vĐồng tin tức tài chính 365

Giải cứu nông sản ùn ứ tại cửa khẩu: Bộ Công Thương "đá" trách nhiệm, vai trò của hiệp hội, ngành hàng còn yếu

2022-01-12 13:53

Trước tình trạng hàng nghìn xe hàng hóa, nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, hàng trăm xe thanh long phải “quay đầu” tiêu thụ trong nước với giá “như đổ đi”, nhiều ý kiến không đồng tình với những giải pháp được cho là “cứng nhắc”, “không mới”, “không hiệu quả” của Bộ Công Thương. Đặc biệt, vai trò của hiệp hội, ngành hàng đang rất yếu...

"Đá bóng" trách nhiệm?

Nhiều ý kiến cho rằng: Bộ Công Thương chưa làm tốt vai trò quản lý và điều tiết thị trường, khơi thông dòng chảy thương mại trong thời gian qua, bởi tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới hầu như năm nào cũng lặp lại trên hầu hết các sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng trái cây như dưa hấu, thanh long...

Ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia kinh tế thương mại - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội - cho rằng, qua công văn của Bộ Công Thương gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và UBND một số tỉnh có thanh long cho thấy có mấy vấn đề sau: Thứ nhất, nói về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong chức năng, nhiệm vụ Bộ Công Thương, Điều 13 (Nghị định số 98/NĐ-C) năm 2017 nêu rõ: Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với bộ, ngành điều tiết lưu thông hàng hóa. Vậy mà trong văn bản của Bộ Công Thương nói Bộ NNPTNT phải phối hợp để triển khai kết nối cung cầu, đẩy mạnh thu mua tiêu thụ trong nước.

Như vậy, quả bóng trách nhiệm được “đá” sang Bộ NNPTNT và tỉnh có thanh long. Những nhiệm vụ thiết lập cơ sở hạ tầng thượng mại như logicstic, trung tâm giao dịch nông sản Bộ Công Thương đã không làm hàng chục năm nay dẫn tới ách tắc cửa khẩu lớn như tháng qua đang phải giải quyết hậu quả...

Chính vì vậy Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, trong đó có Bộ Công Thương trong việc này đã gây ách tắc, tổn thất lớn cho doanh nghiệp (DN) và bà con nông dân. Bộ Công Thương phải đi sâu vào chức năng của mình để làm, không “chuyển” trách nhiệm cho địa phương và Bộ NNPTNT như công văn “hỏa tốc” mà bộ đã gửi Bộ NNPTNT và UBND các tỉnh như đã nói ở trên”.

Trước tình trạng xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc luôn bấp bênh, năm nào cũng tắc cửa khẩu, ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, vai trò của hiệp hội, ngành hàng đang rất yếu, “xúc tiến chung chung”, không có địa chỉ cụ thể, không có kế hoạch giải tỏa hàng nghìn tấn nông sản đang bị tắc biên thời gian vừa qua. Ai bán, bán thế nào, bán với giá nào vẫn là vấn đề bỏ ngỏ. Sự bảo thủ quan liêu cứng nhắc trong hệ thống phân phối là không thể phủ nhận.

Với cái nhìn bớt khắt khe hơn, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam - cho rằng: “Bộ Công Thương lâu nay chỉ làm công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường, các Hiệp định Thương mại tự do mới, không rành về sản xuất nông nghiệp… nên cũng thông cảm nếu có sai sót”.

Doanh nhân Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nêu quan điểm: “Cũng không nên quy toàn bộ trách nhiệm cho Bộ Công Thương, bởi “đây là chiến lược, giải pháp căn cơ lâu dài của ngành nông nghiệp Việt Nam về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ theo hướng bền vững... Nếu không làm điều này thì nông sản Việt Nam bán đi Trung Quốc mãi mãi lép vế, thậm chí phải đổ bỏ dài dài”...

Bộ Công Thương đã gửi thư, hội đàm trực tuyến với Trung Quốc

Theo Phó Cục trưởng Cục  Xuất Nhập khẩu (XNK) - Bộ Công Thương Nguyễn Quốc Toản, trước tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, ngay sau đó, ngày 29.12.2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã lần thứ hai gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam; ngày 30.12.2021 gặp trực tiếp Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để tiếp tục trao đổi và đề nghị Trung Quốc thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về mở rộng thương mại và duy trì chuỗi cung ứng, đồng thời đề xuất phía Trung Quốc và các địa phương biên giới Việt Nam cùng trao đổi, thống nhất quy trình thông quan vừa bảo đảm phòng dịch an toàn, vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt tại cửa khẩu.

Bộ Công Thương cũng đã tổ chức Hội đàm trực tuyến với Sở Thương mại Quảng Tây vào ngày 31.12.2021; tổ chức kỳ họp lần thứ nhất nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt - Trung giữa Bộ Công Thương Việt Nam, các Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn với Bộ Thương mại Trung Quốc và Sở Thương mại Quảng Tây, Vân Nam theo hình thức trực tuyến vào ngày 6.1.2022 để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc tại khu vực cửa khẩu.

Đồng thời, bộ đã tổ chức đoàn công tác đi làm việc trực tiếp tại Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai. Phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ TP.Hồ Chí Minh/Đà Nẵng/Hải Phòng tổ chức kết nối các hãng tàu, doanh nghiệp logistics và DN XK nông sản/trái cây nhằm thúc đẩy XK nông sản qua đường biển.

