Chiều 13-1, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Tại họp báo, trả lời câu hỏi về kết quả xử lý vi phạm tiếng ồn trên địa bàn, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết trong thời gian qua, Công an TP.HCM đã chỉ đạo công an các địa phượng tăng cường xử lý các cơ sở kinh doanh và hộ gia đình gây tiếng ồn trên địa bàn.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: TÁ LÂM
Kết quả, từ 20-3-2021 đến nay, Công an các quận huyện đã rà soát, lên danh sách và yêu cầu hơn 22.500 trường hợp viết cam kết tuân thủ qui định về tiếng ồn trong sản xuất, kinh doanh và trong cộng đồng dân cư, tháo dỡ các loa nhạc thường xuyên gây tiếng ồn. Công an TP.HCM đã nhắc nhở 515 cơ sở kinh doanh và hộ gia đình chấn chỉnh hoạt động phát ra tiếng ồn.
Lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 26 trường hợp điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, bấm còi, rú ga liên tục trong khu dân cư…
Công an các quận huyện và TP Thủ Đức đã tiếp nhận 700 tin báo về hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt gây tiếng ồn. Lực lượng công an đã yêu cầu ngưng, nhắc nhở, buộc cam kết và ra quyết định xử phạt 59 trường hợp vi phạm về gây tiếng ồn với số tiền hơn 47 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề này, hôm 6-1, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký công văn về tăng cường xử lý vi phạm về tiếng ồn, trong đó yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức xử lý nghiêm nhóm hành vi: tiếng ồn - phòng chống dịch bệnh COVID-19 - an ninh trật tự (trong đó có chống người thi hành công vụ).
Địa phương cấp huyện, xã nào để xảy ra vi phạm tiếng ồn do buông lỏng quản lý, ảnh hưởng tiêu cực đến phòng, chống dịch hoặc an ninh trật tự thì sẽ xem xét trách nhiệm, xử lý người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức.
Theo UBND TP, vừa qua tình trạng cố tình gây tiếng ồn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tại cộng đồng dân cư diễn ra tràn lan, phổ biến, trở thành vấn nạn trong đô thị, ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng sống của người dân. Gần đây, người dân và báo chí cũng có phản ánh tình trạng này.
(PLO)- UBND TP.HCM đặt vấn đề tại sao theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, đã quy định giới hạn tiếng ồn tối đa là 70 dBA nhưng các thiết bị âm thanh công suất lớn vẫn được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng.