Như hầu hết các nước, Trung Quốc đã chứng kiến giá cả tăng mạnh trong gần như cả năm ngoái, do chi phí năng lượng tăng, gây sức ép lên nền kinh tế đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản vốn là động lực tăng trưởng.
Lạm phát giá của nhà sản xuất đã chịu tác động lớn, chạm mức cao nhất 26 năm vào tháng 10/2021 và gây quan ngại về những ảnh hưởng đối với kinh tế toàn cầu, do Trung Quốc đóng vai trò quan trọng khi là nước xuất khẩu.
Tuy nhiên, số liệu mới cho thấy giá của nhà sản xuất tăng 10,3% trong tháng 12, thấp hơn so với dự kiến, tiếp tục đà tăng chậm lại từ tháng 11. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số chủ chốt về lạm phát giá bán lẻ, tăng 1,5%, so với mức tăng 2,3% trong tháng 11 và cũng thấp hơn dự báo.
Nhà phân tích Bruce Pang tại China Renaissance Securities Hong Kong cho rằng khả năng cao là lãi suất sẽ hạ trong quý I và sớm nhất là trong tháng này. CPI sẽ không còn là mối lo ngại trong năm 2022 và CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, sẽ ở mức dưới 1,5%.
Nhà phân tích And Sheana Yue tại Capital Economics cho rằng các xu hướng hiện nay cho thấy những lo ngại về lạm phát sẽ không cản trở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) trong việc thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ như hạ lãi suất.
Lạm phát tăng mạnh đã khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc gặp khó khăn trong việc giữ giá cả trong tầm kiểm soát trong lúc phải phục hồi nền kinh tế khi thị trường bất động sản xuống dốc và các đợt phong tỏa mới được thực hiện nhằm kiểm soát dịch.