Áp lực đối với nền kinh tế châu Âu ngày càng lớn và đến từ sự kết hợp của các vấn đề cũ và mới: Đại dịch COVID-19 vẫn được coi là “làn gió ngược”, khiến thị trường rơi vào bất ổn. Mặc dù giá năng lượng tăng mạnh và nhu cầu vượt xa nguồn cung hạn chế trong một số lĩnh vực, xu hướng lạm phát cao kỷ lục đã lan rộng tại “Lục địa Già”.
Mối lo lạm phát
Mặc dù một số người vẫn kỳ vọng kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng nhanh hơn dự báo trong năm 2022, nhưng con đường phục hồi vẫn chưa rõ ràng.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ vượt mức trước đại dịch trong quý I/2022. Và một số viện nghiên cứu đã dự đoán mức tăng trưởng tương tự tại Anh.
Tuy nhiên, lạm phát, một trong số những thách thức lớn khác, có thể gây thêm bất ổn cho đà phục hồi kinh tế của châu Âu.
Nhà kinh tế trưởng Laurence Boone của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết: “Lạm phát luôn là nỗi ám ảnh đối với mọi người. Cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, giá cả hàng hóa tại châu Âu tăng vọt đã nhấn chìm nền kinh tế, khiến cuộc sống của người dân trong khu vực này bị ảnh hưởng bởi chi phí thực phẩm và năng lượng tăng mạnh. Đà tăng giá này được cho là sẽ tiếp diễn, ít nhất là trong vài tháng tới".
Trong khi đó, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) ngày 7/1 vừa qua công bố số liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% trong tháng 12/2021. Đây cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1997 khi các dữ liệu liên quan bắt đầu được thu thập.
Tỷ lệ lạm phát này tăng cao càng cho thấy tác động từ việc giá năng lượng tăng vọt. Số liệu trên cao hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 2% mà ECB đề ra đối với khu vực Eurozone. Tuy vậy, ECB cho rằng mức lạm phát này là nhất thời và sẽ giảm trong năm 2023, sau khi đạt đỉnh vào năm 2022.
Cũng theo Eurostat, trong các nước thành viên Eurozone, lạm phát đặc biệt cao ở các quốc gia Baltic. Theo đó, Estonia ghi nhận mức cao nhất với 12%, kế đến là Lithuania với 10,7%.
Xét theo quy mô các nước lớn trong Eurozone, Tây Ban Nha ghi nhận mức lạm phát cao nhất với 6,7%, kế đến là Đức với 5,7%. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã chứng kiến mức tăng giá hàng hóa mạnh nhất trong gần 30 năm vào tháng 12/2021, vượt qua các dự báo được đưa ra.
Thiess Petersen, cố vấn cấp cao tại Quỹ Bertelsmann của Đức, cho biết sự tắc nghẽn về chuỗi cung ứng là nguyên nhân chính dẫn tới giá tiêu dùng tăng lên.
Còn tại Italy, các nhà kinh tế cho biết đà phục hồi kinh tế có thể “chết yếu” vào năm 2022 do giá cả tăng, đặc biệt là giá nhiên liệu. Ba Lan cũng đã báo cáo mức lạm phát cao chưa từng thấy trong 20 năm qua.
Các nhà bình luận dự kiến lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong năm nay và Chính phủ Ba Lan đã thông báo giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số hàng hóa để bảo vệ người tiêu dùng. Lạm phát của Anh đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm là 5,1% vào tháng 11/2021.
Khó khăn "chồng chất"
Theo số liệu do Eurostat công bố ngày 10/1, tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone tiếp tục giảm trong tháng 11/2021, bất chấp khó khăn trước làn sóng bùng phát dịch COVID-19 mới tại một số nước châu Âu.
Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone đã giảm từ mức 7,4% của tháng 7/2021 và mức 7,3% của tháng 10/2021 xuống còn 7,2 % trong tháng 11/2021.
Trong 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Ba Lan - quốc gia không thuộc Eurozone, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức 6,7% trong tháng 10/2021 xuống còn 6,5% trong tháng 11/2021. Đây là sự cải thiện đáng kể so với một năm trước đó, thời điểm mà tỷ lệ này ở mức 8,1% trong Eurozone và 7,4% trong EU.
Eurostat ước tính khoảng 13,9 triệu người dân các nước EU thất nghiệp trong tháng 11/2021. Cũng trong tháng này, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cũng giảm xuống mức 15,4% trong EU và 15,5% trong Eurozone so với một tháng trước.
Xu hướng tỷ lệ thất nghiệp giảm vẫn tiếp diễn bất chấp làn sóng lây nhiễm từ biến thể Delta bùng phát tại các nước như Đức, Hà Lan và Bỉ. Điều này cho thấy những biện pháp phòng dịch mà chính phủ các nước này thực hiện, đã phát huy hiệu quả, đảm bảo sự vận hành của nền kinh tế.
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 hàng ngày trên khắp châu Âu vẫn tăng cao kỷ lục, nhiều quốc gia vẫn đang nỗ lực thực hiện cách tiếp cận tương tự đối với biến thể Omicron, biến thể được xác định có tốc độ lây lan nhanh hơn so với các biến thể trước đây.
Những chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định, châu Âu đang “gồng mình” chống chọi với một mùa Đông khắc nghiệt nữa khi biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 dễ lây lan đã gây ra một làn sóng lây nhiễm COVID-19 lớn.
Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu dường như đã chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với đại dịch, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao hơn và những biến chứng mà biến thể Omicron để lại ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta.
Angel Talavera, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Âu tại công ty nghiên cứu và phân tích kinh tế Oxford Economics (Anh) cho biết, những thông tin tích cực về tác động nhẹ hơn của biến thể mới cũng đồng nghĩa với việc các nước cũng “nới tay” hơn trong việc ban hành các hạn chế liên quan đến đại dịch và tác động kinh tế của nó cũng ít hơn so với những gì đã chứng kiến vào mùa Đông năm ngoái.
Mặc dù vậy, các nhà kinh tế vẫn cảnh giác trước sự "tàn phá" kinh tế mà làn sóng lây nhiễm COVID-19 có thể gây ra.
Ông Talavera nói thêm, sự giãn cách xã hội tự nguyện, niềm tin của người tiêu dùng suy giảm và tình trạng gián đoạn thị trường lao động do các yêu cầu cách ly sẽ vẫn khiến hoạt động kinh tế của châu Âu chậm lại trong những tháng mùa Đông năm nay.
Xem thêm: mth.75004101211102202-hnehg-pag-noc-nav-ua-uahc-et-hnik-auc-ioh-cuhp-gnoud-noc/nv.zibmanteiv