Bổ sung khoa COVID-19 vào quy chế tổ chức và hoạt động của bệnh viện.
Hiện TP có nhiều bệnh viện đã tổ chức phòng, khoa điều trị hậu COVID-19 như tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh nhiệt đới, Lê Văn Thịnh, Y dược dân tộc TP, Chợ Rẫy, Thống Nhất, Đại học Y dược…
TP.HCM đã giảm sâu về số ca COVID-19 mới, số ca tử vong trong những ngày vừa qua; hiện số mắc mới mỗi ngày đều dưới 500 ca, số tử vong dưới 20 ca, giảm nhiều lần so với thời gian cao điểm dịch và toàn thành phố đã đạt cấp độ "vùng xanh" - nguy cơ thấp, không có quận huyện nào đang là vùng cam, đỏ.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TP.HCM tổ chức chương trình chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19
Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM Huỳnh Nguyễn Lộc cho biết, Viện Y dược học dân tộc TP và các đơn vị đồng hành sẽ tổ chức chương trình "Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu nhiễm COVID-19", với chủ đề: "Sức khỏe nhân dân - Nụ cười thầy thuốc".
Lễ phát động chương trình sẽ diễn ra vào lúc 7h30 ngày 16-1 tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM. Tại khu khám và điều trị ban/Viện Y dược học dân tộc TP.HCM triển khai thực hiện hai giai đoạn của chương trình, cụ thể:
Giai đoạn 1: chương trình chung tay chăm sóc sức khỏe, tặng quà cho người có công với cách mạng, đảng viên cao tuổi trên địa bàn toàn TP. Thời gian thực hiện từ 7h30 đến 16h30 hằng ngày từ ngày 16-1 đến ngày 27-2.
Giai đoạn 2: chương trình chung tay chăm sóc sức khỏe cho người dân có hoàn cảnh khó khăn hậu nhiễm COVID-19 trên địa bàn toàn TP. Thời gian thực hiện từ 7h30 - 16h30 các ngày từ thứ hai đến thứ sáu, từ ngày 1-3 đến ngày 29-4.
Thành lập và triển khai Tổ tâm lý lâm sàng thực hiện tham vấn, trị liệu tâm lý cho người bệnh có nhu cầu đến khám, chữa bệnh. Thành lập Tổng đài tư vấn, hỗ trợ thông tin chăm sóc, điều trị người dân hậu nhiễm COVID-19.
Chương trình sẽ khám bệnh tầm soát; sàng lọc, tư vấn tâm lý hậu COVID-19; chụp X-quang tim và phổi, đo điện tim, siêu âm đều miễn phí. Đồng thời, phát tặng các sản phẩm y học cổ truyền từ dược liệu cho 12.000 người tham gia chương trình và tặng 12.000 phần quà.
Lấy mẫu xét nghiệm ở Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
Lần đầu tiên có gần 90.000 người bệnh khỏi bệnh trong 1 ngày
Ngày 10-1 là lần đầu tiên kể từ đầu vụ dịch, số khỏi bệnh lên tới gần 90.000 ca, nâng tổng số ca khỏi bệnh đến nay lên 1,59 triệu ca. Hiện toàn quốc có trên 244.700 F0 đang được theo dõi, điều trị, trong đó có trên 101.000 người đang điều trị tại bệnh viện, có 5.338 ca nặng, phải thở máy hoặc hỗ trợ thở các hình thức.
So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới ngày 10-1 giảm 40%, số ca tử vong giảm 17%, số ca nặng giảm 18%. So sánh tuần này với tuần trước, số mắc mới thấp hơn 4,5%, số tử vong thấp hơn 4,2%, số khỏi bệnh tăng 5,6%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 4,8%, số ca nặng, nguy kịch giảm 8,9%.
Nhiều địa điểm tại Hà Nội bị phong tỏa khi phát hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN
Đã phân bổ 400.000 liều Molnupiravir tại 53 tỉnh thành
Bộ Y tế cho biết đến nay đã phân bổ trên 400.000 liều Molnupiavir - thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và vừa - cho 53 tỉnh thành đang tham gia chương trình điều trị có kiểm sát.
