Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất thủy sản tại tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: GIANG SƠN ĐÔNG
Theo Bộ Lao động - thương binh và xã hội, số lao động có việc làm trong quý 3-2021 chỉ là 47,2 triệu người, giảm gần 2,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức "giảm sâu chưa từng thấy từ trước đến nay".
Để bảo đảm mục tiêu phòng chống dịch bệnh và tổ chức sản xuất, doanh nghiệp mất nhiều chi phí như xét nghiệm, tổ chức sắp xếp lại lao động, bố trí ăn ở và phương tiện vận chuyển người lao động theo phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến"…
Nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì lượng lao động dưới 50%. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản phải giảm số người lao động dưới 30%, trong khi vẫn phải bảo đảm tiến độ sản xuất cho các hợp đồng đã ký kết.
Do vậy nhiều doanh nghiệp và người lao động mong muốn được thỏa thuận tăng giờ làm thêm, không bị giới hạn ở một số ngành nghề, công việc nhất định để phục hồi sản xuất.
Điều 107 Bộ luật lao động quy định người sử dụng lao động được phép thỏa thuận với người lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng, đồng thời chỉ có một số ngành, nghề, công việc (như dệt may, da, giày, chế biến thủy hải sản…) được làm thêm từ 200 giờ đến 300 giờ/năm.
"Việc cho phép người sử dụng lao động áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong tháng là 72 giờ và được làm thêm không quá 300 giờ một năm trong khoảng thời gian nhất định là cần thiết", Bộ Lao động - thương binh và xã hội đề xuất.
Trong đề xuất, bộ lưu ý quy định giới hạn giờ làm thêm theo ngày, việc nghỉ ngơi trong giờ làm hoặc chuyển ca, tiền lương vẫn tuân thủ theo Bộ luật lao động.
Thời gian đề xuất áp dụng từ khi nghị quyết tăng giờ làm thêm có hiệu lực cho đến thời điểm nghị quyết 30 (ngày 28-7-2021) của Quốc hội về các biện pháp đặc biệt để chống dịch COVID-19 hết hiệu lực thi hành.
"Nếu không có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp phục hồi sẽ dễ dẫn đến nguy cơ làm chậm đà phát triển kinh tế, kém hấp dẫn trong thu hút đầu tư và có thể doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư sang nước khác có cơ chế, chính sách tốt hơn.
Việc làm thêm giờ như đề xuất sẽ góp phần hạn chế nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam như nông sản, thủy sản, hải sản..." - bộ nhận định.
Nhiều hiệp hội như Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam có đề nghị tăng giới hạn làm thêm giờ một năm từ 300 giờ lên 400 giờ.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến khích kéo dài thời gian làm thêm nhưng phải đảm bảo phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vì nếu người lao động tăng thu nhập mà ảnh hưởng sức khỏe thì không có ý nghĩa.
"Việt Nam tham gia ký kết các công ước quốc tế thì phải tuân thủ tiêu chuẩn lao động quốc tế nhưng có thể xem xét trong hoàn cảnh nhất định. Tuy vậy, tiền lương làm thêm của người lao động phải cao hơn, cao hơn rất nhiều so với mức lương tiêu chuẩn. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần chú trọng biện pháp tăng năng suất lao động hơn là tăng thời gian lao động" - ông Lợi nói.
TTO - Bộ Lao động, thương binh và xã hội vừa ban hành thông tư 18 quy định thời giờ làm việc, nghỉ ngơi với người lao động làm công việc sản xuất thời vụ, gia công theo đơn đặt hàng, trong đó tăng thời gian làm thêm.
Xem thêm: mth.36890521121102202-gnaht-oig-27-ad-iot-meht-mal-oig-nart-ion-taux-ed/nv.ertiout