Hoạt động chứng khoán cần phải lành mạnh. Trong ảnh: một công ty chứng khoán ở TP.HCM - Ảnh: B.MAI
Dù cá nhân có thể thu hàng ngàn tỉ đồng từ việc giao dịch "trong tối", nhưng theo các nhà đầu tư, nếu so với hệ lụy có thể "phá nát" thị trường bằng việc hủy hoại niềm tin thì tiền phạt theo quy định chỉ như vài đồng bạc lẻ.
Nhà đầu tư bức bối
Tham gia một nhóm Zalo chuyên "phím" các cổ phiếu "họ FLC", anh H. (nhà đầu tư) cho biết mình đã "bủn rủn tay chân" khi mới buổi sáng còn cùng cả nhóm "đua lệnh" mua cổ phiếu FLC (CTCP Tập đoàn FLC) ở giá trần, nhưng ngay chiều lại bị giảm sàn, đến tối 10-1 bất ngờ hay tin chủ tịch Trịnh Văn Quyết "bán chui" cổ phiếu.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng đã bị "đánh úp", vì trên cổng thông tin của HoSE không xuất hiện thông tin đăng ký bán dù theo quy định, ông Quyết buộc phải gửi thông tin.
Khi tìm lên website, tối 10-1 nhiều nhà đầu tư mới thấy văn bản ông Quyết công bố thông tin đã ký trước đó (5-1). Tuy nhiên, sau đó nhà đầu tư lại phát hiện có thêm một văn bản mới được thay thế, thông báo ông Quyết dự kiến thực hiện giao dịch từ 14-1 đến 11-2.
Sáng 11-1, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) lập tức ra thông báo ông Trịnh Văn Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào hôm trước nhưng không báo cáo, không công bố thông tin. "Hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử phạt ông Trịnh Văn Quyết theo quy định", SSC cho biết.
Về sự việc này, chúng tôi đã liên hệ phía FLC nhưng chưa nhận được phản hồi.
Thu ngàn tỉ, không thể phạt "bạc lẻ"
Trên thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư không còn xa lạ với việc lãnh đạo doanh nghiệp đi "bán chui" cổ phiếu rồi thu về khoản tiền cả ngàn tỉ đồng nhưng bị xử phạt "bạc lẻ".
Hiện các tổ chức/cá nhân mua bán "chui" cổ phiếu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nghị định 128/2021 có hiệu lực từ 1-1-2022 quy định nếu giá trị giao dịch "chui" theo mệnh giá cổ phiếu (10.000 đồng/cổ phiếu) từ 50 triệu đến dưới 10 tỉ đồng thì bị phạt 5-250 triệu đồng.
Trường hợp giá trị giao dịch theo mệnh giá từ 10 tỉ đồng trở lên sẽ bị phạt 3-5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế.
Trong trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết, vào ngày 10-1 đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC, giả sử khớp với giá sàn 21.150 đồng/cổ phiếu (chưa kể trong phiên này có hơn 8.400 cổ phiếu được bán với giá trần 24.100 đồng), vị đại gia có thể thu về khoảng 1.580 tỉ đồng.
Tuy nhiên mức xử phạt chỉ tính theo mệnh giá cổ phiếu, tương đương 748 tỉ đồng cho 74,8 triệu cổ phiếu FLC bán. Áp khung 3-5%, ông Quyết chỉ bị phạt 22,4-37,4 tỉ đồng!
Nếu thêm mức xử phạt tối đa đối với hành vi mua bán "chui" là 3 tỉ đồng với tổ chức và 1,5 tỉ đồng đối với cá nhân, tổng "thiệt hại" mà ông Quyết có thể phải nhận quá chênh lệch so với cả ngàn tỉ đồng thu về. Tuy nhiên, có thể sẽ có biện pháp buộc khắc phục hậu quả.
Tối 11-1, xác nhận với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Sơn - chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) - cho biết sẽ phối hợp Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) và các đơn vị liên quan để thực hiện hủy giao dịch mua cổ phiếu FLC ngày 10-1 của các lệnh đối ứng với giao dịch bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết. Tối 11-1, HoSE cũng ra thông cáo xác nhận sẽ hủy bỏ giao dịch kể trên.
Các hành vi sai phạm trong chứng khoán cần được xử lý nghiêm để thị trường phát triển lành mạnh. Trong ảnh: tại một công ty chứng khoán ở TP.HCM - Ảnh: B.MAI
Ảnh hưởng tính minh bạch của thị trường
Đồng hành cùng thị trường chứng khoán gần hai thập kỷ, ông Nguyễn Thế Minh, giám đốc phân tích chiến lược Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định vì khối lượng giao dịch của FLC trong phiên 10 và 11-1 đều lớn (gần 290 triệu cổ phiếu khớp lệnh), nên trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến diễn biến giao dịch của thị trường chung.
Việc này còn ảnh hưởng đến tính minh bạch của doanh nghiệp nói riêng và thị trường. Nhiều năm nay thị trường chứng khoán Việt Nam đang trông chờ được nâng hạn từ cận biên lên mới nổi, trong khi tính minh bạch là một yếu tố quan trọng.
Ông Huỳnh Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đông Á - đặt câu hỏi về vấn đề ý thức khi một lãnh đạo của một doanh nghiệp lớn, hiểu luật, nhưng nhiều lần "bán chui" có lỗi bán cổ phiếu không thông báo.
