Xe trái cây lạnh làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành - Ảnh: P.THẢO
Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết tại diễn đàn thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả do bộ tổ chức sáng 13-1.
Theo ông Nam, đây là một tin vui đối với người dân, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long và trái cây Việt Nam sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Nam lưu ý các doanh nghiệp, cơ sở xuất khẩu phải thường xuyên liên hệ các đơn vị chức năng địa phương ở các cửa khẩu để nắm bắt kịp thời thông tin, tình hình, điều tiết xe lên cửa khẩu xuất đi Trung Quốc một cách hợp lý, nếu không sẽ xảy ra tình trạng ùn ứ bởi sắp tới cửa khẩu ở Trung Quốc cũng sẽ nghỉ Tết Nguyên đán.
Về diễn đàn hôm nay, ông Nam cho hay thời gian qua, hầu hết các đơn vị chỉ tập trung xuất khẩu trái cây tươi, chưa tập trung nhiều vào việc đưa các sản phẩm này vào nhà máy chế biến để mở rộng kênh tiêu thụ và nâng cao giá trị.
Bộ Nông nghiệp đã ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Năm 2021, bộ triển khai thí điểm xây dựng ở 11 tỉnh các vùng nguyên liệu trái cây, cà phê, gỗ, thủy sản… để làm căn cứ nhân rộng ra cả nước trong thời gian tới theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu lớn phục vụ chế biến.
Thực tế, hiện nay các nhà máy chế biến rất cần và thiếu nguyên liệu, các nhà máy cần cơ chế xây dựng chuỗi cung ứng thường xuyên, liên tục, lâu dài với hợp tác xã, người sản xuất để đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến.
Để làm được điều này, ông Nam cho rằng cần phải chuyển biến về mặt tư duy nhận thức trong chế biến các mặt hàng nông lâm sản chứ không chỉ tập trung vào xuất khẩu thô.
Ông Nguyễn Quốc Toản, cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho biết năng lực sản xuất rau quả hằng năm của Việt Nam là 28 triệu tấn, trình độ công nghệ chế biến ở mức trung bình tiên tiến, năng lực sơ chế khoảng 30%.
"Hiện cả nước có 237 cơ sở chế biến rau quả, đây là nơi 'hấp thụ' các khối lượng rau củ quả khi tới vụ cao điểm vào các nhà máy chế biến. Chúng ta đã triển khai nhiều nhưng mấu chốt làm sao đẩy mạnh nguyên vật liệu đầu vào cho chế biến phải đạt chuẩn. Đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là vấn đề cần phải quan tâm" - ông Toản nói.
Ông Toản cũng cho rằng tỉ lệ chế biến còn thấp, hiện mới chỉ 30%, nên cần phải đẩy cao hơn nữa bởi nhu cầu thực phẩm chế biến ở các thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc ngày càng cao.
Theo Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, từ chiều 12-1, cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành thông quan trở lại xe container lạnh.
Theo đó, phía Trung Quốc xét nghiệm COVID-19 trên thành, thùng, khoang lái và hàng hóa đảm bảo âm tính sẽ thông quan.
Sau khi hoạt động xuất khẩu này được nối lại, hàng hóa bảo ôn nói chung và đặc biệt là quả thanh long nói riêng sẽ tăng lượng xuất khẩu trong những ngày tới qua cửa khẩu Kim Thành.
Hiện các bên quản lý cửa khẩu liên quan đang nghiên cứu đề xuất, đàm phán giải pháp để tăng số lượng xuất khẩu nhiều nhất, giảm thời gian thông quan xuống thấp nhất, đáp ứng nhu cầu giải phóng hàng hóa trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
TTO - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định nông sản xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc không phải là hàng kém chất lượng. Tất cả đều phải kiểm dịch động thực vật, có truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng.