Đêm 12 và ngày 13-1, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đã kiểm tra và làm việc với chợ đầu mối, doanh nghiệp (DN) thực phẩm và Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM về công tác chuẩn bị nguồn hàng, kiểm soát ATTP và phòng chống dịch Covid-19 cho mùa Tết.
Tăng cường kiểm tra "kép"
Theo chân đoàn công tác tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) vào khuya 12-1, chúng tôi ghi nhận hoạt động tại đây đã tấp nập trở lại, nhất là khu kinh doanh thủy hải sản tươi sống. Tại các khu vực bán rau củ, thịt heo..., hàng hóa cũng khá dồi dào song vẫn còn một số vựa để trống hoặc treo biển cho thuê điểm bán hàng.
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, làm việc với chợ đầu mối Bình Điền vào khuya 12-1
Đoàn công tác đã kiểm tra ngẫu nhiên một số vựa và trao đổi với thương nhân về nguồn hàng, cách kiểm soát ATTP khi kinh doanh tại chợ. Đánh giá sơ bộ, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ NN-PTNT, cho rằng với điều kiện kinh doanh tại chợ như hiện nay, việc bảo đảm ATTP tương đối tốt, nhất là với nhóm thủy hải sản sống. Chẳng hạn, với mặt hàng mực tươi, tiểu thương sơ chế và ngâm vào nước ngay khi lột da nên vẫn giữ được độ trắng mà không cần dùng chất tẩy.
Lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân mùa Tết tại chợ đầu mối Bình Điền khá dồi dào.Ảnh: NGỌC ÁNH
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam bày tỏ vui mừng khi chợ đầu mối Bình Điền - chợ đầu mối lớn nhất TP HCM và cả nước - đã được khôi phục hoạt động, hàng hóa phong phú, giao dịch tấp nập. Các cơ sở kinh doanh đã có ý thức tuân thủ 5K.
"Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp, tiểu thương cần chú ý giãn cách, không tập trung quá đông. Ngoài việc kiểm soát con người, công ty quản lý chợ nên kiểm soát cả hàng hóa vì bao bì, nhãn mác có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2. Theo đó, hướng đến việc đặt ra yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa, quy cách đóng gói từ nguồn để hàng hóa vào chợ có thể giao dịch ngay, giảm lượng người tập trung để sơ chế, đóng gói lại. Điều này vừa giúp kiểm soát ATTP và dịch bệnh từ nguồn vừa giảm chi phí xử lý rác thải tại chợ" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng ATTP và Môi trường - chợ đầu mối Bình Điền, cho biết đơn vị này đang triển khai lấy mẫu tăng cường để kiểm soát các chỉ tiêu về ATTP bên cạnh việc kiểm soát 5K tại chợ. "Theo kế hoạch, chúng tôi lấy 400 mẫu thủy hải sản để kiểm tra chỉ tiêu về hàn the, phẩm màu, histamin; 300 mẫu rau củ quả để kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu và 100 mẫu thịt heo để kiểm tra hàn the. Số lượng mẫu lấy tương đương với dịp Tết năm ngoái. Chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và yêu cầu thương nhân bán đúng giá niêm yết" - ông Thành thông tin.
Theo ông Nguyễn Thành Châu, Trưởng Ban Quản lý chợ Thái Bình (quận 1), chợ có tổ kiểm tra thường xuyên về chất lượng, nhãn mác, xuất xứ... hàng hóa. Trong đó, thịt gia súc, gia cầm nhập về đều được Ban Quản lý ATTP TP HCM kiểm tra, kiểm soát ngay tại chợ. Ngoài ra, quận 1 cũng có đoàn liên ngành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả đối với hàng hóa ở các chợ.
Ngăn nguy cơ thiếu thực phẩm cục bộ
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP HCM, trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần, 11 đoàn cấp thành phố cùng các đoàn tại quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, phân phối những loại thực phẩm tiêu thụ nhiều như: rượu, bia, bánh, mứt, kẹo, sản phẩm từ thịt (xúc xích, giò chả…) và các dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, Ban Quản lý ATTP TP HCM còn tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc bảo đảm ATTP trong bối cảnh sống chung với dịch Covid-19.
