Để đóng góp và thúc đẩy cho quá trình phục hồi du lịch, vừa qua Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ) cùng Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã phối hợp với Báo điện tử VnExpress tiến hành cuộc khảo sát trong tháng 12/2021 về nhu cầu và xu hướng khách du lịch thời Covid-19 trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Phân tích câu trả lời của 10.717 người để làm căn cứ xây dựng những đề xuất, kiến nghị thực tiễn nhất trình Thủ tướng Chính phủ và gửi thông điệp cho các doanh nghiệp du lịch.
Tiềm năng thị trường khách nội địa
Con số từ cuộc khải sát cho thấy gần 90% số người trả lời muốn đi du lịch ngay trong vòng 10 tháng tới, với phần lớn sẵn sàng đi du lịch ngay trong tháng đầu năm. Con số này thể hiện nhu cầu đi du lịch rất lớn, có thị trường để phát triển do “lò xo bị nén” bật mạnh.
Đặc biệt, rất ít du khách (3%) muốn chờ đợi đi du lịch cho đến khi có thẻ xanh Covid-19.
Để đảm bảo an toàn, nên du lịch ngắn ngày là xu hướng chính, có khoảng 45% số người trả lời lựa chọn tour 2-3 ngày.
Và những người đồng hành cùng trong những chuyến đi là theo nhóm nhỏ thân quen: Khoảng 78% số người trả lời lựa chọn đi theo nhóm gia đình (nhất là du khách Hà Nội – 59%) hoặc nhóm bạn bè.
Ở đây nhóm khảo sát đánh giá, xu hướng đi du lịch theo nhóm gia đình hoặc đi du lịch một mình tăng lên. Việc đi du lịch theo nhóm bạn bè và theo tour của công ty du lịch giảm.
Về lựa chọn phương tiện đi du lịch 65% du khách, nhất là du khách Hà Nội và TPHCM vẫn có xu hướng lựa chọn đi du lịch bằng máy bay. Bên cạnh đó, do tác động của Covid-19 nhu cầu đi lại bằng phương tiện chung bị giảm.
Khách hàng ưu tiên lựa chọn khám phá thiên nhiên (56%), nghỉ dưỡng biển vẫn là nhu cầu lớn như trước đây. Ngoài ra, phần lớn vẫn có nhu cầu thưởng thức ẩm thực (47%) luôn là ưu tiên của du khách Việt, nhất là khách du lịch các tỉnh.
Về xu hướng đặt dịch vụ, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, du khách đặt trực tuyến dịch vụ du lịch (43%) luôn là ưu tiên hàng đầu. Lời khuyên được đưa ra cho các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cần thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ.
Du khách Hà Nội (44%) và các tỉnh (46%) đặt trực tiếp nhiều hơn, du khách TPHCM (50%) đặt trực tuyến nhiều hơn.
An toàn và giá cả tương xứng
Trước tác động của dịch bệnh, phần lớn hành khách lựa chọn đi du lịch theo hai ưu tiên an toàn và giá tương xứng.
Tuy nhiên, so sánh khảo sát vào 3/2021 và 12/2021 cho thấy sự quan tâm đến an ninh an toàn có xu hướng giảm, trong khi quan tâm đến việc giảm giá tăng lên. Ở đây, nhóm nghiên cứu đánh giá rằng khách du lịch nội địa vẫn khá nhạy cảm với chính sách giảm giá.
Trước con số này, trong buổi công bố kết quả khảo sát, bà Trần Nguyện, Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Sun Group bày tỏ: “Thông qua con số khảo sát, yếu tố khách hàng mong muốn giảm giá đã tăng lên so với cuộc khảo sát trước, trở thành ưu tiên số 3.
Về bản chất khách hàng đều muốn ưu đãi giá trong tất cả các ngành. Tuy nhiên, việc lạm dụng giảm giá, tâm lý giảm giá sẽ dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh đối với ngành du lịch”.
Bà Nguyện bày tỏ rằng việc giảm giá sẽ đi kèm giảm chất lượng, giảm các yếu tố khác. Từ đây sẽ dẫn đến hệ quả của việc không phát triển chất lượng ngành, giảm giá trị du lịch, ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng.
Về quy định y tế khi đi du lịch, hiện nay du khách lo ngại nhiều nhất khi đi du lịch nếu bị cách ly khi đến hoặc khi quay về nhà (87%), bùng phát dịch (61%) và những hạn chế đi lại khác nhau giữa các địa phương (54%).
Trước vấn đề này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) bày tỏ: “Nếu các điểm đến du lịch, các địa phương còn áp dụng các biện pháp cách ly trên diện rộng đồng nghĩa với việc không thể có du lịch nội địa”.
Thống nhất phương án mở cửa du lịch
Ở đây, đại diện cho nhóm khảo sát, ông Hoàng Nhân Chính cũng đưa ra những kiện nghị phục hồi ngành du lịch trong thời gian tới.
Trước xu hướng khách du lịch không chấp nhận bị cách ly, Chính phủ, các địa phương cần thống nhất áp dụng, kiên định theo Nghị quyết 128, “Không thể bình thường mới ở địa phương này, khác với bình thường mới ở địa phương khác”, ông Chính bày tỏ.
Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch, công bố công khai, cập nhật thường xuyên. Cung cấp thông tin du lịch an toàn, bởi thực tế hiện nay khách du lịch đang “đói” thông tin.
Đề xuất cho các doanh nghiệp, ông Chính cho rằng: “Doanh nghiệp cần có những thay đổi, biện pháp để tìm ra thị trường tốt nhất, đánh giá lại sản phẩm du lịch.
Cần xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách như du lịch ngắn ngày, theo nhóm nhỏ, giá tương xứng với chất lượng”.
Bệnh cạnh đó tập trung truyền thông về du lịch an toàn, du lịch xanh, khám phá thiên nhiên, du lịch trải nghiệm.