Một ngày sau khi Mỹ công bố chỉ số CPI tháng 12, chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 13/1 theo giờ Việt Nam tiếp tục giảm thêm 0,1% xuống 94,866, mức thấp nhất kể từ ngày 10 tháng 11. Sau khi tăng 6,3% trong năm 2021, Dollar index đã giảm khoảng 1% trong tuần này và đang trải qua tuần có hiệu suất kém nhất trong khoảng tám tháng.
Mazen Issa, chiến lược gia tiền tệ cấp cao của TD Securities cho biết: "Bước sang năm mới, vị thế của đồng USD đã thay đổi nhiều so với thời gian dài vừa qua".
Theo vị chuyên gia này: "Con số lạm phát tháng 12 Mỹ vừa công bố, cùng với bài phát biểu trước Quốc hội của ông Powell, cơ bản phù hợp với những gì thị trường nhận định", và "Không có bất cứ điều gì mới mẻ."
Lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 12 so với tháng 11, được công bố vào thứ Tư (12/1), cao hơn một chút so với dự báo, trong khi lạm phát năm đúng như dự báo – là 7%, mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 1982.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch không coi những chỉ số lạm phát này là đủ quan trọng để Fed thay đổi khẩn cấp thái đội vốn đã ‘diều hâu’ của mình. Với ít nhất ba lần tăng lãi suất trong năm 2022 như thị trường dự kiến, một số nhà đầu tư đã đặt cược rằng đồng USD sẽ mạnh lên. Tuy nhiên, đó là trong tương lai, khi lãi suất được điều chỉnh tăng.
Hôm thứ Ba (11/1), trong phiên điều trần trước Quốc hội, ông Powell không đưa ra dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Fed đang gấp rú/t đẩy nhanh các kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều đó đã gây áp lực giảm giá đối với đồng bạc xanh, vốn những tuần gần đây đã được hưởng lợi từ kỳ vọng về tốc độ bình thường hóa chính sách của Fed một cách nhanh chóng.
Mỹ cũng vừa công bố chỉ số lạm phát giá sản xuất tháng 12, theo đó đã chậm lại so với tháng 11 do giá hàng hóa giảm, trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy những rắc rối trong chuỗi cung ứng kéo dài bấy lâu bắt đầu giảm bớt, những tín hiệu đầy hy vọng cho thấy lạm phát của Mỹ có thể đã đạt ‘đỉnh’.
Chuyên gia Issa của TD Securities cho rằng đồng USD giảm một phần bởi chịu áp lực bán ra mang tính chất kỹ thuật, khi đồng euro hôm 12/1 tăng lên trên mức 1,14 USD lần đầu tiên kể từ giữa tháng 11.
"Một khi euro vượt qua mức 1,14 USD, nhiều người sẽ bán USD ra", ông Issa nói.
So với yen Nhật, USD cũng đang giảm.
Các nhà đầu cơ tiền tệ trên thị trường quốc tế đã kết thúc năm 2021 bằng việc mua ròng mạnh mẽ đồng USD, với lượng mua ròng nhiều nhất trong vòng 2 năm.
Diễn biến Dollar index.
Nhà phân tích Derek Halpenny của MUFG cho biết: "Quy mô của đợt bán tháo đồng USD chắc chắn phải thể hiện một phần nhận định xu hướng về triển vọng đồng tiền này".
Theo ông Halpenny, thị trường đã quá kỳ vọng vào việc Fed sẽ thắt chặt tiền tệ trong năm nay. "Các nhà đầu tư dường như đều tin vào việc kết thúc QE (nới lỏng định lượng), tăng lãi suất bốn lần và bắt đầu QT (thắt chặt định lượng) tất cả trong khoảng thời gian (9 tháng). Niềm tin đó cao đến mức hạn chế phạm vi tăng giá của USD, ông Halpenny nói.
Chiến lược gia Joe Capurso của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cho biết: "Đồng USD không phải tăng vì Fed đang chuẩn bị chu kỳ thắt chặt chính sách", "Đó không phải là một phương trình đơn giản về việc Fed tăng lãi suất tương đương với tỷ lệ tăng giá của USD. Đồng đô la là một loại tiền tệ có tính chất ngược chu kỳ và sẽ giảm khi nền kinh tế thế giới phục hồi trở lại."
Đồng bảng Anh tiếp tục mạnh lên do các nhà giao dịch cho rằng nền kinh tế Anh có thể chống chịu được tình trạng số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, và Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tăng lãi suất một lần nữa ngay trong tháng tới. Bảng Anh kết thúc ngày 13/1 theo giờ Việt Nam tăng thêm 0,16% lên 1,3727 USD, mức cao nhất kể từ cuối tháng 10.
Bảng Anh đã tăng giá 4,5% khỏi mức thấp chạm tới hồi tháng 12, và các nhà giao dịch đang phớt lờ cuộc khủng hoảng chính trị liên quan đến Thủ tướng Boris Johnson, người đã xin lỗi vì đã tham dự một bữa tiệc ở khu vườn trên phố Downing trong đợt giãn cách xã hội hồi năm ngoái.
Đồng đô la Australia, thường được coi là đại diện của các tài sản rủi ro cao, cũng tiếp tục tăng 0,08% lên 0,729 USD, cao nhất kể từ giữa tháng 11. Đô la Canada cũng tăng phiên thứ 3 liên tiếp, lên mức cao nhất mới trong vòng hai tháng do giá dầu gần đây tăng và các nhà đầu tư đang xem xét khả năng biến thể Omicron có thể tác động như thế nào đến nền kinh tế này. Đô la New Zealand tăng 0,5% lên 0,6884 USD, mức tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 11.
Nhân dân tệ của Trung Quốc phiên vừa qua giảm khỏi mức cao nhất 2 tuần do dự báo nền kinh tế nước này sẽ yếu đi do đợt bùng phát virus Omicron.
Kết thúc ngày 13/1, CNY ở mức 6,3465 CNY, giảm 77 pip so với phiên liền trước và cũng giảm khỏi mức 6,3658 đạt được lúc đầu phiên.
Các loại tiền tệ và chứng khoán Châu Á đồng loạt tăng trong phiên vừa qua do USD giarm.
Đồng baht của Thái Lan, won của Hàn Quốc và rupiah Indonesia tăng từ 0,1% đến 0,3%, trong khi cổ phiếu tại Philippines, Đài Loan và Kuala Lumpur tăng từ 0,2% đến 0,8%.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm 1,78% vào lúc kết thúc ngày 13/1 theo giờ Việt Nam, xuống 43.152,91 USD. Đồng tiền này vẫn đang trong những ngày chật vật để thoát khỏi áp lực bán tháo – đã từng đẩy giá xuống thấp nhất trong vòng 5 tháng, là 39.558,70 USD hôm 10/1. Bước sang ngày 14/1, Bitcoin tiếp tục giảm mạnh, xuống chỉ còn 42.642 USD.
Giá bitcoin 24 giờ qua.
Giá vàng quay đầu giảm do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.815,42 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 2 giảm 0,6% xuống 1.816,40 USD lúc kết thúc ngày 13/1 theo giờ Việt Nam.
Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty môi giới OANDA, cho biết phản ứng tổng thể của thị trường vàng đối với dữ liệu lạm phát giá sản xuất mà Mỹ vừa công bố là khá ‘im lặng’ vì diều đó không thay đổi câu chuyện về những gì Fed có thể sẽ làm vào tháng Ba. Lãi suất tăng sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Xem thêm: nhc.92270820041102202-hnam-aig-tor-nioctib-uas-maig-cut-peit-dsu/nv.fefac