"Hiện nay, quanh các chợ, ngay cả chợ đầu mối, việc buôn bán tự phát rất nhiều và không được kiểm soát. Bên cạnh việc cơ quan chức năng tăng cường xử lý thì còn đòi hỏi ý thức của người mua hàng. Người dân không nên mua hàng tại những khu vực buôn bán tự phát bởi không bảo đảm ATTP và các quy định phòng chống dịch" - bà Phong Lan nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cũng bày tỏ việc chợ tự phát phát sinh trong thời gian chợ truyền thống đóng cửa và tồn tại đến nay đã ảnh hưởng đến các đơn vị kinh doanh hợp pháp.
Về nguồn hàng, ông Nguyễn Ngọc An cho biết dù sức mua đang thấp nhưng dự trù tình huống sức mua tăng mạnh vào những ngày cận Tết nên Vissan đã chuẩn bị hàng Tết dồi dào. Rút kinh nghiệm một số năm trước xảy ra tình trạng một số nơi thiếu hàng cục bộ do bị kẹt xe, công ty sẽ thường xuyên cập nhật tình hình để bổ sung hàng kịp thời.
Tính đến thời điểm này, với các loại thực phẩm có hạn dài, Vissan đã sản xuất được 90% kế hoạch và với nhóm thực phẩm có hạn ngắn, công ty sản xuất được 70% kế hoạch. "Chúng tôi giữ giá từ nay đến sau Tết Nguyên đán 1 tháng và giảm giá vào những ngày cận Tết để hỗ trợ bà con mua sắm" - lãnh đạo Vissan cam kết.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT, thông tin sức sản xuất các mặt hàng trứng, thịt, sữa năm nay tăng 3,2% so với năm ngoái trong khi sức mua giảm sút. Do vậy, về tổng thể, nguồn cung có thể dư thừa. Tuy nhiên, từng địa phương có thể xảy ra thiếu hụt thực phẩm cục bộ do ảnh hưởng dịch bệnh hoặc một số nguyên nhân bất thường khác.
"TP HCM năm nay sẽ có nhiều người dân không về quê, trong đó có lực lượng công nhân, người lao động thu nhập thấp. Vì vậy, các DN cần chủ động dự trữ những loại thực phẩm phù hợp với mức chi trả của họ" - ông Chinh khuyến cáo.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý dù tổng thể nguồn cung thực phẩm Tết dồi dào nhưng không loại trừ khả năng bị thiếu cục bộ do dịch bệnh hoặc sức mua tăng đột biến những ngày cận Tết. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu các DN, cơ quan liên quan cần có kịch bản ứng phó để bảo đảm ATTP mùa Tết và bình ổn giá cả.
Chợ "nhà giàu" giãn cách tự nhiên
Tại một số chợ ở trung tâm TP HCM, do lượng khách ra vào quá ít, hầu như không cần kiểm soát về khoảng cách và mật độ tập trung nên tiểu thương gọi vui là "giãn cách tự nhiên". Chẳng hạn, thông tin từ Ban Quản lý chợ Thái Bình (quận 1) cho biết đến thời điểm này, chỉ có phân nửa trong tống số 505 sạp tại chợ đã hoạt động trở lại; nhiều sạp tuy mở bán song chỉ phập phù, bữa bán bữa không. Tương tự, tại chợ Bến Thành (quận 1), hiện chỉ có 400/1.5000 hộ đăng ký kinh doanh đang hoạt động bởi buôn bán quá ế ẩm.
Tuy vậy, các chợ truyền thống vẫn tăng cường biện pháp chống dịch. Tại chợ Thái Bình, khách vào đây phải thực hiện khai báo y tế; các sạp cách nhau bởi vách ngăn bằng tấm bạt nhựa; tổ chức phun thuốc khử khuẩn toàn bộ chợ vào cuối ngày; lấy mẫu xét nghiệm cho tiểu thương và cán bộ - nhân viên mỗi tuần. Còn tại chợ Bến Thành, vách ngăn giữa người bán và người mua ở khu vực kinh doanh đồ tươi sống vẫn được duy trì; hộ kinh doanh tại những lối đi hẹp được di dời ra khu vực thông thoáng hơn...
Ngoài ra, ban quản lý các chợ còn phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hàng hóa nhập về, đặc biệt là mặt hàng tươi sống. Ban quản lý các chợ còn thiết lập đường dây nóng kết nối với tiểu thương và các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý các tình huống.
Xem thêm: mth.67380321231102202-naot-na-oad-iod-mad-oab-tet-mahp-cuht/et-hnik/nv.moc.dln