Bé HN (10 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) mới đây được phát hiện vừa mắc bệnh đái tháo đường vừa nhiễm COVID-19. Chị Nguyễn Thị Hồng T (mẹ bé) chia sẻ vào ngày 26-12-2021, chị đưa con tiêm phòng vaccine cúm và quai bị. Hôm sau, bé sốt nên chị nghĩ đó là tác dụng phụ của vaccine.
Bệnh chồng bệnh
Tuy nhiên, bé ngày càng mệt và nửa đêm liên tục đòi uống nước. Đến sáng 28-12-2021, bé mệt lả nên chị đưa con vào BV Nhi đồng 1 khám. Tại đây, các bác sĩ (BS) cho biết xét nghiệm đường huyết của bé cao cho thấy mắc bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, kết quả test COVID-19 của bé dương tính. Chị T cũng được phát hiện dương tính sau đó. “Tôi thấy thể trạng bé bình thường, dòng họ không ai bị đái tháo đường cả. Bình thường tôi chăm bé rất kỹ, không cho uống nước ngọt nhiều, không hiểu sao bé lại bị bệnh này” - chị T thắc mắc.
Bé N đang được điều trị tích cực biến chứng đái tháo đường và bệnh cảnh COVID-19 tại Khoa COVID-19 BV Nhi đồng 1. Ảnh: HL
Do bé N dương tính nên được chuyển vào Khoa COVID-19 điều trị. Theo các BS, bé vừa mắc COVID-19 vừa có bệnh nền chưa được kiểm soát ổn định nên bệnh diễn tiến nặng. Bé gặp biến chứng nhiễm toan ceton, rối loạn điện giải dẫn đến hôn mê, suy hô hấp nặng. Bé đang được tích cực điều trị, lọc máu.
Trường hợp khác là bé trai VBA (30 tháng tuổi), nhập viện ngày 22-12-2021 với tình trạng suy dinh dưỡng nặng khi chỉ nặng 6,5 kg. Mẹ bé là chị VTCH cho biết trước khi nhập viện một tháng, bé không chịu ăn uống. Nhận thấy con quá ốm, chị đưa con từ TP Cần Thơ lên BV Nhi đồng 1 thăm khám thì phát hiện thêm con bị nhiễm COVID-19. “Bé vốn có thể trạng ốm yếu do sinh non. Thường ngày tôi đi làm công nhân đầu tắt mặt tối, bé ở nhà với ba, ba cũng chỉ cho uống sữa chứ không ép ăn uống nên ra nông nỗi vậy” - chị H kể.
Tại BV Nhi đồng 1, bé A không chịu ăn nên các BS phải đặt sonde nuôi ăn qua dạ dày nâng đỡ thể trạng cho bé. Do mắc COVID-19 nên kết quả xét nghiệm còn cho thấy bé bị nhiễm trùng máu và nhiễm trùng đường tiểu. Hiện bé đã tăng 2 kg, tự ăn uống được, sức khỏe ổn định nên đã xuất viện.
Ngoài ra, vừa qua Khoa COVID-19 BV Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận bệnh nhi NMT (quận 12, TP.HCM) nhập viện với bệnh cảnh sốt xuất huyết (SXH) trên nền bệnh béo phì, test nhanh dương tính. Bé T được đưa đến BV khi sốt ở ngày thứ sáu và trong tình trạng sốc nặng, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, tiểu cầu giảm nặng. Các BS chẩn đoán bé bị SXH Dengue nặng kèm bệnh nền béo phì và COVID-19. Bé được điều trị bằng truyền dung dịch điện giải và phân tử tốc độ cao, hỗ trợ hô hấp… May mắn là bé đã hồi phục và được xuất viện sau 10 ngày điều trị.
Hơn 50 bệnh nhi đang được điều trị tại Khoa COVID-19 BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), trong đó nhiều trẻ mắc bệnh lý nền và các bệnh lý khác. Đặc biệt, một số trẻ tình cờ được phát hiện bệnh lý khác cùng với thời điểm mắc COVID-19, do đó bệnh diễn tiến nặng. |
Sớm để ý dấu hiệu bất thường của trẻ
PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Phó Trưởng Khoa hồi sức tích cực chống độc kiêm Trưởng Khoa COVID-19 BV Nhi đồng 1, cho biết hơn 80% trẻ mắc COVID-19 nhẹ. Tuy nhiên, trẻ nhiễm COVID-19 mà có mắc thêm các bệnh nặng khác sẽ khiến việc điều trị trở nên khó khăn và diễn tiến bệnh nặng hơn. Do đó, trẻ cần nhập viện để được điều trị kịp thời.
BS Nguyên khuyến cáo các trẻ có bệnh nền cần điều trị ổn định, tuân theo hướng dẫn của BS, không tự ý bỏ thuốc. Khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi thăm khám sớm. Nếu trẻ có những bệnh lý khác hoặc bệnh lý nền như cơ địa suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh động kinh, đái tháo đường, bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản, tim bẩm sinh, thận hư… thì khi nhiễm COVID-19 cần phải được theo dõi chặt hơn.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu như sốt cao không giảm sau ba ngày, li bì, co giật, nôn ói, khó thở, không ăn uống được, đau tức ngực, thở gắng sức… cần đưa trẻ đi khám sớm. Đối với trẻ mắc đái tháo đường, có thể có các triệu chứng gọi là “bốn nhiều” như ăn nhiều, khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều hoặc các biểu hiện ăn kém, sụt cân, mệt mỏi, suy kiệt, nôn ói, đau bụng, mất nước, rối loạn tri giác; suy giảm sức đề kháng cơ thể như bị nhọt da, viêm ngứa bộ phận sinh dục, viêm quanh nướu răng…
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, trẻ đến trường nhiều hơn, phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường vận động, cho trẻ ngủ đủ giấc và tiêm vaccine để tăng cường sức đề kháng, chống lại các bệnh khác và bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng, mở cửa sổ vào ban ngày để đón nắng ấm cho trẻ…
Sốt do mắc COVID-19 và sốt xuất huyết rất khó phân biệt Triệu chứng sốt do mắc COVID-19 và SXH rất khó phân biệt dẫn đến chẩn đoán có thể khó khăn và chậm trễ, cũng như ngày SXH khó nhận biết chính xác. Suy hô hấp rất hay gặp trong SXH nặng và cũng có thể xảy ra trong COVID-19, điều trị có thể khác nhau và cần chẩn đoán kịp thời để có điều trị thích hợp. Cạnh đó, tăng đông là một trong những đặc trưng của COVID-19, cần được điều trị bằng thuốc kháng đông. Tuy nhiên, SXH lại thường gây ra rối loạn đông máu và giảm tiểu cầu, đặc biệt những ca nặng. Do đó, việc điều trị kháng đông trong những trường hợp này cần phải cân nhắc hết sức cẩn thận. Cần lưu ý là béo phì làm cho cả SXH hay COVID-19 càng nặng và điều trị khó khăn hơn. PGS-TS-BS PHÙNG NGUYỄN THẾ NGUYÊN, Phó Trưởng Khoa hồi sức tích cực chống độc kiêm Trưởng Khoa COVID-19 BV Nhi đồng 1 |