Tại cuộc họp, bà Yến cho hay, hiện nay TP.Đà Nẵng có 25 ca nặng trong số 3.300 trường hợp F0 đang được điều trị. Tỉ lệ bệnh nhân nặng đang tăng lên. Bà Yến đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp cố gắng hết sức để kìm chế số ca mắc. "Từ nay đến Tết Nguyên đán, nguy cơ số ca sẽ tăng lên sẽ rất nhiều nên phải trong tinh thần bằng mọi cách để kìm chế số ca", bà Yến nói.
Theo bà Yến, các địa phương phải đánh giá cụ thể tình hình dịch Covid-19, xác định cấp độ dịch với quy mô thấp ở cấp tổ dân phố. Bà Yến cho rằng, không nhất thiết phải đưa ra cấp độ quy mô phường, xã nhưng khi đưa ra cấp độ nào thì phải có biện pháp hành chính tuân thủ theo cấp độ đó một cách nghiêm túc để kiểm soát tốt tình hình.
Đối với chợ, các địa phương phải kiểm soát tốt số ca nhiễm, không để ảnh hưởng đến việc phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân.
"Mong các địa phương đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch với mục tiêu kìm chế số ca mắc trong những ngày đến. Trước Tết Nguyên đán là những ngày đáng lo vì có nhiều sự kiện tập trung đông người, tiệc tùng, mua sắm… Về các chợ, Sở Công thương phải có kế hoạch bảo vệ cho được các chợ trong thời gian từ nay đến tết", bà Yến nhấn mạnh.
Số ca Covid-19 tại TP.Đà Nẵng đang tăng nhanh khiến chính quyền phải bàn các giải pháp để điều trị F0 tại nhà hiệu quả hoàng sơn |
Ngày 13.1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng cho biết trong ngày địa phương ghi nhận 657 ca mắc Covid-19 mới. Như Thanh Niên đã thông tin, trong số 356 ca chưa cách ly, có 30 ca lấy mẫu tiểu thương chợ Cồn, nâng tổng số ca mắc tại chợ Cồn lên đến gần 100 ca trong những ngày qua.
Hiện tại, TP.Đà Nẵng đã tạm dừng hoạt động của chợ Cồn (dự kiến kéo dài đến 0 giờ ngày 15.1) để khử khuẩn, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Theo kế hoạch, khi chợ mở cửa trở lại, gần 1.600 hộ tiểu thương tại chợ phải xét nghiệm Covid-19. Nếu có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ mới tham gia hoạt động tại chợ để đảm bảo an toàn.
|
Bản tin Covid-19 ngày 13.1: Cả nước 16.725 ca | Liệu đã có thể xem Covid-19 như bệnh cúm? |
Kích hoạt hệ thống khách sạn để điều trị F0
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến yêu cầu, đối với việc điều trị F0 tại nhà, đề nghị các địa phương, quận huyện thống nhất quan điểm "chỉ tiếp nhận những trường hợp đủ điều kiện điều trị tập trung tại bệnh viện" là những trường hợp bệnh nặng, nguy cơ cao, còn lại điều trị F0 tại nhà.
Theo bà Yến, Sở Y tế TP.Đà Nẵng tham mưu sớm việc kích hoạt hệ thống khách sạn đã cách ly F1 trước đây. "Những trường hợp người dân muốn điều trị F0 tại khách sạn và tự bỏ phí điều trị thì cần phải sẵn sàng. Hệ thống khách sạn cách ly điều trị F0 sẽ giảm tải cho y tế địa phương rất nhiều, giảm tối đa lực lượng y tế", bà Yến nói.
Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng lưu ý ngành y tế về tình huống khi ca nhiễm Covid-19 tăng nhiều, các trường hợp không phải vì nhiễm Covid-19 đến bệnh viện điều trị mà để điều trị bệnh khác và phát hiện nhiễm Covid-19. Điều này sẽ gây áp lực rất lớn cho hệ thống y tế vì vừa điều trị bệnh vừa điều trị Covid-19, chẳng hạn như bệnh thận, bệnh tim… Theo đó, ngành y tế kích hoạt hệ thống các bệnh viện đa khoa và chuyên ngành với cơ số giường để điều trị Covid-19 và bệnh khác.