Theo ông, việc lãnh đạo của một doanh nghiệp nào đó "bán chui" cổ phiếu sẽ khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ bị mất niềm tin, trở thành "một con sâu làm rầu nồi canh" trên thị trường, trong khi nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp niêm yết khác vẫn đang nỗ lực hết mình.
Ông Nguyễn Thế Minh cũng cảnh báo nhiều nhà đầu tư "liều mình" mua cổ phiếu của những doanh nghiệp làm ăn bết bát, có nơi báo cáo tài chính sau kiểm toán bị chuyển từ lãi sang lỗ...
Cổ phiếu đầu cơ có thể mang lại lợi nhuận nhanh chóng, nhưng cũng có khả năng khiến nhà đầu tư tán gia bại sản vì yếu tố rủi ro cao, tăng giá vì được "bơm thổi" chứ không phải vì nền tảng tài chính tốt.
Để tồn tại và kiếm lời lâu dài trên thị trường chứng khoán, ông Minh khuyến nghị nhà đầu tư cần lọc ra những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, người quản lý uy tín, doanh nghiệp công bố thông tin minh bạch, cần cẩn trọng trước những doanh nghiệp từng "dính chàm", tránh bị dẫn dụ bởi những thông tin thất thiệt.
Ông Trịnh Văn Quyết đang là tâm điểm được nhiều nhà đầu tư bình luận về hành động bán chui chứng khoán - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Mỹ: trả giá lớn nếu vi phạm
Ngày 10-1 (giờ Mỹ), Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Richard Clarida tuyên bố sẽ từ chức sớm.
Trước đó, Hãng tin Bloomberg đưa tin ông Clarida đã mua cổ phiếu từ một quỹ đầu tư vào tháng 2-2020, tức chỉ một thời gian ngắn trước khi FED tuyên bố sẽ triển khai một số biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. Báo Washington Post phát hiện ông Clarida không công bố toàn bộ các giao dịch của mình trong tháng 12-2021.
TS Hồ Quốc Tuấn (giảng viên Đại học Bristol, Anh) ví dụ vụ ông Elon Musk đăng trên Twitter vào năm 2018 rằng đã "được đảm bảo tài chính" để tư nhân hóa Công ty Tesla với giá 420 USD/cổ phiếu. Kết quả ông này bị phạt 20 triệu USD, mất chức chủ tịch HĐQT trong ít nhất ba năm.
Theo ông Tuấn, Luật chứng khoán Việt Nam về công bố thông tin đã tiệm cận nước ngoài, nhưng còn khác biệt về tiền phạt. Vốn hóa của các công ty niêm yết đã cao hơn, do đó mức phạt hành chính tối đa 3 tỉ đồng với tổ chức và 1,5 tỉ đồng với cá nhân là khá nhỏ so với những thiệt hại mà nhà đầu tư phải chịu.
NGUYÊN HẠNH - B.MAI
Hàng loạt vụ "bán chui"
- Cuối năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết từng bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) xử phạt vi phạm hành chính do bán chui 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo trước. Ước tính trong thương vụ này ông Quyết có thể đã thu về ít nhất 400 tỉ đồng, số tiền bị phạt chỉ 65 triệu đồng.
- Cũng 2017, CTCP xây dựng FLC Faros (ROS) do ông Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch HĐQT cũng bị SSC phạt với nguyên nhân đã bán chui hơn 13,69 triệu AMD (CTCP đầu tư và khoáng sản AMD Group). Thời điểm đó nếu ROS mua lại cổ phiếu AMD thì có thể thu được hơn 136 tỉ đồng, song mức phạt chỉ 130 triệu đồng.
- Ngày 18-11-2021, SSC phạt 80 triệu đồng đối với bà Nguyễn Hương Giang (người có liên quan của ông Đặng Tất Thắng - phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC) vì đã mua tổng cộng 140.000 cổ phiếu FLC trong tháng 1 và 2-2021, sau đó bán 140.000 cổ phiếu FLC trong tháng 3-2021 nhưng không công bố thông tin về dự kiến giao dịch.
- Ngày 4-10-2021, SSC phạt ông Nguyễn Quốc Huân - chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán TP.HCM - đã bán 40.000 cổ phiếu HCM trong hai tháng liền nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Theo quy định, mức phạt 20 triệu đồng trong khi theo thị giá thời điểm đó, ông thu về gần 1,3 tỉ đồng.
- Ngày 7-1-2022, SSC phạt 155 triệu đồng ông Nguyễn Xuân Thủy - em trai ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) - phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - vì mua 200.000 cổ phiếu ngân hàng này trong tháng 5-2021 nhưng không công bố thông tin. Thời điểm đó ông Thủy có thể đã bỏ ra hơn 3,8 tỉ đồng để sở hữu số cổ phiếu trên.
TTO - Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam sẽ phối hợp Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) và các đơn vị liên quan để hủy toàn bộ giao dịch mua cổ phiếu FLC liên quan đến giao dịch 'bán chui' của ông Trịnh Văn Quyết.
Xem thêm: mth.63480650021102202-gnourt-iht-ahp-ueihp-oc-iuhc-nab-nagn-iahp-teyuq-nav-hnirt-uv-ut/nv.ertiout