Tại hội nghị đầu tư của UBS Group đầu tuần này, ông Dalio phát biểu rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã giúp tái phân phối của cải và cơ hội đồng đều hơn cho người dân, cho phép nền kinh tế Trung Quốc tiếp cận nguồn nhân tài lớn hơn. Ông nói thêm rằng chiến dịch này thường bị nhà đầu tư quốc tế hiểu lầm rằng Trung Quốc đang trở lại mô hình kinh tế trước cải cách mở cửa.
Ông Dalio giải thích: "Đầu tiên Trung Quốc làm giàu, sao đó phân phối lại những cơ hội đó theo cách bình đẳng hơn. Thông qua hệ thống của mình, nước Mỹ cần có thêm thêm thịnh vượng chung và nhiều nước khác cũng vậy".
Tại Trung Quốc, công cuộc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo lớn của nước này bao gồm những chính sách mới nhắm vào các ngành kinh tế, khiến nhà đầu tư nghi ngại.
Giới chức trách cũng đang cố gắng kiềm chế điều mà chính phủ coi là hiện tượng xã hội thái quá, bao gồm cả fandom cuồng tín của người nổi tiếng, trường luyện thi và trò chơi điện tử. Chỉ số MSCI Trung Quốc năm ngoái lao dốc gần 23%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2008 giữa những lo ngại về môi trường chính trị và quy định pháp lý, Bloomberg cho biết.
Trong gần 40 năm, ông Dalio đã công khai thể hiện sự hâm mộ dành cho Trung Quốc. Năm 1995, ông gửi con trai 11 tuổi Matt Dimon đến sống và học ở Bắc Kinh trong một năm.
Gần đây sự ủng hộ của ông dành cho Trung Quốc và chính phủ nước này đã hứng chịu chỉ trích từ giới chính trị gia và gây căng thẳng với cấp dưới cũ là cựu CEO Bridgewater.
Thế hệ nhân tài
Ông Dalio cổ vũ ích lợi của thịnh vượng chung: "Bạn chẳng thể biết được nhân tài hàng đầu sẽ đến từ đâu. Khả năng nhân tài xuất thân từ nhóm người nghèo, người chịu thiệt thòi cũng chẳng kém xác suất anh ta hay cô ta đến từ nhóm những người được nuôi dưỡng chu toàn nhất. Vậy nên Trung Quốc sử dụng nhóm nhân tài đó, tạo ra nền kinh tế tốt hơn, thịnh vượng hơn và hệ thống công bằng hơn".
Các động thái chính sách hà khắc của Trung Quốc đã chia rẽ Phố Wall, thổi phồng đồn đoán về lĩnh vực nào sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo. Huyền thoại George Soros chỉ trích chính sách của ông Tập và năm ngoái đã đăng bài viết rằng "đổ hàng tỷ USD vào Trung Quốc vào lúc này là sai lầm bi thảm".
Tháng 10/2021, Giám đốc đầu tư Scott Minerd của Guggenheim Partners có quy mô hơn 330 tỷ USD mô tả Trung Quốc là "không thể đầu tư được".
Ngược lại, ông Dalio còn nói rằng Mỹ là thị trường rủi ro hơn Trung Quốc, sử dụng các tiêu chí như thu nhập tạo ra trên chi phí, tài sản trên nghĩa vụ nợ, cũng như trật tự nội bộ của quốc gia và khả năng xảy ra xung đột bên ngoài.
"Hầu hết các yếu tố trên cho thấy Mỹ có nhiều yếu tố rủi ro hơn. Ngoài ra cấp độ giao dục, lợi thế cạnh tranh của nước Mỹ cũng đang đi xuống". Ông nói thêm rằng tuy công nghệ vẫn là điểm sáng của Mỹ nhưng tốc độ thay đổi lại chậm hơn Trung Quốc.
Bridgewater đã quản lý tiền của nhà nước Trung Quốc từ 1993, bao gồm khoảng 5 tỷ USD của quỹ đầu tư quốc gia China Investment Corp và Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước.
Hồi tháng 11, Bridgewater huy động 8 tỷ nhân dân tệ (1,3 tỷ USD) cho quỹ đầu tư tư nhân mới ở Trung Quốc, trở thành quỹ đầu cơ quốc tế lớn nhất tại nước này. Cũng trong tháng đó, ông Dalio gây sóng ở nước nhà với bình luận về Trung Quốc trong cuộc phỏng vấn với CNBC:
"Chẳng lẽ tôi cũng không nên đầu tư vào Mỹ vì các vấn đề nhân quyền của chính nước ta và những rắc rối khác? Trung Quốc là nước điều hành từ trên xuống, họ hành xử như vị phụ huynh nghiêm khắc".
Quỹ chủ lực Pure Alpha II của Bridgewater đạt tỷ suất lợi nhuận 8% vào năm ngoái, được cứu nhờ thành tích tháng 12 mạnh mẽ. Giống như nhiều tay chơi khác, quỹ đầu cơ vĩ mô của Bridgewater chật vật trong suốt thập kỷ qua, đạt tỷ suất sinh lời 1,6% hàng năm trong 10 năm tính đến tháng 11/2021. Tập đoàn lỗ 12,6% vào năm 2020 và một số khách hàng tổ chức đã rút tiền.