Nhóm FLC, cùng với bất động sản và các mã đầu cơ, tiếp tục bị bán tháo ồ ạt trong phiên hôm nay (13/1). Riêng với nhóm FLC, cùng với diễn biến giảm sàn diện rộng, thanh khoản các mã này cũng giảm đột ngột.
Tính trong một năm, thanh khoản trung bình mỗi phiên của FLC và ROS đều trên 20 triệu cổ phiếu, với KLF là 8,3 triệu, còn HAI và AMD giao dịch bình quân trên 5 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, trong phiên hôm nay, lực mua vào các mã này giảm đột ngột, trong khi khối lượng dư bán sàn cao đột biến.
Theo đó, kết thúc phiên, FLC khớp lệnh hơn 800.000 đơn vị, thanh khoản của ROS chỉ hơn 300.000 cổ phiếu, các mã khác như KLF, HAI, AMD cũng trong trạng thái tương tự. Trong khi đó, khối lượng cổ phiếu chất bán giá sàn của FLC lên tới hơn 59 triệu cổ phiếu, với ROS đạt gần 99 triệu đơn vị, trước đó mã này ghi nhận mức kỷ lục hơn 105 triệu cổ phiếu treo giá sàn. Các mã KLF, HAI, AMD cũng ghi nhận dư bán giá sàn trên 20 triệu đơn vị.
Theo các chuyên gia, khối lượng cổ phiếu bán sàn lên tới hàng chục triệu cổ phiếu, thậm chí hơn trăm triệu đơn vị, là dấu hiệu cho thấy "sự hoảng loạn của đám đông".
"Lực mua FLC gần đây chủ yếu là dòng tiền đầu cơ, với mục tiêu kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Một phần lý do khiến nhà đầu tư quyết định mạo hiểm là thanh khoản các mã này luôn ở mức cao, giúp họ tin rằng có thể thoát hàng khi thị trường đảo chiều", trưởng phòng tư vấn đầu tư một công ty chứng khoán tại Hà Nội bình luận. Nhưng những gì diễn ra phiên sáng nay đã cho thấy một thực tế trái ngược.
Thực tế này là khi cổ phiếu nhận thông tin tiêu cực, lực cầu giảm đột ngột, nỗ lực thoát hàng của số đông trở nên khó khăn. Với thanh khoản chỉ còn vài trăm nghìn cổ phiếu mỗi phiên, trong khi dư bán sàn gấp vài trăm lần, nhà đầu tư có lẽ phải trông chờ vào "may mắn" để có thể cắt lỗ.
Cổ phiếu họ FLC bị bán tháo trong ba ngày liên tiếp liên quan đến thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn, bán "chui" 175 triệu cổ phiếu. Ông Quyết đăng ký bán lượng lớn cổ phiếu FLC từ ngày 10/1 đến ngày 17/1. Văn bản thông báo được ký vào ngày 5/1 nhưng chỉ được đăng tải lên website công ty vào tối ngày 10/1 và chưa được gửi đến HoSE. Thông tin này, sau đó, đã biến mất trên website của FLC.
Ủy ban chứng khoán (SSC) sau đó đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan để có giải pháp xử lý ngay trong tối 10/1. Quyết định phong tỏa các tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết "nhằm ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định".
Tiếp đến, sau khi huỷ lệnh, Ủy ban chỉ đạo HoSE, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và các công ty chứng khoán phối hợp rà soát các giao dịch đối ứng từ tài khoản của ông Quyết để hủy giao dịch.
Hiện cơ quan thanh tra của Ủy ban Chứng khoán yêu cầu ông Trịnh Văn Quyết, cá nhân vi phạm, tới ký biên bản, 5 ngày sau sẽ ban hành quyết định xử phạt hành chính theo quy định.
Minh Sơn