Chương trình này đã được khởi động từ giữa tháng 8 vừa qua tại TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam. Qua đánh giá ban đầu, hiệu quả điều trị trên bệnh nhân có sử dụng thuốc này khá tốt, giúp giảm số ca chuyển nặng, không có ca tử vong trong nhóm dùng thuốc đầu tiên được đánh giá.
Hôm 5-1, Hội đồng tư vấn cấp giấy phép lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc cũng đã thống nhất đề nghị Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir, sau khi Quốc hội và Chính phủ cùng cho phép cơ chế đặc biệt để sớm cấp phép lưu hành cho thuốc và vắc xin trong dịch.
Thời gian qua do nhu cầu dự trữ thuốc phòng dịch tăng cao nhưng thị trường không có, đã có "chợ đen" Molnupiravir trên mạng xã hội, trong khi thuốc này đang sử dụng theo diện "có kiểm soát" và có tác dụng phụ với một số nhóm người bệnh, cần chỉ định của bác sĩ.
Tổ tiêm lưu động thuộc phường 9, quận 5, TP.HCM đến tận nhà tiêm cho người yếu thế, người cao tuổi - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 10-1 thông tin 24 giờ qua ghi nhận 2.832 ca COVID-19 mới, trong đó có 712 ca cộng đồng. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (168); Hoàng Mai (165); Thanh Trì (134); Đống Đa (124); Thanh Xuân (115); Nam Từ Liêm (109); Hai Bà Trưng (100)…
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 73.790 ca, hiện thành phố có 46.647 F0 được điều trị và cách ly. Số F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội hiện chiếm gần 75% tổng số bệnh nhân đang điều trị.
- Từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn Nghệ An đã ghi nhận 9.059 ca COVID-19. Số người điều trị ra viện: 7.732. Tổng số người tử vong: 36. Số người hiện đang điều trị: 1.291. Số người tiêm đủ mũi cơ bản tỉ lệ 99,7% người từ đủ 18 tuổi trở lên. Với tiêm cho trẻ 12-17 tuổi, số trẻ tiêm đủ mũi tỉ lệ 41,7%. Số trẻ tiêm ít nhất 1 mũi 98,3%.
- Quảng Bình từ 6h ngày 9-1 đến 6h ngày 10-1 ghi nhận thêm 107 ca COVID-19, trong đó có 104 ca tại cộng đồng, 9 ca nhiễm mới liên quan đến chùm ca bệnh tại chợ Ba Đồn.
- Liên tục 10 ngày đầu năm 2022, số ca tử vong do COVID-19 ở tỉnh Đồng Tháp tăng cao, ngày đầu năm có 12 ca tử vong và đến nay mỗi ngày có hơn 10 ca tử vong, đa số ca tử vong là người trên 50 tuổi, có bệnh nền. Riêng ngày 10-1 có 16 ca tử vong.
Hiện nay, Đồng Tháp có 19 cơ sở điều trị/bệnh viện dã chiến; 18 cơ sở cách ly F0 tại tuyến huyện, với công suất 5.246 giường. Đến ngày 10-1, tỉnh đã tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 đạt 99,7%; tiêm mũi 2 là 93,7% người từ 18 tuổi trở lên. Ngày 10-1, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 96 ca COVID-19, đang điều trị 8.206 ca.
- Chiều 9-1 Cà Mau công bố cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, có 95/101 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 2 (vùng vàng); còn lại 6 đơn vị cấp xã thuộc cấp độ 1 (vùng xanh), 82 cấp xã thuộc vùng cam (cấp độ 3); 7 xã còn vùng đỏ (cấp độ 4).
Tính từ tháng 7-2021 đến nay, Cà Mau ghi nhận hơn 42.600 ca COVID-19, có hơn 32.300 người đã khỏi bệnh. Hiện tỉ lệ người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi vắc xin chiếm khoảng 99%.
TTO - Ngày 9-1, Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ Y tế rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch COVID-19, áp dụng hướng dẫn ban hành tháng 10-2021 đến nay đã có những điểm không phù hợp.