Lễ công bố trực tuyến báo cáo Điểm lại tháng 1-2022 của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ngày 13-1 - Ảnh chụp màn hình
Theo bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo trên dựa trên kỳ vọng đại dịch COVID-19 sẽ không tái bùng phát tại Việt Nam, nền kinh tế trong nước sẽ phục hồi mạnh mẽ. Lạm phát vào khoảng 3,5-3,6%, dưới mức trần 4%, nhưng vẫn cao hơn năm 2021 một chút do nhu cầu trong nước phục hồi.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam sẽ dần phục hồi nhờ người tiêu dùng và nhà đầu tư lấy lại niềm tin. Các ngành công nghiệp chế biến và chế tạo sẽ hưởng lợi nhờ nhu cầu ổn định từ Mỹ, EU và Trung Quốc.
Nông nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng bằng mức của giai đoạn 2020-2021, đóng góp nhỏ nhưng ổn định cho tăng trưởng.
Thâm hụt ngân sách và nợ công được kỳ vọng duy trì với tỉ lệ nợ trên GDP dự kiến là 58,8%, thấp hơn nhiều so với mức trần theo quy định.
Ngày 11-1, Quốc hội đã đồng ý tăng bội chi ngân sách nhà nước trong năm 2022 - 2023 để thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử.
Giá trị của gói kích thích này có thể lên tới trên 320.000 tỉ đồng từ các nguồn trong và ngoài nước.
Chúc mừng Việt Nam đã thông qua gói chính sách mới, ông Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - đánh giá đây là một động thái tích cực.
Ông cho rằng Chính phủ Việt Nam đã chủ động trong việc đưa ra các chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục hậu đại dịch. Chính phủ chi tiền nhiều hơn sẽ giúp kích thích nền kinh tế.
Không chỉ trong ngắn hạn, gói chính sách này có thể giúp Việt Nam đạt vị thế nước có thu nhập cao giai đoạn 2045-2050.
“Chính phủ đã cố gắng tinh giản một số thủ tục đầu tư. Đại dịch này đã cho thấy một số điểm nghẽn trong quản lý đầu tư công. Chính phủ cũng đang cố gắng giải quyết những điểm nghẽn này bằng việc thay đổi một số quy trình thủ tục quan trọng trong quá trình tương tác giữa trung ương và địa phương”, ông Morisset nhận định.
Bà Carolyn Turk - giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - lưu ý rằng Việt Nam cần đưa ra các nguyên tắc về đầu tư công trong tương lai, để nâng tối đa hiệu suất trong thời gian tới.
“Chúng ta cần tinh giản quy trình thủ tục nhưng phải có những biện pháp bảo hộ, đảm bảo minh bạch trong quá trình đấu thầu, xử lý tác động môi trường của những khoản đầu tư tiềm năng”, bà Turk cho biết.
Bà cũng kỳ vọng việc phân cấp trong quá trình ra quy định sẽ giúp tăng tốc một số dự án đầu tư liên tỉnh, mang tính đột phá trong tương lai.
TTO - Quốc hội đồng ý việc tăng bội chi ngân sách nhà nước trong năm 2022 - 2023 để thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử, có thể lên tới trên 320.000 tỉ đồng từ các nguồn trong và ngoài nước.