Sở GTVT TP.HCM có văn bản đề xuất với Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số quy định về Thông tư 38/2019 và Thông từ 12/2015 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ.
Nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến đề xuất của Sở GTVT TP.HCM. Ảnh: TN
Đáng chú ý, Sở GTVT đề xuất người mới có bằng lái xe ô tô không được chạy xe trên 60km/h và không được chạy xe trên cao tốc.
Lái xe dưới một năm sẽ không có kinh nghiệm
Theo Sở GTVT, nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, hạn chế tai nạn xảy ra, đặc biệt là đối với những người mới được cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Bộ GTVT xem xét quy định về việc người có GPLX ô tô trong vòng 1 năm (kể từ ngày cấp lần đầu) không được điều khiển phương tiện tham gia lưu thông với tốc độ trên 60km/h và không được điều khiển phương tiện lưu thông trên đường cao tốc.
Liên quan đến đề xuất này đã có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nhiều tài xế, chuyên gia đồng tình với đề xuất trên nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này không phù hợp và cần có các nghiên cứu sâu hơn.
Anh Nguyễn Hữu Tài (một tài xế có hơn 10 năm kinh nghiệm lái xe tải tại TP.HCM) chia sẻ sự đồng tình với đề xuất này. Theo anh Tài, thời điểm anh mới có GPLX cũng được gia đình, thầy dạy lái xe tạo điều kiện tập lái một năm mới thông thạo tay lái.
“Hiện tại có nhiều người mới có bằng lái xe ra đường chạy rất “hổ báo”, cách xử lý không được. Người điều khiển xe phải chạy trên một năm mới cứng tay lái được, mới thi bằng lái 3 tháng mà cầm lái sẽ không xử lý tốt tình huống. Do đó, Sở GTVT TP.HCM có đề xuất này là rất hợp lý”- anh Tài cho hay.
Anh Tài phân tích thêm, đề xuất này mục đích là cho người có bằng lái mới chạy dưới 60km/h là để kiểm soát được và cũng không nên lên cao tốc. Vì khi chạy trên cao tốc có nhiều người phanh gấp, trong khi quy định trên đoạn đường này không được phanh. Đặc biệt, một số tài xế muốn vào trạm dừng chân, đối với người có kinh nghiệm sẽ từ từ vào làn giữa rồi mới rẽ vào, tuy nhiên người không có kinh nghiệm sẽ “lạng” vào con lươn ào vô, xe tải phanh không kịp sẽ gây tai nạn.
“Tài xế nên có kinh nghiệm một năm để xử lý nhiều tình huống và nhiều cung đường thì mới thành thạo được”- anh Tài nói thêm.
Một số tài xế nhiều năm kinh nghiệm đồng tình với đề xuất người mới có bằng lái xe không nên đi trên cao tốc. Ảnh: TN
Cần có sự nghiên cứu
Trao đổi với PLO, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho biết: “Thoạt nhìn đề xuất của Sở GTVT TP.HCM là tích cực, nhằm đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ an toàn cho người đi đường. Tuy nhiên, phân tích kỹ mặt trái của nó là hệ thống đào tạo lái xe đã đủ điều kiện để cấp phép cho người điều khiển xe hay chưa?”.
Ông Tính phân tích, thông thường tay lái một năm sẽ yếu và chưa xử lý tình huống. Nhưng khi đã cấp bằng lái xe cho người dân nhưng lại đặt ra quy định này là bất hợp lý. Do đó, cơ quan chức năng nên có thống kê theo tháng hoặc theo quý, số vụ tai nạn giao thông do những tay lái mới dưới 1 năm là bao nhiêu, như thế có cơ sở thuyết phục hơn.
Ngược lại với các ý kiến trên, vị Giám đốc một Trung tâm đào tạo lái xe tại TP.HCM cho hay đề xuất như vậy không phù hợp với thực tế hiện nay. Ở đây không xét khía cạnh một năm nay nhiều năm, chỉ nên khuyến cáo với người dân chứ không nên quy định là không được phép. Ví dụ khuyến cáo người mới lấy bằng không nên chạy quá tốc độ 60-70km/h.
“Đã đào tạo cho học viên đủ thời gian theo quy định mà đến khi cung cấp bằng cho họ, bắt buộc họ không được lái thì người dân chắc chắn không đồng ý”- vị này cho hay.
Một tài xế khác cũng cho biết: “Nếu tôi lấy bằng xong vì quy định này tôi không lái xe trong thời điểm dưới 1 năm thì càng không có kinh nghiệm xử lý. Tay lái mới phải chạy nhiều, có sự cố mới có bài học”.
Người này cũng nói thêm, hiện nay có nhiều người có bằng lái xe xong và “cất tủ”, xong một năm sau mua xe ô tô thì lái cũ hay lái mới có kinh nghiệm hơn là một vấn đề cần đặt ra.
“Tôi cũng từng quẹt vào xe người khác, phải bỏ tiền ra đền bù xong mới có kinh nghiệm cho mình, chứ không lái xe còn tạo cảm giác sợ cầm tay lái nữa”- vị tài xế này nói thêm.