Ngày 13/1, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo Điểm lại tháng 1/2022, với chủ đề “Những thách thức và cơ hội đối với phát triển thương mại xanh tại Việt Nam”. Buổi lễ công bố báo cáo có sự tham gia và trình bày của ông Jacques Morisset và bà Dorsati Madani - lần lượt là Chuyên gia Kinh tế trưởng và Chuyên gia Kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam.
Bà Dorsati Madani nhận định: Đối mặt với cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19 trong năm qua, chính sách tài khóa mới hỗ trợ được khoảng 1,8% GDP trong 10 tháng năm 2021 so với tổng mức kế hoạch 2,5% GDP. Với giả định đại dịch được kiểm soát cả trong nước và quốc tế, WB đưa ra dự đoán sơ bộ rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2022, tuy vẫn ẩn chứa một số rủi ro nghiêm trọng trong ngắn và trung hạn.
WB khuyến nghị Việt Nam đẩy mạnh hỗ trợ tài khóa, nỗ lực xử lý tác động xã hội của đại dịch và xử lý nghị trình cải cách khu vực tài chính.
Tại sự kiện, ông Jacques Morisset trình bày nghiên cứu của WB về mối quan hệ giữa xuất khẩu của Việt Nam với môi trường và các nguy cơ khí hậu, cùng với đó là các cơ hội và lợi thế của Việt Nam khi phát triển sản phẩm xanh và thương mại xanh.
Theo dự báo của WB, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến hai nhóm ngành xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam - công nghiệp và nông nghiệp - cũng như cơ sở hạ tầng vận tải và logistic liên quan đến thương mại.
Sản lượng lúa của Việt Nam có thể giảm 5-23% vào năm 2040. Nếu mực nước biển dâng cao 100 cm, 4% hệ thống đường sắt quốc gia, trên 9% đường quốc lộ cao tốc và khoảng 12% tỉnh lộ dự kiến sẽ bị ảnh hưởng, với Đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại trầm trọng nhất.
Ngược lại, về ảnh hưởng tới môi trường của các mặt hàng xuất khẩu, sản xuất lúa và chăn nuôi là nguồn phát thải nông nghiệp chính, trong khi phát thải từ hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu công nghiệp ở mức độ doanh nghiệp chủ yếu đến từ phát thải gián tiếp - mua điện, hơi, tạo nhiệt và làm mát. Nông nghiệp đóng góp 33% phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010.
Chính sách môi trường của Việt Nam và các quốc gia khác trong tương lai có thể tạo ra một số ảnh hưởng nhất định đến thương mại hàng hóa của Việt Nam. Các khu công nghiệp tập trung vốn FDI đóng góp khoảng 30% tổng sản lượng công nghiệp, trên 70% kim ngạch xuất khẩu, và khoảng 25% tổng lượng phát thải khí CO2 hàng năm của Việt Nam.
Khi các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như EU và Mỹ dần yêu cầu quy trình sản xuất sạch hơn, các doanh nghiệp này sản xuất hàng xuất khẩu cũng sẽ cần chuyển đổi quy trình hoặc chịu rủi ro để vốn đầu tư chảy sang các quốc gia cạnh tranh hơn. Ví dụ, trong lĩnh vực dệt may chủ đạo của Việt Nam, Nike đang triển khai sáng kiến giảm 65% mức phát thải - một động thái có thể ảnh hưởng đến hơn 100 nhà cung cấp cho Nike tại Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi xanh trong sản xuất và thương mại cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Hiện tại, thương mại sản phẩm năng lượng tái tạo của Việt Nam đã cho thấy hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa môi trường đã tăng từ 18,1 triệu USD năm 2002 lên 6,5 tỷ USD năm 2020, đứng thứ ba trong Đông Nam Á.
WB cho rằng Việt Nam nên nắm bắt cơ hội liên quan đến các hiệp định thương mại tự do và cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu nhằm đẩy mạnh sản xuất sản phẩm cho phát triển bền vững, cũng như phát triển năng lượng tái tạo. Các chính sách phi thuế quan liên quan đến hàng hóa môi trường cũng cần được rà soát và chỉnh sửa sao cho hài hòa với thông lệ quốc tế và các hiệp định thương mại.