Các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á vốn nổi tiếng và thậm chí còn bị ghen tị vì đã định hình lại chuỗi cung ứng thế giới. Bù lại, họ ít được đánh giá cao về khả năng vẽ lại bản đồ dòng vốn toàn cầu. Nhưng sau hơn một thập kỷ vung tiền mua vào, mười nền kinh tế lớn nhất của hai khu vực này đang nắm giữ đến 28.000 tỷ USD tài sản tài chính ở nước ngoài. Con số này gấp hơn 3 lần so với năm 2005, và tương đương một phần năm tài sản toàn cầu do người nước ngoài nắm giữ.
Các tổ chức lâu đời ít được biết đến ở phương Tây - từ các ngân hàng Nhật Bản và các công ty bảo hiểm Đài Loan hay các quỹ hưu trí của Hàn Quốc - giờ đây đã lấn sân sang các thị trường tài sản khác nhau, từ nợ khoản vay được thế chấp (CLO) ở Mỹ đến các tuyến đường sắt cao tốc ở Anh.
Đông Á từ lâu đã được công nhận là một thế lực góp phần vào tình trạng "ngập lụt tiết kiệm" (Saving Glut). Khái niệm này được phổ biến vào năm 2005 bởi Ben Bernanke, nguyên Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, dùng để chỉ việc các nền kinh tế bơm tiền ra để tích luỹ tài sản ở nước ngoài và xuất khẩu vốn ra thế giới.
Khi Đông Á và Đông Nam Á ngày càng giàu có, quy mô nắm giữ tài sản nước ngoài của họ ngày một tăng. The Economist đã xem xét các số liệu về tổng tài sản tài chính nước ngoài - không bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty đa quốc gia - của 10 nền kinh tế khu vực này.
Không chỉ to dần về quy mô, cơ cấu tích luỹ tài sản của châu Á cũng đã thay đổi. Vào thời điểm 2005, dự trữ ngoại hối của các chính phủ và ngân hàng trung ương trung bình chiếm khoảng một nửa tài sản tài chính nước ngoài của một số quốc gia. Chúng đã được tích lũy sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 như một bức tường thành chống lại sự sụp đổ tiền tệ trong tương lai.
Tuy nhiên, tỷ lệ dự trữ ngoại hối trung bình hiện đã giảm xuống gần một phần ba. Trong khi đó, hai phần ba số tài sản còn lại phản ánh sự bùng nổ của các dòng tài sản tài chính khác, khi các nhà đầu tư tổ chức trong khu vực tìm kiếm lợi tức.
Sự thay đổi này đang thu hút sự chú ý của các cơ quan giám sát tài chính. Vào tháng 12, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), một câu lạc bộ các ngân hàng trung ương, kết luận rằng các nhà đầu tư tổ chức châu Á đã góp phần gây ra căng thẳng tài trợ bằng đồng USD vào tháng 3/2020, khi Covid-19 lần đầu tiên bắt đầu lan rộng và thị trường hoảng loạn. Tuy nhiên, nhiều điều về các mối liên kết tài chính này và những rủi ro liên quan đến chúng, vẫn chưa được hiểu rõ.
Mười thị trường được The Economist thu thập số liệu được chia thành ba nhóm. Nhóm giàu nhất - Hong Kong, Nhật Bản và Singapore - nắm giữ dự trữ ngoại hối đáng kể, nhưng lượng dự trữ tài sản tài chính khác của họ lớn hơn từ năm đến tám lần. Tài sản nắm giữ của họ hiện đã trưởng thành và tăng trưởng chậm hơn theo tiêu chuẩn khu vực.
Một sự thay đổi lớn hơn đã diễn ra ở Hàn Quốc và Đài Loan. Vào năm 2005, gần một nửa tài sản tài chính nước ngoài của Đài Loan và hai phần ba tài sản của Hàn Quốc ở dạng dự trữ ngoại hối. Mặc dù lượng dự trữ nắm giữ kể từ đó đã tăng hơn gấp đôi với cả hai, nhưng danh mục đầu tư và các tài sản khác lại còn mở rộng với tốc độ nhanh hơn rất nhiều.
Hàn Quốc và Đài Loan hiện sở hữu lần lượt 1.500 tỷ USD và 2.100 USD tài sản tài chính nước ngoài, chưa đến một phần ba trong số đó được nắm giữ trong quỹ dự trữ ngoại hối. Malaysia cũng vậy, tài sản tài chính không phải là dự trữ ngoại hối hiện nhiều hơn tài sản dự trữ hai lần. Ngược lại, với nhóm thứ ba, gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan, dự trữ ngoại hối vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Tăng trưởng trong nắm giữ tài sản tài chính nước ngoài đi đôi với việc biến các nhà đầu tư tổ chức bảo thủ thành những người chơi lớn ở các phân khúc thị trường nhất định. Ví dụ điển hình là Ngân hàng Norinchukin, một hợp tác xã nông nghiệp có trụ sở tại Nhật Bản. Họ nắm giữ khoảng 4.900 tỷ yen (42 tỷ USD) CLO, loại chứng khoán được tạo thành từ một danh mục các khoản cho vay, hầu hết được định giá bằng USD. Trước khi việc mua vào chậm lại vào năm 2019, họ từng là người mua CLO lớn nhất ở Mỹ.
