Ca nhiễm Omicron ở thành phố cảng lớn
Hôm 13/1, giới chức Trung Quốc thông báo mới phát hiện ít nhất một người nhiễm biến chủng Omicron ở thành phố cảng Đại Liên với khoảng 7 triệu dân. Một người khác cũng cho kết quả xét nghiệm dương tính nhưng chưa rõ biến chủng.
Theo Bloomberg, cả hai đều là sinh viên từ thành phố Thiên Tân trở về nhà nghỉ lễ. Tính đến hết ngày 12/1, giới chức Thiên Tân đã báo cáo ít nhất 137 ca nhiễm. Hiện tại, rất nhiều người dân Trung Quốc đang trở về quê để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.
Như vậy, sau Thiên Tân, Đại Liên đã trở thành thành phố cảng quan trọng thứ hai tại Trung Quốc ghi nhận biến chủng Omicron. Cảng biển tại hai thành phố này đều nằm trong nhóm 20 cảng lớn nhất thế giới.
Năm 2020, các cảng ở Thiên Tân và Đại Liên xử lý tổng cộng khoảng 25 triệu TEU. Ngoài ra, chúng còn đóng vai trò là trung tâm sản xuất chính cho các công ty nước ngoài như Airbus và Volkswagen.
Hầu hết quốc gia trên thế giới đều đã tiến tới sống chung với virus SARS-CoV-2, đến những nước từng miệt mài truy vết F0 như Việt Nam cũng đang dần chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Song, Trung Quốc vẫn kiên trì với chiến lược "Zero COVID". Thay vì tìm cách hạn chế lây nhiễm ở mức có thể kiểm soát được, Bắc Kinh vẫn tiếp tục truy vết bệnh nhân, phong tỏa diện rộng và xét nghiệm hàng triệu dân ngay cả khi chỉ phát hiện một trường hợp nhiễm COVID-19.
Sự lan rộng của biến chủng Omicron là một tin xấu đối với Trung Quốc, đặc biệt là khi chỉ còn ba tuần nữa là Olympic mùa đông khai mạc tại Bắc Kinh. Chắc chắn chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp vô cùng nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh.
Tín hiệu xấu cho chuỗi cung ứng
Theo các chuyên gia hàng hải, do tình trạng tắc nghẽn cảng biển ở khu vực gần thủ đô Bắc Kinh, tàu thuyền đang hướng đến cảng Thượng Hải và gây ra ách tắc ngày càng nghiêm trọng ở đó.
Lịch trình của các tàu container ở cảng Thượng Hải hiện đang bị chậm khoảng một tuần. Cú sốc này có thể lan rộng đến tận Mỹ và châu Âu, Bloomberg dẫn lời các chuyên gia hàng hải cảnh báo.
Bây giờ, việc phát hiện các ca nhiễm Omicron ở những thành phố cảng biển lớn như Thiên Tân và Đại Liên còn là tín hiệu xấu cho chuỗi cung ứng vốn vẫn còn bị đứt gãy. Năm ngoái, Trung Quốc đã phong tỏa ít nhất hai cảng lớn là Diêm Điền và Chu Sơn - Ninh Ba để chống dịch.
Diêm Điền là một cảng lớn nằm ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Cảng này chịu trách nhiệm cho hơn 30% hoạt động ngoại thương của tỉnh Quảng Đông và 25% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Như bao lần khác, sau khi phát hiện một số ca nhiễm COVID vào cuối tháng 5, giới chức địa phương đã yêu cầu xét nghiệm 5 lần với toàn bộ 230.000 dân sống gần cảng Diêm Điền; đồng thời bất cứ tiếp xúc nào giữa nhân viên cảng và thủy thủ đoàn đều bị cấm, New York Times đưa tin.
Hơn nữa, Thâm Quyến còn yêu cầu các nhân viên cảng phải lưu trú tại 216 cơ sở dã chiến tại bến cảng thay vì trở về nhà hàng ngày. Do đó, cảng Diêm Điền bị ùn tắc như một hệ lụy của chính sách phòng dịch nghiêm khắc của Trung Quốc.
Câu chuyện của Diêm Điền không thể trở thành bài học cho Bắc Kinh. Đến khoảng tháng 8, Ninh Ba - Chu Sơn, cảng biển sầm uất thứ ba thế giới về khối lượng container, cũng rơi vào bế tắc sau khi y tế phát hiện một ca nhiễm COVID-19.
Bình luận về chiến lược "không khoan nhượng" với COVID-19 của Trung Quốc, CEO Dawn Tiura của hiệp hội Sourcing Industry Group từng nhấn mạnh: "Chỉ cần một người dương tính cũng đủ để Trung Quốc đóng cửa cảng biển".