Nhiều cua Cà Mau giờ có thể truy xuất nguồn gốc bằng quét mã QR - Ảnh: HUỲNH LÂM
Mất mặt vì "cua khổ sai"
Năm 2015, một niềm vui lớn đến với cua Cà Mau khi thương hiệu "cua Năm Căn" được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH&CN công nhận là nhãn hiệu tập thể. Đến thời điểm này, ngành cua Cà Mau đã trưởng thành vượt bậc, trở thành mặt hàng thủy sản đóng vai trò quan trọng để phát triển kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, việc bảo vệ thương hiệu cua Cà Mau nói chung, trong đó có cua Năm Căn, là hành trình đầy gian nan.
Khi con cua Cà Mau đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, trở thành món hời lớn đối với nhiều người, thì sự xâm phạm thương hiệu ngày càng trắng trợn lẫn tinh vi. Trong khi đó, người nông dân Cà Mau, chủ thể sản xuất ra con cua, cũng còn quá ngỡ ngàng trước việc bảo vệ quyền lợi của mình và hình ảnh, thương hiệu đặc sản địa phương.
Anh Nguyễn Hoàng Văn là doanh nhân rất tâm huyết với con cua Cà Mau. Từ TP.HCM, anh quyết định về Năm Căn để hiện thực hóa ước mơ đưa sản vật này vươn xa hơn trên thị trường, và anh cứ ám ảnh mãi về sợi dây to đùng mà bà con nông dân, các thương lái sử dụng trói cua.
Sau khi nắm bắt thông tin nhiều nguồn, anh Văn đi đến kết luận: "Khoảng 90% cua biển của Việt Nam đều xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Dây trói cua lớn bắt nguồn từ yêu cầu của đối tác phía Trung Quốc".
Qua nhiều chuyến khảo sát thực tế thị trường Trung Quốc, từ nguồn thông tin riêng, anh Văn biết được cua biển Việt Nam khi về bên đó đều tháo dây trói kiểu lớn, thay bằng dây khác có in logo thương hiệu phía Trung Quốc.
Với anh Văn "mất thương hiệu là mất tất cả". Việc phụ thuộc độc quyền và yêu cầu không hợp lý của đối tác sẽ làm tổn hại đến uy tín, hình ảnh và danh tiếng con cua Việt Nam. Trong khi Cà Mau là thủ phủ cua ngon thì điều đó càng trở nên rõ ràng.
Anh Văn tiến hành xây dựng điểm dừng chân và thu mua cua ngay tại vùng cua ngon nhất Cà Mau là Năm Căn. Việc thu mua của người dân được yêu cầu dây trói cua của cơ sở cung cấp có in nhãn hiệu riêng. Anh Văn tâm sự: "Nếu bây giờ chúng ta không có hành động, biện pháp bảo vệ thương hiệu cua Năm Căn thì trong tương lai, rất có thể đặc sản này sẽ bị mai một".
Tại Hợp tác xã (HTX) Tân Hiệp Phát, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, ông Lê Chí Linh, giám đốc HTX, cũng bức xúc: "Thời gian qua, thấy cua Năm Căn có giá cả, thương hiệu, nhiều tiểu thương trộn lẫn với cua vùng khác, thậm chí giả mạo danh xưng cua Năm Căn để bán cho khách hàng làm chúng tôi rất bức xúc".
Nói về cọng dây trói cua theo yêu cầu thương lái, ông Linh bức xúc: "Cọng dây trói cua ngâm sình, trộn cát, bốc mùi thối um, còn nặng hơn cả con cua, nhìn thấy ớn lắm, ai mà dám mua ăn". Dân ăn cua nhìn thấy dây trói cua còn to và nặng hơn con cua, hay gọi là "cua khổ sai". Nhiều người đã tẩy chay cách làm ăn gian dối này. Là dân làm cua thứ thiệt, nhiều người Cà Mau nói họ cảm thấy mất mặt bởi cách làm đó không phải tánh cách người Cà Mau.
Sự thay đổi lớn nhất của HTX là đã có dây trói dệt không trọng lượng có in logo và mã truy xuất nguồn gốc. HTX thu mua cua của người dân theo đơn hàng, có hợp đồng đàng hoàng.
Người dân Cà Mau rất tự hào và đang cố gắng bảo vệ thương hiệu con cua xứ mình - Ảnh: HUỲNH LÂM
Truy xuất nguồn gốc con cua
Lấy ra túi đựng đầy dây nhựa, trên đầu dây in mã QR trực tiếp không thấm nước, kỹ sư Huỳnh Hùng Anh, cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Năm Căn, móc điện thoại quét, màn hình hiện lên: "Vựa cua Văn Sỹ - Địa chỉ khóm 6, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn...".
Anh tâm đắc: "Mình truy ra nguồn gốc đến vựa cua luôn. Nên ai làm ăn đàng hoàng thì được uy tín, ai làm bậy bạ thì bị mang tiếng, bị xử lý. Mình quản lý như vậy để bảo vệ thương hiệu cua Năm Căn của xứ sở cua ngon".
Kỹ sư Hùng Anh cho biết cua Năm Căn đã được đăng ký thương hiệu tập thể. Chỉ những doanh nghiệp, những cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh hợp pháp, trên địa bàn huyện Năm Căn mới được sử dụng thương hiệu này.