Các công ty bảo hiểm Đài Loan như Cathay và Fubon, đã trở thành các tổ chức có ảnh hưởng trên một số thị trường quốc tế. Tổng tài sản của họ đã tăng gần gấp ba trong thập kỷ qua và nhiều trong số đó nằm ở nước ngoài. Đến cuối năm 2020, gần 60% tài sản của họ bao gồm các khoản đầu tư nước ngoài, tăng so với mức 30% của năm 2010.
Dịch vụ Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc cũng đã tìm cách tiếp cận nhiều hơn tài sản ở nước ngoài, thông báo một loạt các dự án toàn cầu. Tài sản nước ngoài chiếm 37% quỹ hưu trí vào năm ngoái, gần gấp đôi tỷ trọng vào năm 2013. Công ty đặt mục tiêu tăng con số đó lên 50% vào năm 2024. Chiến lược của họ là theo đuổi lợi nhuận không chỉ ở nước ngoài mà còn ở các loại tài sản kém thanh khoản hơn, trước khi các khoản chi trả lợi ích của quỹ bắt đầu tăng vào đầu những năm 2040 và thặng dư doanh thu của quỹ chuyển sang thâm hụt.
Quỹ bảo trợ nhân viên của Malaysia (EPF), quản lý các khoản đầu tư lương hưu bắt buộc cho nhân viên khu vực tư nhân của đất nước, cung cấp một minh họa khác về phạm vi tiếp cận tài sản nước ngoài của các tổ chức châu Á.
Năm ngoái, công ty đã ra mắt một quỹ đầu tư tư nhân, với BlackRock, HarbourVest Partners và Partners Group, mỗi bên quản lý một phần ba trong số 600 triệu USD được phân bổ. Tài sản nước ngoài của EPF cũng đã tăng từ 29% tổng tài sản vào giữa năm 2017 lên 37% vào giữa năm 2021.
Kết quả của tất cả hoạt động này là các nhà đầu tư tổ chức châu Á đã trở thành những người mua khổng lồ trên một số thị trường nhất định. "Quy mô của họ không tương xứng ở Australia", Martin Whetton, Giám đốc điều hành Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, bình luận.
Theo ông Whetton, Australia là nơi có tài sản nước ngoài nhiều thứ ba đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản, và có xu hướng chiếm khoảng 10-15% danh mục đầu tư của họ. Ông chỉ ra rằng các giao dịch mua tài sản bằng đôla Australia ở Bắc Á đủ lớn để thay đổi cơ sở hoán đổi tiền tệ chéo của quốc gia, tức các nhà giao dịch cao cấp trả tiền để tạm thời trao đổi tiền tệ.
Một số tổ chức đã hứa hẹn về các khoản thanh toán đảm bảo cho khách hàng. Nên khi lãi suất giảm xuống mức đáy, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm lợi tức trong các loại tài sản ít được đánh giá cao hơn hoặc kém thanh khoản hơn. Những người trong ngành lưu ý rằng các công ty bảo hiểm trong khu vực ngày càng chuyển sang vay nợ thị trường mới nổi và trái phiếu châu Á có lợi suất cao hơn. Các tài sản tư nhân, kém thanh khoản cũng trở nên phổ biến hơn.
Anish Butani, Giám đốc bfinance, một công ty tư vấn đầu tư, cho biết các nhà đầu tư châu Á từ lâu đã bị thu hút bởi vốn cổ phần tư nhân và bất động sản. "Chúng tôi thực sự đang chứng kiến sự gia tăng hoạt động trong cơ sở hạ tầng và nợ tư nhân", ông nói.
Đối với các nhà quan sát như BIS và IMF, tất cả những điều này cho thấy rủi ro tài chính lớn hơn so với khi châu Á chủ yếu nắm giữ nhiều tài sản dưới dạng dự trữ ngoại hối an toàn, có tính thanh khoản cao.
Các dòng tài chính xuyên biên giới có thể biến động, truyền căng thẳng từ nơi này sang nơi khác, và gây ra rủi ro cho cả người mua và thị trường mà họ tham gia. Tài sản tư nhân khó bán nhanh ở mức giá đáng tin cậy, có khả năng gây ra các vấn đề về thanh khoản nếu các nhà đầu tư cần rút ra. Các số liệu chính xác, mạch lạc về cơ cấu, mức độ rủi ro và tính thanh khoản của các tài sản nắm giữ vẫn khó có thể nắm bắt đầy đủ. Do đó, rất khó để đánh giá bức tranh tổng thể.
Phiên An (theo The Economist)