Làm việc, trao đổi với các DN kinh doanh vận tải đường sắt (Ratraco, Haraco v.v...) và các DN logistics, DN xuất khẩu nông sản/trái cây để khuyến khích sử dụng hình thức vận chuyển đường sắt, đặc biệt với các lô hàng mang tính thời vụ cao; ban hành nhiều chỉ thị về đẩy mạnh tiêu thụ trái cây, nông sản, đặc biệt là văn bản phối hợp với Bộ NNPTNT và UBND các tỉnh để cùng tháo gỡ khó khăn.

Kết quả đạt được là, phía Trung Quốc đã thể hiện thiện chí phối hợp để xử lý tình trạng ùn tắc hàng hóa tại hai bên biên giới. Tỉnh Quảng Tây đã tiến hành đánh giá tình hình thực tế công tác phòng chống dịch tại từng cửa khẩu để khôi phục hoạt động thông quan tại một số cửa khẩu.

Hiện nay, trên tuyến biên giới phía Bắc đã có 10 cửa khẩu, lối mở hoạt động. Trong đó, cửa khẩu quốc tế đang hoạt động là 4/7 cửa khẩu (Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Ga quốc tế đường sắt Đồng Đăng (Lạng Sơn); Ga quốc tế đường sắt Lào Cai, cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai); cửa khẩu chính đang hoạt động là 04/06 cửa khẩu (Chi Ma (Lạng Sơn), Tà Lùng (Cao Bằng), Trà Lĩnh  (Cao Bằng), Sóc Giang (Cao Bằng); cửa khẩu phụ đang hoạt động là 2/21 (cửa khẩu Bắc Phong Sinh  và Hoành Mô (Quảng Ninh); các lối mở/điểm thông quan vẫn đang tạm thời đóng.

“Tính đến sáng 10.1.2022, tổng số lượng xe còn tồn tại các cửa khẩu là 3.383 xe, giảm 2.376 xe so với ngày 25.12.2021, trong đó tại tỉnh Lạng Sơn còn tồn 1.818 xe (giảm 2.386 xe), tại tỉnh Quảng Ninh còn tồn 1.235 xe (giảm 320 xe)” - ông Nguyễn Quốc Toản thông tin.

Còn về vấn đề thiếu container lạnh để XK qua đường biển sang Trung Quốc, ông Toản cho rằng, vấn đề thuộc Bộ Giao thông Vận tải.

“Hiện Cục XNK đang nỗ lực phối hợp để triển khai” - ông Nguyễn Quốc Toản nói.

* Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam: Do chính sách “Zero COVID” nên sau Tết, tình hình thị trường Trung Quốc vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro: Thông quan chậm cả đường biển lẫn đường bộ, thiếu container lạnh rỗng… nên doanh nghiệp và nông dân nên giảm bớt sản lượng trồng trái vụ, chỉ duy trì khoảng 30-40% công suất sản xuất, tăng cường chế biến cho thị trường Trung Quốc, tránh áp lực tiêu thụ quá lớn cho ngành XK tươi như hiện nay vì giá giảm sâu sẽ lỗ nhiều. Khi nào Trung Quốc thay đổi chính sách “Zero COVID” may ra XK khả quan hơn.

* Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương): Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ chính thức cho phép nhập khẩu 9 loại trái cây của Việt Nam, đó là: Xoài, mít, thanh long, chuối, chôm chôm, vải, nhãn, dưa hấu, măng cụt. Nói cách khác, chỉ 9 loại trái cây trên mới được nhập khẩu chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Còn những loại không có tên ở trên, trong đó có những loại mà Việt Nam rất dồi dào, như sầu riêng, vú sữa, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa, khoai lang... buộc phải đi đường tiểu ngạch, qua các cửa khẩu phụ.

* Được biết, hiện nay Trung Quốc đã dừng nhập khẩu thanh long, trong khi từ nay đến hết tháng 3.2022 có khoảng trên 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.

* Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam lo lắng chia sẻ: “Nhiều DN muốn chuyển qua đường biển nhưng không có container lạnh. Có DN tìm được nhưng phải trả với giá rất cao nên không dám đi. Cũng có một số DN trồng thanh long dám đi vì sản phẩm do họ trồng, nhưng DN cũng rất mù mờ không biết tới cảng Trung Quốc có kịp hạ bãi không vì sẽ kẹt cầu cảng. Hơn nữa, nếu cảng Trung Quốc cho nhân viên nghỉ Tết sớm là “mệt”, chờ qua Tết hàng sẽ hư hết, chưa kể còn phải qua khâu kiểm COVID-19 tương tự như hàng đi đường bộ rất mất thời gian. Nói chung là “năm ăn năm thua”. Tình hình chung là các DN hiện nay đang rất khó khăn, vì bán nội địa là lỗ thê thảm”. L.V

Xem thêm: odl.841499-uey-noc-gnah-hnagn-ioh-peih-auc-ort-iav-meihn-hcart-ad-gnouht-gnoc-ob-uahk-auc-iat-u-nu-nas-gnon-uuc-iaig/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Giải cứu nông sản ùn ứ tại cửa khẩu: Bộ Công Thương "đá" trách nhiệm, vai trò của hiệp hội, ngành hàng còn yếu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools