Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố báo cáo về tình hình lao động việc làm quý 4/2021 và chỉ số phát triển con người Việt Nam 2016-2021, trong 6 vùng kinh tế - xã hội, Đông Nam Bộ là vùng có nhiều khởi sắc nhất.
Thu nhập bình quân của lao động làm việc quý 4/2021 ở vùng này 6,1 triệu đồng, tăng 450 nghìn đồng, tương ứng 8,0% so với quý trước.
Lao động tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động phức tạp và lan rộng của đại dịch. Thu nhập bình quân của lao động tại vùng này là 4,4 triệu đồng, so với quý trước giảm 113 nghìn đồng, tương ứng giảm 2,5%.
Nguồn: TCTK
Trong đó, lao động tại TP. HCM, nơi chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến thể Delta trong quý trước, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực với mức thu nhập bình quân của lao động trong quý 4 đạt 6,5 triệu đồng, tăng 730 nghìn đồng, tương ứng tăng 12,7% so với quý trước.
Tại Hà Nội, dịch bệnh diễn biến phức tạp trong những tuần cuối quý 4 nên thu nhập của người lao động tăng chậm lại. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tại Hà Nội là 7,2 triệu đồng, chỉ tăng 201 nghìn đồng, tương ứng tăng 2,9% so với quý trước.
Đáng chú ý, so với TP. HCM, lao động ở Hà Nội có tốc độ tăng thu nhập bình quân thấp hơn 4,4 lần (2,9% so với 12,7%).
Đáng chú ý, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 4/2021 là hơn 1,6 triệu người, giảm 113,1 nghìn người so với quý trước và tăng 369,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý 4/2021 là 3,56%, giảm 0,42 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,93 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,09%, giảm 0,45 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,39 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Sau khi đạt đỉnh ở mức 3,98% trong quý 3/2021, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý 4/2021 đã giảm xuống còn 3,56%.
Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động, các quý năm 2020 và năm 2021
Theo đó, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi cao nhất, tương ứng là 5,72% và 5,70%. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát (quý 4/2019), tỷ lệ này ở vùng Đông Nam Bộ là 2,29%, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 2,13%.
Đến nay, tỷ lệ thất nghiệp ở hai vùng này vẫn còn cao, với hơn 5,7%, gấp 2,5 lần tỷ lệ thất nghiệp ở trạng thái bình thường trước đó.
Trong quý 4/2021, tỷ lệ này đặc biệt cao ở TP. HCM với 8,25%, cao gấp 3,4 lần so với thành phố Hà Nội (2,45%). Tuy nhiên, so với quý trước, tỷ lệ này ở TP. HCM đã giảm 1,68 điểm phần trăm, trong khi ở Hà Nội chỉ giảm 0,05 điểm phần trăm.
Ngoài ra, trong quý 4/2021, cả nước có khoảng 1,8 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 15,2% tổng số thanh niên), giảm 511 nghìn người so với quý trước và tăng 148,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị, 16,1% so với 13,7% và ở nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên, 17,1% so với 13,4%.
So sánh theo 6 vùng kinh tế - xã hội, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở Đồng bằng sông Cửu Long là cao nhất với 21,6%. Tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc với 21,2%, tương ứng giảm 4,1 và 4,8 điểm phần trăm so với quý trước.
Tỷ lệ này ở TP. HCM trong quý 4/2021 là 14,8%, cao gần gấp hai lần so với thành phố Hà Nội (7,8%). So với quý trước, tỷ lệ này ở TP. HCM và thành phố Hà Nội đều giảm, tương ứng là giảm 6,3 điểm phần trăm và giảm 1,7 điểm phần trăm.
Theo Anh Vũ
Doanh nghiệp và Tiếp thị