Sở VH-TT&DL tỉnh Hậu Giang vừa ban hành Kế hoạch phối hợp khai thác tàu nhà hàng trên tuyến kênh xáng Xà No (đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang).
Theo đó, dự kiến ngày 20-1, Hậu Giang sẽ đưa vào hoạt động tàu nhà hàng trên tuyến kênh xáng Xà No. Theo Kế hoạch tàu sẽ phục vụ tiệc chiêu đãi, hội nghị, tiệc cưới, ăn sáng, ăn trưa và ăn tối… Ngoài ra, trên tàu còn phục vụ các tiết mục văn nghệ như hát với nhau, đờn ca tài tử, tùy vào điều kiện cụ thể để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Tàu có hành trình dự kiến khoảng 1,5 giờ/chuyến, xuất phát từ bến tạm (bến tàu khách sạn Bông Sen), di tích Chiến thắng Chương Thiện, cầu Xà No - trụ sở Tỉnh ủy, cầu 30-4, chợ Vị Thanh, di tích chiến thắng Vàm Cái Sình tàu và quay về bến.
Theo dự kiến, Hậu Giang sẽ đưa tàu nhà hàng hoạt động vào ngày 20-1 tới. Ảnh: AP
Trong Kế hoạch, Sở VH-TT&DL tỉnh Hậu Giang đề nghị Sở GTVT tỉnh này phối hợp, hỗ trợ thực hiện thủ tục cấp phép hoạt động lĩnh vực đường thủy nội địa, cấp biển hiệu phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch. Cạnh đó, phối hợp, hỗ trợ cắm biển báo, hướng dẫn bến đỗ, các điều kiện liên quan đến an toàn giao thông đường thủy theo quy định.
Theo tìm hiểu của PV PLO, kênh xáng Xà No là tuyến đường thủy nội địa quốc gia, do Chi cục đường thủy nội địa phía Nam (Cục đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ GTVT) quản lý. Do đó, trước khi Sở GTVT địa phương cấp phép cho phương tiện hoạt động trên tuyến hoặc công bố, cấp phép bến thủy nội địa phải xin ý kiến Chi cục bằng văn bản.
Trưa 12-1, trao đổi với PV, ông Phan Văn Duy, Chi cục trưởng Chi cục đường thủy nội địa phía Nam (Cục đường thủy nội địa Việt Nam) cho biết chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về việc Hậu Giang sắp có phương tiện tàu nhà hàng hoạt động trên tuyến này.
Lý giải vấn đề này, ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang cho hay: “Các bộ phận của Sở đang hướng dẫn thủ tục để cấp phép hoạt động cho tàu. Chủ trương của tỉnh chỉ cấp tạm cho sáu tháng, do vậy theo quy định chúng tôi không cần xin ý kiến của Cục đường thủy nội địa. Còn đối với việc cấp bãi chính thức để xây dựng hoạt động thì đã xin ý kiến Cục rồi”.
Ông Phan Văn Duy, Chi cục trưởng Chi cục đường thủy nội địa phía Nam, nhấn mạnh: “Thông tư hướng dẫn thì không nói đến việc cấp tạm hay không cấp tạm, vấn đề là khi mở cảng, mở bến thì phải xin ý kiến cơ quan quản lý luồng. Thông tư hướng dẫn và Nghị định 08 ban hành ngày 28-1-2021 quy định rõ như thế, nếu không xin ý kiến thì cơ quan cấp phép tự chịu trách nhiệm.
Hoạt động trên luồng của Chi cục quản lý thì phải xin phép chứ, nếu cấp phép tạm mà trong quá trình hoạt động có xảy ra va chạm, phá nước tàu, hành khách quá tải... thì đơn vị nào cấp phép sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Cùng ngày, PV đã liên hệ với ông Lê Công Khanh, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hậu Giang (cơ quan được giao chủ trì, phối hợp đưa tàu nhà hàng vào hoạt động) để tìm hiểu thêm về thủ tục cấp phép cũng như quy mô của tàu. Tuy nhiên ông Khanh đề nghị PV liên hệ với cấp phó của mình, nhưng vị Phó Giám đốc cũng không nghe máy.