Có phân tích cho rằng, nếu Trung Quốc không thể kiểm soát được biến thể có khả năng lây lan với tốc độ nhanh này, các nhà sản xuất và vận chuyển sẽ phải chuẩn bị tốt cho tình trạng gián đoạn nguồn cung tại quốc gia là trung tâm của ngành sản xuất toàn cầu này.
Theo Bloomberg, trong năm 2020 và 2021, chiến lược "Zero COVID" của Trung Quốc đồng nghĩa với việc các nhà máy có thể duy trì mở cửa để sản xuất các loại hàng hóa, từ thiết bị y tế cho đến máy tính xách tay, trong suốt thời gian dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu lớn của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 10/2021 đến nay, mỗi ngày Trung Quốc đều ghi nhận các ca lây nhiễm ở trong nước, hơn nữa có thể cần đến các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn để kiềm chế sự lây lan của biến thể Omicron, với việc nhiều thành phố phải phong tỏa hơn, điều chắc chắn sẽ gây nên phản ứng dây chuyền đối với các bến cảng và nhà máy.
Tính đến nay, Trung Quốc vẫn chưa đối diện với những vấn đề như ở các nước khác như tình trạng thiếu thực phẩm ở Australia (Ô-xtrây-li-a) và Nhật Bản, hoặc Mỹ ước tính có khoảng 5 triệu lao động xin ở nhà do dịch vào tuần trước.
Tuy nhiên, cùng với việc Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Thế vận hội Mùa Đông vào tháng tới và một loạt sự kiện chính trị quan trọng diễn ra vào cuối năm nay nên không thể từ bỏ chính sách "Zero COVID", các nhà hoạch định chính sách cần phải quyết định tăng cường bao nhiêu biện pháp hạn chế, đồng thời nhận định điều này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu vốn đã tăng trưởng chậm lại.
Theo Thomas O'Connor, chuyên gia về chuỗi cung ứng của Gartner ở Sydney, Trung Quốc trên thực tế vẫn là trung tâm của ngành sản xuất toàn cầu. Nếu Trung Quốc xuất hiện tình trạng ngừng hoạt động sản xuất hoặc có vấn đề về logistics nghiêm trọng do thách thức liên quan đến dịch bệnh sẽ tác động rất lớn đối với môi trường kinh tế toàn cầu.
Trong những tuần gần đây, nhiều nơi ở Trung Quốc đã xuất hiện các ca nhiễm lẻ tẻ của biến thể Delta và Omicron, khiến cho nhà máy sản xuất quần áo ở gần một trong những cảng lớn nhất của Trung Quốc là Ninh Ba phải đóng cửa, ở Tây An đang bị phong tỏa, hoạt động sản xuất chip cũng bị ảnh hưởng, và ngày 11/1 cũng có thành phố thứ hai bị phong tỏa.
Bên cạnh đó, còn có các thành phố khác cũng đối diện với một số hạn chế. Ngày 11/1, chính quyền Thâm Quyến thắt chặt hạn chế đối với phương tiện vào thành phố này. Giới bên ngoài quan ngại tốc độ hàng hóa vào ra của cảng Diêm Điền, một trong những cảng container lớn nhất ở châu Á gần đó có thể chậm lại, sau khi phải đóng cửa cục bộ trong một tháng vào năm ngoái sau khi dịch bệnh bùng phát.