Bốn NHTM Nhà nước Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank vừa công bố hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh năm 2021.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, tuy nhiên, Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, mỗi ngân hàng vẫn trích hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Nếu tính tổng số tiền giảm lãi suất trong năm qua của 4 NHTM Nhà nước đã lên tới trên 28.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh áp lực nợ xấu gia tăng do dịch bệnh, để đảm bảo an toàn cho hệ thống, các ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Thậm chí có những khoản nợ xấu chưa đến mức xấu ngân hàng vẫn dùng nguồn lực của mình trích lập dự phòng đủ cho khoản nợ tái cơ cấu. Chẳng hạn, Vietcombank tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng 424%; VietinBank cũng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 171% cao hơn 150% của năm 2020…
Nhằm nâng cao năng lực tài chính cho các NHTM nhà nước, năm 2021, Chính phủ và NHNN đã phê duyệt cho VietinBank được tăng vốn thêm 10.824 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại của các năm 2017 - 2019. BIDV cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 40.220 tỷ đồng lên hơn 50.585 tỷ đồng bằng phương thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020. Vietcombank cũng được tăng thêm 10.327 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu từ phần lợi nhuận năm 2019. Agribank cũng được cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ.
Để có nguồn lực giảm lãi suất, phí, gia hạn nợ hỗ trợ doanh nghiệp, hệ thống TCTD nói chung đã rất nỗ lực tái cơ cấu mô hình hoạt động thích ứng với tình hình dịch bệnh. Các NHTM đã thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động thông qua thu gọn mạng lưới truyền thống, mở rộng phân phối dịch vụ ngân hàng trực tuyến (online). Thực tế cho thấy việc mở rộng kênh ngân hàng số không chỉ giảm chi phí hoạt động mà còn giúp ngân hàng tăng tỷ lệ nguồn vốn không kỳ hạn (CASA), qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Trong đó có thể kể đến những ngân hàng thu hút CASA hiệu quả như Techcombank đứng đầu trong tỷ lệ CASA hơn 49%, Vietcombank hơn 30%, VietinBank hơn 20%...
Bên cạnh đó, để đa dạng hóa nguồn thu trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh, các ngân hàng đã đẩy mạnh các dịch vụ phi tín dụng. Theo đó, hầu hết các ngân hàng lớn đều hợp tác với các hãng bảo hiểm lớn. Ngoài ra, các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trong nước và quốc tế, kiều hối, dòng tiền chờ mua bán trên thị trường chứng khoán… cũng mang lại nguồn thu khá tốt, giúp các ngân hàng có thêm nguồn tài chính để thực hiện các chương trình hỗ trợ khách hàng ứng phó với đại dịch Covid-19.
Có thể thấy, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng các ngân hàng vẫn nỗ lực duy trì được hoạt động kinh doanh hiệu quả, tạo nền tảng tài chính vững chắc để hỗ trợ doanh nghiệp. Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, hệ thống “ngân hàng khỏe” mới đủ sức hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trước các cú sốc của khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, thiên tai...
Tuy nhiên theo các chuyên gia, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra. Trong khi thời gian qua các ngân hàng vẫn tận lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch bằng chính nguồn tài chính của mình. Hiện dư địa hỗ trợ của các ngân hàng gần như đã cạn kiệt, nhất là khi các ngân hàng đang phải đối mặt với rủi ro nợ xấu tăng cao. Bên cạnh đó áp lực lạm phát năm nay cũng được dự báo sẽ lớn hơn rất nhiều, khiến cho việc duy trì ổn định mặt bằng lãi suất như hiện tại đã là một nhiệm vụ khó khăn, chứ chưa nói gì tới việc giảm lãi suất.
Trong khi ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, sức khỏe của các ngân hàng là yếu tố vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế. Bởi vậy theo các chuyên gia, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong giai đoạn hiện nay, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tài khóa./.
Xem thêm: lmth.08490000042210202-peihgn-hnaod-coud-ort-oh-iom-eohk-gnah-nagn/nv.semitaer