Tàu sân bay USS Carl Vinson - Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Tổ chức "Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông" (SCSPI), một tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc, cho biết hai nhóm tàu chiến Mỹ tiến vào Biển Đông tối 11-1 từ hai hướng khác nhau.
Hải quân Mỹ vẫn chưa công bố kế hoạch của hai nhóm tàu trên nhưng theo báo South China Morning Post, các tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ của Mỹ sẽ hội quân và có các hoạt động chung trong thời gian trên Biển Đông.
Dựa trên tín hiệu AIS và các thông tin tình báo mở (ONI), SCSPI cho biết nhóm tàu USS Essex gồm tàu đổ bộ 40.000 tấn cùng tên, các tàu đổ bộ USS Portland và USS Pearl Habor. Nhóm này được hai tàu khu trục USS O'Kane và USS Michael Murphy hộ tống tiến vào Biển Đông qua eo biển Malacca.
Tàu sân bay USS Carl Vinson thì tiến vào Biển Đông từ phía đông sau thời gian hoạt động trên biển Philippines.
Hình ảnh được Hải quân Mỹ công bố ngày 12-1 cho thấy sau khi vào khu vực, tàu sân bay Mỹ đã tiến hành một số hoạt động vào ban ngày và ban đêm.
Nếu hai nhóm tàu này gặp nhau, đây sẽ là lần Mỹ tập trung nhiều tàu đổ bộ nhất tại Biển Đông trong vài năm trở lại đây.
Động thái diễn ra không lâu sau khi tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc tiến xuống Biển Đông "diễn tập định hướng chiến đấu thực tế" vào cuối tháng 12 năm ngoái.
Cùng thời gian này, tàu sân bay Liêu Ninh cũng băng qua eo biển nằm giữa các đảo do Nhật kiểm soát để tiến ra tây Thái Bình Dương. Hình ảnh do phía Trung Quốc công bố cho thấy tàu sân bay trực thăng JS Izumo của Nhật xuất hiện gần nhóm tàu Liêu Ninh như đang giám sát.
Hồi tháng 7-2020 và tháng 2-2021, hai nhóm tàu sân bay Mỹ đã hội quân và phô diễn sức mạnh trên Biển Đông vào thời điểm căng thẳng dâng cao vì các hoạt động tập trận của Trung Quốc.
USS Carl Vinson không xa lạ với Biển Đông và đã từng nhiều lần đi vào khu vực, bao gồm lần tập trận chống tàu ngầm chung với tàu sân bay trực thăng JS Kaga của Nhật vào tháng 11 năm ngoái.
Theo SCMP, chỉ còn 3 tuần nữa là tới Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh và Tết Nguyên đán nên Trung Quốc dường như đang hy vọng sẽ không có căng thẳng quân sự tại khu vực Biển Đông.
Bắc Kinh luôn đổ lỗi cho những căng thẳng ở khu vực là do các nước bên ngoài như Mỹ đưa tàu chiến đến.
Đáp trả luận điệu này, Washington và nhiều nước tuyên bố đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông là vấn đề quan trọng, nằm trong lợi ích của các nước vì đây là nơi tập trung nhiều tuyến giao thương quốc tế.
TTO - Tờ Yomiuri của Nhật Bản tiết lộ tàu chiến của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) đã hai lần đi vào vùng nước gần các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Xem thêm: mth.38114631131102202-gnod-neib-oav-neit-gnuc-ym-auc-ob-od-gnoc-nat-uat-av-yab-nas-uat/nv.ertiout