"Thời gian trước, có một doanh nghiệp ở tận biên giới phía Bắc vào đây xin phép được sử dụng thương hiệu cua Năm Căn - Cà Mau, nhưng chúng tôi từ chối. Mình đâu quản lý được khi được cấp phép họ sẽ sử dụng thương hiệu đó để làm những chuyện gì, ảnh hưởng đến uy tín của cua Năm Căn - Cà Mau hay không. Đừng nói đâu xa, chỉ chếch qua xứ khác một chút thì chất lượng cua đã khác rồi, nói chi đi xa. Vậy mà ở tận đâu đâu, người ta bán cua biển cứ dóc là cua Năm Căn".
Sau khi được cấp phép, vựa cua sẽ được cấp mã QR để truy xuất nguồn gốc. Ban đầu, mã được... dán lên con cua. Nhưng không lâu thì tem bị rách. Sau này, các cán bộ mới nghĩ ra chuyện in mã trên dây nhựa để cột lên càng cua.
Thực tế cho thấy cua Cà Mau dù đã trở thành sản vật nức tiếng, có giá trị kinh tế cao, nhưng vẫn tiềm ẩn sự bấp bênh về giá cả, đầu ra thị trường. Hiện tại, cua Cà Mau chỉ xuất bán ở dạng sống, chưa có sự đầu tư về chủng loại mặt hàng chế biến, gia tăng giá trị kinh tế. Điều này trực tiếp tác động đến quyền lợi của người nông dân, chủ thể sản xuất ra mặt hàng này. Và để bảo vệ thương hiệu cua Cà Mau, không cách nào khác, cần phải có cách nghĩ, cách làm mới.
HTX Cua biển Năm Căn ra đời năm 2017 chính là nỗ lực để đưa thương hiệu cua Năm Căn nâng tầm giá trị, thương hiệu. Chủ tịch HĐQT, giám đốc HTX Lê Quốc Việt cho biết: "Cái chính yếu là phải đảm bảo chất lượng của con cua Năm Căn thương phẩm. Tiếp đến, chúng tôi hướng bà con vào quy trình sản xuất sạch, việc bao tiêu sản phẩm. Để mang cua Năm Căn đi xa hơn, bền vững hơn, không cách nào khác người nông dân cũng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm".
Với "vua cua" Lê Văn Mạnh, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn thì: "Cua Năm Căn đang trong giai đoạn bị xâm hại thương hiệu nghiêm trọng. Nhiều nơi bày bán tràn lan rồi hô lên là cua Cà Mau, nhưng sự thật đâu phải vậy".
Hỏi ông Mạnh về cách làm thế nào để bảo vệ danh tiếng cua Cà Mau, trong đó có cua Năm Căn, ông trầm ngâm: "Giờ phải có chỗ đứng ra bao tiêu sản phẩm như các HTX, rồi cua có nhãn hiệu, logo, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Bớt đi việc thương lái trung gian thu mua nhỏ lẻ, phá giá, làm ăn gian dối...".
Ông Dư Thái Bình, chủ doanh nghiệp cua Dư Thái Bình (Năm Căn), nói ngoài xuất khẩu sang Trung Quốc, thì một thời gian ông đã cố gắng tiếp thị cua ở những thị trường khó tính Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... Thậm chí, doanh nghiệp từ các nước tìm đến tận Năm Căn để tìm hiểu thị trường. Tuy nhiên, sau mùa dịch thì mọi hoạt động bị đình trệ.
"Thị trường Trung Quốc rất chuộng cua Cà Mau. Nhưng thị trường cũng tiềm ẩn rủi ro. Xuất qua đường hàng không thì bị giới hạn về sản lượng. Còn xuất tiểu ngạch mỗi khi xảy ra sự cố, đóng biên thì mình chịu thiệt" - ông Bình chia sẻ.
Ngoài xuất khẩu, thị trường trong nước cũng rất chuộng cua Cà Mau. Hiện cua Năm Căn - Cà Mau của doanh nghiệp Dư Thái Bình đã vào hệ thống các siêu thị khó tính trong nước.
Nhưng để tiến xa hơn, cái gốc của vấn đề vẫn nằm ở việc bảo vệ thương hiệu, giữ gìn uy tín, chất lượng của cua Cà Mau. Và công việc này, chỉ riêng nỗ lực của người nông dân thôi là chưa đủ, mà phải có sự tham gia của chính quyền...
Lễ hội cua Cà Mau, tại sao không?
Sau bao thăng trầm, cua Cà Mau giờ đây đã thật sự lột xác, trở thành niềm hy vọng đổi đời của người nông dân miệt này. Nói như ông Perapool, một chuyên gia du lịch Thái Lan: "Tại sao Cà Mau cua ngon thế, nổi tiếng thế mà chỉ quanh quẩn thị trường trong nước, xuất khẩu tiểu ngạch. Cà Mau hoàn toàn có thể tổ chức lễ hội cua, mà sức hút có thể chẳng thua kém với bất cứ lễ hội ẩm thực nào khác trên thế giới".
-------------------
Nhiều thực đơn quán xá ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội luôn để lên hàng đầu món cua Cà Mau. Thậm chí có cả những chuỗi quán mang tên hải sản miệt cuối nước này.
Kỳ cuối: Cua Cà Mau về phố
TTO - Khi con tôm năm phen bảy bận "thất trận" ngay trên đồng đất Cà Mau, nơi mà nó luôn giữ vị trí độc tôn, thì con cua biển từ lâu bị coi là "em ghẻ" trở thành "cứu cánh" cho nhiều nông dân miệt cuối đất này.
Xem thêm: mth.94842129101102202-coun-tahn-nogn-auc-noc-nit-yu-uig-4-yk-neyurt-iaogn-uam-ac-auc/nv.ertiout