Mới đây, một số tờ báo nước ngoài đưa tin Triều Tiên đang yêu cầu người dân dùng phân của chính mình để làm phân bón trong bối cảnh nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực.
Từ lâu, Triều Tiên vẫn nhập khẩu phân bón nông nghiệp từ Trung Quốc nhưng hoạt động này đã buộc phải tạm dừng sau khi Triều Tiên đóng cửa biên giới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Do đó, Triều Tiên đã tuyên bố đảm bảo đủ lượng phân bón là "cuộc chiến" đầu tiên của năm 2022, tờ Daily NK đưa tin.
Theo một tờ báo khác, truyền thông nhà nước của quốc gia này khuyến khích người dân làm phân bón tự chế. Kết quả là người dân Triều Tiên đã bắt đầu "sản xuất phân bón từ chất thải của chính họ" sau khi nhà chức trách phát động chương trình 10 ngày nhằm tăng sản lượng.
Cụ thể, tờ Daily NK đưa tin người dân được yêu cầu "sản xuất" 150kg phân. Những người làm việc tại các nhà máy do nhà nước điều hành được yêu cầu sản lượng lên tới 500kg trong khoảng thời gian từ ngày 4/1 đến ngày 14/1.
Triều Tiên khuyến khích người dân dùng phân của chính mình để sản xuất phân bón (Ảnh: Internet).
Trong một nỗ lực để khuyến khích người dân, Triều Tiên cũng đã cho ra mắt một loại thẻ chỉ được cấp cho những người đạt được chỉ tiêu sản xuất phân. Tấm thẻ này cho phép họ buôn bán "thành phẩm" của mình.
"Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất và nhập khẩu phân bón ngày càng trở nên khó khăn hơn. Cuối cùng, gánh nặng thu thập phân bón cần thiết cho việc trồng trọt đã đổ lên vai người dân", một nguồn tin chia sẻ với tờ Daily NK.
Lượng nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc của Triều Tiên trong vài tháng qua có xu hướng sụt giảm mạnh, gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Theo Dialy NK, Triều Tiên đang gặp không ít trở ngại trong việc nhập khẩu amoniac, khiến các nhà máy sản xuất phân bón trong nước có nguy cơ phải tạm dừng sản xuất. "Nếu Triều Tiên không thể nâng sản lượng phân bón lên trên mức bình thường, tình trạng thiếu lương thực có thể nghiêm trọng hơn vào năm nay", tờ báo nhận định.
Ngoài tình trạng thiếu phân bón, Triều Tiên cũng đang tìm cách để đảm bảo đủ lương thực. Tháng 6 năm ngoái, CNN đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un, đã thừa nhận Triều Tiên đang đối mặt với rủi ro thiếu lương thực do ảnh hưởng của các trận bão lũ vào năm 2020.
Trong bản đánh giá gửi Liên Hợp Quốc về các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước vào tháng 7 năm 2021, Triều Tiên lần đầu thừa nhận sản lượng lương thực đã giảm xuống mức thấp. Nguyên nhân được cho là "thiên tai, không đủ vật liệu canh tác cũng như cơ giới hóa thấp".
Hãng thông tấn xã trung ương Triều Tiên cho biết trong một cuộc họp, ông Kim nhấn mạnh rằng đất nước đang phải đối mặt với tình hình "căng thẳng" về lương thực.
Trong suốt thời gian thế giới gồng mình chống dịch, Triều Tiên gần như đóng cửa biên giới và cắt đứt liên hệ với bên ngoài. Theo CNN, dù ông Kim không tiết lộ cụ thể nhưng tình hình thiếu lương thực ở Triều Tiên có vẻ nghiêm trọng. Tháng 9/2021, ông đã thúc giục Triều Tiên đưa ra các giải pháp cho "vấn đề lương thực". Thậm chí, còn có thông tin rằng Triều Tiên đã bắt đầu nuôi thiên nga đen để giết mổ nhằm cung cấp nguồn thực phẩm mới.
Nguồn: BI, Daily NK
http://tintuc.vdong.vn/01/1180231.htmMộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị